PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam có kể câu chuyện ở TP Bristol của nước Anh, khi biến cầu thang đi bộ lên tầng nhà ga thành các phím nhạc thì 66% số người chuyển từ đi thang máy sang đi bộ. Bởi vì, khi con người bước vào các bậc thang bộ phát ra âm thanh vui nhộn khiến tất cả đều trở nên thích thú.
Ở Hà Nội, dân chúng kêu nhiều về sự ngột ngạt của tắc đường, của lối sống vận động nhanh để bắt kịp với xu thế phát triển. Chính vì vậy, càng cần những góc phố nghệ thuật để giảm stress. Phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, không gian đi bộ Trịnh Công Sơn… chính là các tín hiệu vui cho thấy các không gian sáng tạo nghệ thuật này sẽ định hình bản sắc đô thị. Đặc biệt, ở các góc phố với các không gian Hanoi Creative City (Lương Yên), Heritage Space (Trần Bình), Manzi (Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), The Vuon (Giảng Võ)... cũng là không gian đáng đến để thưởng thức và làm việc. Nhưng theo các chuyên gia hàng đầu về phát triển không gian sáng tạo, Hà Nội chưa thể tự hào khi là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng không gian văn hóa sáng tạo (62 không gian). Bởi vì, rất nhiều không gian đã và đang được hình thành còn mới như chỉ dựng lên mà chưa biết tồn tại được bao lâu. Nguyên nhân cũng tại cách hiểu về không gian văn hóa sáng tạo của các cơ quan quản lý còn đơn giản, chỉ thiên về không gian vật lý mà chưa tạo được phần hồn cho các không gian đấy.
Mơ hồ về không gian sáng tạo nghệ thuật
Chủ tịch Le Group, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo VCE Lê Quốc Vinh nhắc tới hợp tác xã làm tranh vải của người khuyết tật mang tên “Vụn” ở làng lụa Vạn Phúc như một ví dụ về mô hình hoạt động của không gian sáng tạo. Vấn đề chính là trong khi chính quyền nơi đây và Nhân dân chú tâm xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm từ cao cấp đến trung bình, chỉnh trang đường làng ngõ xóm… và nghĩ đó là cách hút khách du lịch. Không thể ai ngờ được cái hợp tác xã mang tên “Vụn” ban đầu hoạt động dựa trên tiêu chí hỗ trợ cho những người kém may mắn, lại là nhân tố chính thu hút khách du lịch. Bởi họ có thể chứng kiến sự kết hợp thú vị từ bàn tay của họa sĩ với vải lụa Hà Đông, qua đôi bàn tay khéo léo của người khuyết tật.
Chẳng ai có thể ngờ, ở một con phố mà trước đây là khu phóng uế đủ thứ rác thải, 127 vòm cầu phải bịt lối để tránh các tệ nạn lại trở thành phố Bích họa Phùng Hưng, ngày ngày già trẻ, gái trai kéo nhau ra đây để chụp ảnh và chiêm ngưỡng. Nghệ thuật của con phố không chỉ để dành cho khách du lịch mà để dành cho chính người Hà Nội được thả hồn trong không gian văn hóa. Theo ông Lê Quốc Vinh: “Sáng tạo văn hóa chính là ở chỗ đó”. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, du khách ngắm hay chụp mãi rồi cũng chán. Nên ở đây còn thiếu yếu tố không gian, nghĩa là sau những điểm nhấn hội họa trên các vòm cầu thì cần nhất là không gian đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật để du khách có thể đến và giao lưu tại chính không gian này.
Người ra nhắc nhiều đến các không gian văn hóa đã hình thành nhưng lại chưa phát huy được hết hiệu quả như: Phố sách hay không gian đi bộ Trịnh Công Sơn… Bởi vì, ở những nơi này mới hình thành không gian văn hóa, chưa tạo nên sự sôi động mang dáng dấp thị trường như nhiều không gian sáng tạo khác ở các nước trên thế giới như ở Thượng Hải, Kyoto, Milan hay New York…
Hiện nay, các nhà quản lý ở Hà Nội đã thay đổi rất nhiều về cách nhìn để đầu tư cho các không gian văn hóa. Bởi vì, các không gian này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, giúp Hà Nội trở thành TP đáng sống mà còn là cơ hội phát triển kinh tế từ văn hóa. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, bên cạnh các khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên như nấm, thì vẫn cần đầu tư đúng và chuẩn hơn nữa theo đúng tiêu chí của không gian sáng tạo văn hóa.