Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên": Day dứt khát vọng thanh niên xung phong

Miên Thảo| 16/07/2020 07:43

Có lẽ, cũng đã khá lâu mới có bộ phim Nhà nước đặt hàng mạnh dạn phát hành rạp thương mại như “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Thế mà, dù phát hành giữa thời điểm khán giả ngại đến rạp vì dịch Covid-19 hoành hành, nhưng bộ phim kể về thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ấy vẫn bất ngờ thu hút sự quan tâm của khán giả - đặc biệt là khán giả trẻ.

Phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”: Day dứt khát vọng thanh niên xung phong
Bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” được khán giả quan tâm khi xoáy sâu vào những khát vọng của thanh niên xung phong một cách gần gũi, đời thường. 
Sức hút từ đâu?

Không thể phủ nhận “Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) được sản xuất không chỉ để tranh giải (Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2019, Cánh diều Bạc 2020) mà còn đủ sức bước ra thị trường và bán vé khá thành công trên hệ thống rạp toàn quốc. Vậy điều đó có được từ sức hút nào đây?

Phải nói ngay rằng, “Truyền thuyết về Quán Tiên” chưa phải là bộ phim xuất sắc về mặt kỹ thuật, kỹ xảo, nếu không muốn nói là còn có đôi chỗ khiếm khuyết. Nhất là việc thể hiện nhân vật: “Chàng hiệp sĩ bận đồ đen thắt nơ trắng” - một con vượn công nghệ thiếu chất truyền dẫn cảm xúc. Cùng với đó, việc lời thoại lệ thuộc quá nhiều vào nguyên tác - được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều.

Thế nhưng, bằng việc chọn lối kể đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật, bộ phim đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc từ những khát khao, ước vọng của các nữ thanh niên xung phong. Và những cung bậc cảm xúc ấy có khi khiến khán giả nghẹn lòng rơi nước mắt nhưng lại không quá trĩu nặng khi đâu đó vẫn có giây phút cười rúc rích, sảng khoái xuýt xoa trước núi rừng Trường Sơn hùng vĩ hoặc thảng giật mình vì yếu tố kinh dị. 

Đấy là một chị Mùi - chị cả ở Quán Tiên bên ngoài luôn nghiêm nghị, vững vàng là điểm tựa cho hai cô em Tuyết Lan và Phượng. Đấy là một cô Phượng trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên, vô tư của tuổi 20. Đấy là một Tuyết Lan mắc chứng cuồng loạn (hysteria). Những nữ thanh niên xung phong ấy đã bền bỉ vượt qua nỗi cô quạnh nơi rừng sâu núi thẳm, thiếu thốn trăm bề để ngày đêm giữ lửa, sưởi ấm trái tim người lính ra trận bằng những nắm xôi, miếng bánh chưng, chén nước ấm cùng lời nói ân cần, thương mến... Bởi thế, giữa đường Trường Sơn bom rơi đạn nổ ác liệt, bỗng dưng Quán Tiên trở thành điểm hẹn độc đáo có một không hai mà người lính nào đã từng dừng chân đều chẳng thể quên.

Ấy vậy mà sau khoảng thời gian lao xao hòa tiếng cười của trai tráng ra trận trong tiếng cười của các nữ thanh niên xung phong, Quán Tiên còn có biết bao khoảng lặng. Khoảng lặng ấy bao trùm trong đôi mắt của chị Mùi với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi về người chồng đi B vừa “bén mùi” 3 ngày mà đã biền biệt, với nỗi hoảng sợ khi ngày ngày có “chàng hiệp sĩ bận đồ đen thắt nơ trắng” săn đón “tỏ tình”. Khoảng lặng ấy nổi giông gió mỗi khi Tuyết Lan cuồng loạn cào xé cả thân thể mình. Khoảng lặng ấy là dòng nước mắt lặn ngược vào trong khi mối tình đẹp như mơ của  Phượng với anh lính lái xe - Quỳnh ly tan... Mỗi khoảng lặng là mỗi khát khao tuổi thanh tân của những người con gái đang ngày đêm lặng thầm nén chặt để mà vẫn vững vàng hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến lửa. Nhưng cũng bởi phải nén chặt nên khi đã bùng cháy thì vô cùng mãnh liệt, dữ dội để rồi sẵn sàng “xé rào” như Tuyết Lan với anh lính hiền như cục đất Xu Kê...

