Phát triển không gian phố đi bộ: Nâng tầm đô thị văn minh, hiện đại

KTĐT| 30/03/2022 15:49

Trong tương lai, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến phố đi bộ văn minh, hiện đại. Diện mạo đô thị Thủ đô sẽ tiếp tục được nâng lên ở một tầm cao mới, văn minh, hiện đại hơn.

Du khách trên các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Trung Thành
Du khách trên các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Trung Thành

Điểm nhấn của đô thị

Sau không gian phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ Hà Nội, phố Trịnh Công Sơn, dự kiến vào ngày 30/4 và 1/5 không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo đó, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra từ 19 giờ ngày thứ Bảy đến 12 giờ ngày Chủ nhật với các hoạt động chính như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, thiếu nhi... Ngoài ra, trên tuyến phố còn có các hoạt động dịch vụ như giải khát, ẩm thực, kinh doanh giới thiệu các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây…

Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, thị xã Sơn Tây được quy hoạch là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với các chức năng chính là du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, dịch vụ thương mại trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Việc xây dựng các tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ tạo điểm nhấn cho đô thị vệ tinh mang đầy giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đoài này.

Ngoài ra, dự kiến trong thời gian tới tuyến phố đi bộ thứ 5 tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) sẽ chính thức bước vào giai đoạn thí điểm trong vòng 2 năm (2022 - 2023), hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2024. Tại tuyến phố đi bộ này sẽ được phân thành 4 khu vực chính gồm khu vực ẩm thực, thương mại dịch vụ, văn hóa nghệ thuật và thể thao.

Phát triển du lịch, kinh tế đêm

Nhìn nhận về hướng phát triển các không gian phố đi bộ tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhận định, để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn. Việc ra đời các tuyến phố đi bộ chính là để kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đặc biệt, việc tổ chức thêm không gian đi bộ vào buổi tối đem lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế của Chính phủ.

“Việc tổ chức không gian đi bộ sẽ khuyến khích và tạo ra văn hóa đi bộ, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng, phương tiện phi cơ giới. Qua đó sẽ làm giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường” - chị Nguyễn Hương Lê (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, du khách quốc tế khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào ban đêm. Do đó, việc mở rộng phố đi bộ cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, không chỉ sở hữu hệ thống dày đặc đình, đền, chùa có giá trị, Hà Nội cũng sở hữu di sản phi vật thể được UNESCO vinh danh như ca trù, hay các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Không chỉ trình diễn đơn thuần, để các di sản này thực sự thu hút khách, những nhà tổ chức tăng tính tương tác qua lớp học hoặc không gian trải nghiệm mở ngay tại không gian đi bộ. Cách Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội từng tổ chức lớp học nấu ăn cho du khách trải nghiệm chính là minh chứng sinh động nhất.

Ủng hộ chủ trương mở rộng không gian đi bộ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Giám tuyển không gian nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng) cho rằng, xu hướng phát triển không gian phố đi bộ của Hà Nội phù hợp với thế giới. “Hà Nội có lõi đô thị nghìn năm rất khác biệt với nhiều đô thị khác trên thế giới, có hồ Hoàn Kiếm tuyệt đẹp, với hệ thống di tích có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đây là những điều kiện thuận lợi để mở các không gian đi bộ” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.

Tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và trong khu vực phố cổ sau khi hoạt động trở lại đã thu hút hàng chục nghìn người đến tham gia. Theo thống kê, chỉ trong 3 ngày đầu mở lại, không gian đi bộ này đã đón trên 40.000 lượt người tham gia. Với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức, không gian phố đi bộ này đã tạo ra “bữa tiệc” văn hóa nhiều sắc màu.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển không gian phố đi bộ: Nâng tầm đô thị văn minh, hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO