Từng rất thành công với bộ phim chủ đề gia đình, đạo diễn, nhà sản xuất Trấn Thành tiếp tục khai thác chất liệu gia đình trong phim “Nhà bà Nữ”. Thuộc thể loại hài, nhưng “Nhà bà Nữ” lại khoác lên một màu sắc khác khi mang thông điệp chữa lành - điều mà ai cũng cần trong cuộc sống. “Nhà bà Nữ” bề ngoài là một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu, nhưng phía sau cánh cửa là những mâu thuẫn ngấm ngầm khó nói giữa các thành viên trong gia đình. Qua bộ phim, Trấn Thành hi vọng mỗi người đều nhìn thấy bản thân trong đó, đồng thời muốn tạo thói quen cho khán giả Việt ra rạp để thưởng thức những bộ phim hay chứ không chỉ đơn thuần là giải trí.
“Nhà bà Nữ” quy tụ dàn diễn viên gồm cả những gương mặt giàu kinh nghiệm và có thực lực như: NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Huỳnh Uyển Ân, Khả Như, Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm, NSƯT Công Ninh, Ngân Quỳnh…
Là phim Việt thứ 2 góp mặt trong đường đua phim Tết năm nay, phim “Chị chị em em 2” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có chủ đề về nữ quyền với những góc khuất trong vòng xoáy tình yêu - thù hận, tiền bạc - quyền lực. Lấy bối cảnh thời gian gần 100 năm trước tại Sài Gòn, phim kể về cuộc đời Ba Trà (Minh Hằng thủ vai)- một cô gái xuất thân nghèo khổ, 14 tuổi đã bị gả bán làm vợ cho một người Tây và sau đó là một công tử nhà giàu. Tuy là người phụ nữ đẹp, giàu có nhưng trái tim Ba Trà đã đóng băng. Cô tận hưởng cuộc sống thượng lưu và xem đàn ông chỉ là trò tiêu khiển. Tư Nhị (Ngọc Trinh thủ vai) là cô gái mang hai dòng máu Việt - Khơ-me, có vẻ đẹp phóng khoáng và gợi cảm và cũng có xuất thân lam lũ giống Ba Trà. Khi Tư Nhị lên Sài Gòn và tình cờ gặp gỡ với Ba Trà, cô đã một bước hóa thiên nga, thông thạo các chiêu thức quyến rũ đàn ông. Tuy nhiên, không bao lâu sau, Tư Nhị lao vào các cuộc chơi như một con thiêu thân và muốn cướp ngôi vị số 1 của ân nhân từng cưu mang mình…
Ngoài việc tái hiện khung cảnh Sài Gòn hoa lệ xưa, “Chị chị em em 2” cũng là bộ phim được đầu tư kì công về phục trang. Nhà thiết kế Đỗ Long đã thiết kế hơn 80 bộ trang phục cho hai nữ diễn viên chính Minh Hằng và Ngọc Trinh. Phim có khoảng 300 diễn viên quần chúng, trong đó có hơn nửa là người nước ngoài. Bối cảnh phim được quay tại nhiều địa điểm thay vì dùng kĩ xảo tạo cảnh giả.
Thành danh với nhiều bộ phim cả nghệ thuật lẫn giải trí, nhưng với “Chị chị em em 2”, lần đầu tiên đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đầu tư lượng kinh phí cao để sản xuất phim nhằm phục vụ khán giả dịp Tết. Đây cũng là dự án phim được bỏ tiền đầu tư ngay từ khi hình thành ý tưởng, “mọi tư duy phải hoàn toàn khác trước đây” - Vũ Ngọc Đãng chia sẻ.
Là dự án phim Tết công bố sau cùng, “Siêu lừa gặp siêu lầy” (đạo diễn Võ Thanh Hòa) có đầy đủ yếu tố giải trí như cảnh đẹp, các màn gây cười do chính các diễn viên hài thực hiện, hứa hẹn đem đến những giây phút giải trí vui vẻ trong những ngày đầu xuân mới.
Chuyện phim bắt đầu khi Khoa (Mạc Anh Khoa thủ vai) - vốn là tên lừa đảo có hạng, quyết định đến Phú Quốc hành nghề. Khoa tin rằng, đảo ngọc Phú Quốc là nơi có nhiều “con mồi” béo bở và như thế anh sẽ mau chóng đổi đời. Tại đây, Khoa “liên doanh” với Tú - cũng là một tay lừa đảo tầm cỡ. Đưa người xem vào thế giới lừa đảo của mình, Tú và Khoa trưng trổ các ngón nghề để tìm kiếm và đưa những “con mồi” là những cô gái xinh đẹp, ngây thơ nhẹ dạ cả tin vào bẫy... Những tưởng mọi việc sẽ thuận lợi, nào ngờ team siêu lừa siêu lầy lại đối mặt với nhiều tình huống dở khóc dở cười khi băng nhóm có thêm thành viên mới là ông Năm (Nhật Trung) và bé Mã Lai (Ngọc Phước).
Được biết, kịch bản phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” được đạo diễn Võ Thanh Hòa lên ý tưởng từ năm 2018. Tất cả những chiêu trò lừa đảo trong phim đã được anh và ekip nghiên cứu rất kỹ với hi vọng sẽ tạo nên trải nghiệm thú vị cho người xem.
Quyết định công chiếu phim vào dịp Tết cổ truyền, Võ Thanh Hòa cho biết sau thành công của bộ phim “Chị Mười ba: 3 ngày sinh tử” với doanh thu 108 tỉ đồng, bản thân anh có chút áp lực vì danh hiệu đạo diễn trăm tỉ, cộng thêm việc phim sẽ cạnh tranh với các phim nước ngoài và cả phim Việt, nhưng anh không ngại khi khẳng định muốn đóng góp cho thị trường phim Tết nhiều màu sắc hơn.
Nhìn vào mâm cỗ phim Tết, có thể thấy sự đa dạng về đề tài, thể loại khi mỗi phim đều có những thế mạnh và sự đầu tư chăm chút riêng. Nhiều phim tốt, hay ra rạp đồng nghĩa với việc người xem sẽ có nhiều lựa chọn hơn, thị trường điện ảnh Tết có nhiều màu sắc hơn. Đây cũng chính là thử thách thú vị cho những người làm phim khi họ có điều kiện cạnh tranh công bằng cùng nhau. Hi vọng những bộ phim chiếu Tết sẽ là tiền đề cho một năm thắng lợi của điện ảnh Việt với các dự án phim rất đáng được mong đợi ở cả hai dòng phim giải trí và nghệ thuật.