Bởi những khoảng lặng được xoáy sâu và các diễn viên trẻ như Đỗ Thúy Hằng - Mùi, Hồ Minh Khuê - Phượng, Hoàng Mai Anh -Tuyết Lan... khá tròn vai chính là chìa khóa của “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Chìa khóa ấy mở cánh cửa ngăn cách bấy lâu của khán giả với phim về đề tài chiến tranh và được nhà nước tài trợ không hẳn kể câu chuyên chỉ để cúng cụ theo kỳ lễ lạt mà còn mang đầy ẩn ức, day dứt về số phận con người thời chiến.  

Giải mã... trụ rạp

Nhà văn Trần Thị Trường đã nhận bà ít xem phim Việt, Hàn, Nhật, Trung... chỉ xem phim Mỹ, và có xem phim Ý không phải vì kỳ thị về quốc gia sản xuất phim mà chỉ bởi phim nhạt nhẽo về nội dung, cảnh quay không đẹp, lời thoại không đắt, diễn xuất hời hợt... Nhưng cuối cùng, mặc dù kín lịch làm việc bà vẫn đến rạp xem “Truyền thuyết về Quán Tiên” vì muốn biết cho đến giờ phim Việt đã đi đến đâu. Theo nhà văn Trần Thị Trường, “Truyền thuyết về Quán Tiên” kể câu chuyện cảm động thời chiến, trong đó có đời sống của các nữ thanh niên xung phong (người thành phố) trong rừng Trường Sơn. Họ đều còn trẻ và đều bước từ lý tưởng lãng mạn cách mạng vào một thực tế khắc nghiệt: Rừng trập trùng, chim kêu, vượn hót, rắn rết, đêm, và những tiếng bom đồng thời là nỗi nhớ nhà, nhớ thành phố, nhớ những khuôn mặt và tiếng nói người... “Câu chuyện không “nói” nhiều về chiến tranh nhưng chiến tranh hiện diện qua sự cô đơn của 3 cô gái. Những người còn quá trẻ đang ở tuổi khát khao yêu đương, nội tâm của họ bị giằng xé giữa bản năng tự nhiên với lý tưởng cống hiến cho cách mạng... Một câu chuyện rất cảm động, một vấn đề triết học được đặt ra và cuộc sống luôn có nhu cầu giải mã...” - nhà văn Trần Thị Trường tâm đắc chia sẻ.

Theo trang boxofficevietnam.com, bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” do Nhà nước đặt hàng Hãng phim HongNgat film sản xuất đã thu hơn 870 triệu đồng khi được phát hành trên hệ thống rạp thương mại toàn quốc hồi cuối tháng 5 và tháng 6 năm nay. Doanh thu này chưa phải là “khủng” nếu so với các bộ phim thương mại khác nhưng rất đáng để đoàn làm phim tự hào. Cũng bởi, trước đó có không ít phim về chiến tranh do Nhà nước đặt hàng sản xuất được phát hành tại rạp song rất khó khăn trong việc bán vé. Thậm chí, dư luận đã từng dậy sóng trước bộ phim về đề tài chiến tranh như “Sống cùng lịch sử” được đầu tư hàng chục tỉ đồng mà không bán được tấm vé nào, đành cất kho và thi thoảng mang ra chiếu vào dịp kỷ niệm.

Đã thế, thời điểm “Truyền thuyết về Quán Tiên” được phát hành không phải là thời điểm thuận lợi khi toàn xã hội vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội khiến người người, nhà nhà ngại đến nơi công cộng. Nhiều phim thương mại đã lên kế hoạch ra rạp dịp này như “Bí mật của gió”, “Chị Mười Ba” “Lật mặt 5”, “Trạng Tí”, “Thanh Sói”… đều phải hoãn chiếu. Vậy mà “Truyền thuyết về Quán Tiên” vẫn “gan lì” giữ kế hoạch công chiếu ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát để rồi cuốn hút, đưa khán giả đến với câu chuyện, khát vọng của những nữ thanh niên xung phong năm xưa khá gần gũi, đời thường chứ chẳng hề xa vời...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024
    Tối 21/11 tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024. Các đại biểu và đông đảo người dân, du khách đã tham quan, mua sắm và thưởng thức các đặc sản cả nước quy tụ về Thủ đô Hà Nội.
  • Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược về chăm sóc sức khoẻ
    Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và Hệ thống Phòng khám Quốc tế CarePlus (CarePlus) vừa ký kết thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác chiến lược nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tầm soát tốt nhất trên toàn hệ thống của CarePlus tới các khách hàng của Prudential.
Đừng bỏ lỡ
Phim "Truyền thuyết về Quán Tiên": Day dứt khát vọng thanh niên xung phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO