Phát huy nét đẹp văn hóa xứ Đoài

Hanoimoi| 05/08/2022 15:24

Huyện Quốc Oai được mệnh danh là cái nôi của văn hóa xứ Đoài, nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: Hát dô, xã Liệp Tuyết; hát ví Hàm Rồng, xã Tuyết Nghĩa; hát tuồng, xã Đồng Quang; hát chèo, xã Đại Thành…

Những làn điệu cổ một thời "át tiếng bom", cổ vũ người lính ra trận, nông dân hăng say lao động, ngày nay lại động viên người dân trong công cuộc xây dựng quê hương. Phát huy nét đẹp văn hóa xứ Đoài, huyện Quốc Oai luôn đồng hành với các câu lạc bộ văn hóa phi vật thể trong bảo tồn, truyền dạy, đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động…
Phát huy nét đẹp văn hóa xứ Đoài
Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai).

Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian

Sau tiết mục biểu diễn, bà Dương Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng của thôn Liên Trì Đồng Sơn (xã Tuyết Nghĩa) tự hào chia sẻ, hát ví ở Quốc Oai có từ bao giờ người dân cũng không rõ. Nhưng theo các cụ cao niên, sở dĩ gọi là "hát ví Hàm Rồng" vì xưa kia xã Tuyết Nghĩa có dải đất hình con rồng bên bến sông Tích. Vào dịp rằm tháng Tám, nước dâng cao, thôn nữ rủ nhau tụ tập ở bến Hàm Rồng, đợi các chàng trai trong vùng cùng hát ví, hát đối đáp nên gọi là "Hát ví Hàm Rồng". Nếu như quan họ Bắc Ninh xưng hô với nhau là "liền anh, liền chị" thì hát ví lại xưng hô là “anh cả, anh hai”, “cô cả, cô hai”...

Phó Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Hoàng Văn Ninh cho biết, Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng của địa phương sinh hoạt hằng tháng với nhiều thế hệ tham gia, từ nghệ sĩ gạo cội đến các cháu nhỏ. Thế hệ trước truyền dạy thế hệ sau, dần dần hát ví đi sâu vào đời sống nơi đây như món ăn tinh thần không thể thiếu. Ngày nay, những lời hát ví, hát đối không dừng lại ở bến nước Hàm Rồng, bờ sông Tích mà trở thành hoạt động văn hóa văn nghệ thường niên trong ngày hội đình đám, liên hoan văn hóa văn nghệ, các sự kiện quan trọng của địa phương...

Nếu như Tuyết Nghĩa nổi tiếng với điệu ví Hàm Rồng thì xã Đồng Quang lại nổi danh bởi Câu lạc bộ hát tuồng thôn Dương Cốc. Có thời, ở thôn Dương Cốc có tới 70% người dân trong thôn biết hát tuồng với giọng hát rất khỏe. Ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc chia sẻ: "Hơn nửa thế kỷ say sưa với loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể này, người Dương Cốc đã làm cho nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình xứng danh với cái tên đất tuồng có một không hai của xứ Đoài và của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cho đến nay, Câu lạc bộ tuồng Dương Cốc có gần 100 vở diễn, hơn 200 giải vàng tại các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quân khu và toàn quốc. Ở Dương Cốc, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng say mê nghệ thuật tuồng nhờ công tác truyền dạy được thường xuyên, liên tục".

Thúc đẩy hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật

Với bề dày lịch sử lâu đời, là nơi giao lưu về kinh tế, văn hóa các vùng miền, Quốc Oai sở hữu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống đặc sắc. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho hay, thời gian qua, Quốc Oai nỗ lực xây dựng kế hoạch đi đôi với triển khai bảo tồn, phục dựng, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Huyện phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đánh giá thống kê, phân loại hệ thống di sản vật thể và phi vật thể để có cơ sở đầu tư kinh phí tôn tạo phù hợp, đồng thời gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn Quốc Oai có 9 câu lạc bộ nghệ thuật thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể như: Câu lạc bộ hát tuồng Dương Cốc (xã Đồng Quang); Câu lạc bộ chiếu chèo nhạc lễ (xã Đại Thành); Câu lạc bộ chèo thôn Tình Lam (xã Đại Thành); Câu lạc bộ hát dô (xã Liệp Tuyết), Câu lạc bộ múa rối nước Sài Sơn (xã Sài Sơn); Câu lạc bộ dân ca Mường và cồng chiêng (xã Phú Mãn và xã Đông Xuân)… Quốc Oai đã có 16 người được phong tặng danh hiệu, trong đó có 15 Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân thuộc nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, các câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn huyện hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự nguyện, kinh phí tự túc. Tuy nhiên, về phía địa phương, không chỉ quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động cũng như đầu tư trang phục, đạo cụ… mà còn tạo sân chơi, đất diễn cho các câu lạc bộ. Ngoài hoạt động tại các sự kiện của địa phương, thành phố, nhiều câu lạc bộ văn hóa phi vật thể của huyện cùng các công ty du lịch trên địa bàn xây dựng thành công một số tour du lịch biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách. Cách làm này tiếp tục được UBND huyện khuyến khích để các câu lạc bộ có điều kiện phát triển ổn định, thu hút nhiều người tham gia hơn.

"Thời gian tới, Quốc Oai tiếp tục thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật phi vật thể nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của xứ Đoài...", ông Hoàng Nguyên Ưng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nét đẹp văn hóa xứ Đoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO