Phim lịch sử Việt Nam: Sợ hãi, ngại ngần ngăn cản sáng tạo
Dòng phim lịch sử của điện ảnh Việt Nam từng ghi dấu những cái tên đã trở thành biểu tượng như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973), Sao tháng Tám (1976), Bao giờ cho tới Tháng Mười (1984), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997),… hay những bộ phim gây được tiếng vang trong thời gian gần đây như Đừng đốt (2009), Long Thành cầm giả ca (2010), Mùi cỏ cháy (2012), Những người viết huyền thoại (2013), Đào, phở và piano (2023)… Nhưng những tác phẩm thể loại lịch sử ấn tượng tiếp theo dường như vẫn mắc kẹt đâu đó trong giấc mộng của những nhà làm phim khi bị bủa vây bởi muôn vàn nỗi sợ và thách thức từ kịch bản, kinh tế, chính sách, tiêu chuẩn kiểm duyệt.
Từ nỗi sợ mơ hồ cho đến thách thức thực tế
Một trong những áp lực lớn khi làm phim về đề tài lịch sử là phải tái hiện chính xác sự kiện, con người và bối cảnh lịch sử. Khán giả hiện nay rất thông minh và có khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng, vì vậy bất kỳ sai sót nào trong phim có thể bị phát hiện và chỉ trích ngay lập tức. Việc không trung thành với lịch sử có thể dẫn đến việc mất uy tín và sự phản đối từ phía công chúng, nhà chuyên môn. Tâm tư của phần lớn nhà làm phim là nhiều người đón nhận tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử không phải như một tác phẩm nghệ thuật mà như phim tài liệu. Chính điều đó làm “bó tay, bó chân” người làm phim.
Những tranh cãi, ồn ào xoay quanh “Đất rừng phương Nam” (2023) là một ví dụ điển hình. Khoảng một tuần sau khi ra mắt, bộ phim rơi vào những cuộc tranh cãi không hồi kết về tính đúng sai của lịch sử, từ tạo hình cho đến vai trò và công lao của các hội nhóm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời gian đầu. Dù rằng phía Cục Điện ảnh đã khẳng định phim không đề cao một hội nhóm nào mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Nam Bộ khi đó nhưng vẫn có một bộ phận dư luận trên mạng xã hội không ngừng “tấn công” vào tác phẩm và đoàn phim một cách vô căn cứ.
“Lâu nay, chúng ta luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mơ hồ về lịch sử, vô hình chung kìm hãm sự sáng tạo trong dòng phim này” - nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Khảo sát lượt truy cập và tìm kiếm thị hiếu về phim của giới trẻ hiện nay cũng cho thấy họ rất thích xem phim dã sử, cổ trang của nước ngoài. Bên cạnh Mỹ, nền điện ảnh Trung Quốc rất thành công với dòng phim lịch sử. Với cách chuyển thể tác phẩm rất sáng tạo, độc lập và cởi mở, các tác phẩm mang đến sự thu hút, thúc đẩy người xem tìm hiểu cốt truyện, kịch bản. Trong khi đó, nhìn về Việt Nam, đề tài này vẫn đang đầy thách thức, đến từ chính nhà làm phim, tác giả văn học, khán giả… Các nhà làm phim Việt vẫn còn tôn trọng quá mức, ý tứ quá với tác phẩm văn học; mang một nỗi sợ hãi mơ hồ với đề tài lịch sử, nhân vật lịch sử. Chính những điều này đã kìm hãm sự sáng tạo. “Chúng ta sợ hãi trí tưởng tượng, không dám phán định lịch sử. Chúng ta bị hạn chế trong tư duy nghệ thuật”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thẳng thắn chỉ rõ.
Những bộ phim đề tài lịch sử thường không dễ dàng đạt được thành công về mặt thương mại. Điều này phần nào do sự phức tạp và trọng trách của việc tái hiện lịch sử, cũng như sự kén chọn của khán giả. Ngoài ra, chi phí sản xuất các bộ phim này cũng là một thách thức lớn. Do yêu cầu về bối cảnh, trang phục và các yếu tố khác để tái hiện thời kỳ lịch sử một cách chân thực nhất nên chi phí sản xuất một bộ phim lịch sử khá cao. Việc bỏ ra khoản lớn nhưng không bảo đảm về khả năng hoàn vốn, mang về lợi nhuận khiến nhiều nhà sản xuất e ngại khi quyết định đầu tư vào thể loại này.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho rằng cần thiết phải có hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước để thúc đẩy phát triển dòng phim lịch sử. Điện ảnh là một ngành nghề mang tính đặc thù cao và gặp nhiều rủi ro nên mức thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) hiện hành 5% đã là một gánh nặng lớn cho các nhà sản xuất phim. Vì vậy, với đề xuất tăng thuế lên 10% cho lĩnh vực điện ảnh là điều không hợp lý, nhất là với những phim lấy đề tài lịch sử. Bởi làm phim về đề tài lịch sử vốn dĩ đã gặp vô vàn khó khăn. Nếu muốn làm một bộ phim lịch sử, cần hàng chục tỷ đồng, ngoài thuế VAT, nếu nhà sản xuất đi vay vốn ngân hàng thì lãi chồng lãi, vì thời gian để hoàn vốn rất dài.
Nới rộng khoảng trống cho sự sáng tạo
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức của tất cả mọi người, trong đó các nghệ sĩ và nhà làm phim cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện lòng tự tôn và niềm tự hào dân tộc thông qua nghệ thuật. Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Đây là những ranh giới cần thiết để đảm bảo các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử.
Tuy nhiên, nguyên tắc không làm sai lệch sự thật lịch sử không loại bỏ quyền sáng tạo của các nhà làm phim. Luôn có “khoảng trống” trong sáng tạo nghệ thuật để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn. Để vượt qua nỗi sợ và thách thức, các nhà làm phim, nhà biên kịch phải nghiên cứu sâu, triệt để vấn đề, phải biết về chủ đề, sự kiện, nhân vật ấy nhiều hơn tất cả những người biết về nó. Kết hợp giữa tính xác thực và sáng tạo, phim lịch sử sẽ có thể chạm đến trái tim khán giả, tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị giáo dục vừa mang tính nghệ thuật cao.
Theo đạo diễn, nhà sản xuất phim Charlie Nguyễn, nên đặt tác phẩm điện ảnh lịch sử trên hai khía cạnh. Một là sự thật không thể chối cãi nằm trong sách vở, tài liệu lịch sử. Hai là sự thật về tinh thần, cảm xúc và hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của nhân vật. Với sự thật thứ 2, đây là điều không có trong lịch sử nhưng đó là trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ của nhà làm phim, nhà biên kịch trong việc cài cắm những ý nghĩa và thông điệp, kết nối với cảm xúc, với khán giả đương đại và xây dựng nhân vật lịch sử như một con người sống động. Bởi nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh.
Trước lời “kêu cứu”, mong muốn giữ nguyên (hoặc giảm xuống 0%), mức thuế VAT 5% với ngành điện ảnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng ông cũng là một trong những Ủy viên lên tiếng ủng hộ. Bởi ông rất hiểu việc nếu không có chính sách cởi mở, tạo điều kiện thì sẽ rất khó để có những bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử thu hút như các nền điện ảnh trên thế giới. Sự hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi, có thể giúp các nhà sản xuất giảm bớt rủi ro và mở rộng cơ hội thực hiện các bộ phim lịch sử.
Niềm hi vọng cho phim về đề tài lịch sử cũng đến từ lực lượng kế cận. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Quyết định số 1341/QĐ-TTg và Quyết định số 1437/QĐ-TTg 2016 của Thủ tướng Chính phủ đều tập trung vào mục tiêu này. Trong đó, Quyết định 1341 phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm đào tạo tài năng trong nước, cho phép các đơn vị giáo dục về nghệ thuật nói chung (trong đó có điện ảnh) có kinh phí để đào tạo đội ngũ tài năng của từng trường. Quyết định 1437 về “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước. Thứ trưởng cũng cho biết, 5 năm vừa qua, điện ảnh là ngành có số lượng sinh viên đi nhiều nhất so với các ngành khác như múa, hội họa… và tập trung vào học tập tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Canada, Úc và mới đây mở rộng sang thị trường Hàn Quốc. Dù vẫn còn nhiều hạn chế so với số lượng du học sinh ngành điện ảnh của các quốc gia khác nhưng thực tế đã có những nhân lực về tham gia vào công tác sản xuất phim của Việt Nam.
Có thể thấy, Nhà nước vẫn đang rất quan tâm, đưa ra rất nhiều chính sách để tạo không gian cho sự sáng tạo, thúc đẩy ngành điện ảnh, trong đó có dòng phim lịch sử. Những trại sáng tác kịch bản, nhiều cuộc thi kịch bản nhân các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng… tất cả đều nhằm khuyến khích nghệ sĩ quan tâm đến đề tài lịch sử, qua đó tạo điều kiện cho công chúng được xem nhiều bộ phim lịch sử, để thêm hiểu về lịch sử dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Trách nhiệm của người nghệ sĩ - công dân là cần phải có nhận thức đúng đắn về lịch sử, để làm ra được những tác phẩm vừa tôn trọng sự thật lịch sử, vừa có chất lượng nghệ thuật./.
“Điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử. Đó cũng là lý do làm cho nhiều người Việt ngày nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim đề tài lịch sử bao gồm phim dã sử, cổ trang của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử hơn”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông