Chuyển động Hà Nội

Phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc trưng làng quê ven đô 

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 07:20 23/06/2023

Với nhiều lợi thế sẵn có, Điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài Thành phố Hà Nội, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh thế mũi nhọn và chủ lực của địa phương.

Xã Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận Điểm du lịch từ năm 2018. Đặt chân đến mảnh đất này, từ phút đầu tiên, các con đường mang tên những loài hoa như Bằng Lăng, Hoa Ban, Hoa Giấy, Hoàng Yến… đã tạo cho chúng tôi những ấn tượng khó phai. Phóng tầm mắt từ triền đê sông Hồng xuống, càng thấy đây là miền quê đáng sống với sự thanh bình, những cánh đồng xanh mướt rau màu, cây trái, hoa, cây cảnh tựa bức tranh thủy mặc.

351348084_798766714839381_4505850750381428876_n.jpg
Điểm du lịch Đảo Hoa tiên tại xã Hồng Vân.

Nhưng những gì chúng tôi thấy chỉ là bề nổi của Hồng Vân, bởi đằng sau đó hoạt động du lịch đã, đang phát triển mạnh mẽ ở vùng ngoại ô Thủ đô. Năm 2022, Hồng Vân là một trong số ít địa phương đạt sản phẩm OCOP 4 sao về du lịch, cũng là một trong những xã đầu tiên đạt nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch của Thành phố Hà Nội.

Đa dạng các sản phẩm du lịch

Trước đây kinh tế xã Hồng Vân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giá trị thấp, hiện tượng “được mùa mất giá” đã khiến đời sống, thu nhập của đa số người dân tại Hồng Vân gặp nhiều khó khăn. Tâm lý ngại đầu tư sản xuất, bỏ hoang đồng ruộng xuất hiện nhưng một số gia đình biết kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hồng Vân đã xác định phát triển kinh tế du lịch là nhiệm vụ hàng đầu, tất yếu góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành thương mại dịch vụ, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

hong-van-3-(1).jpg
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng phát biểu trong buổi lễ ra trường của học sinh khối 5 và tuyên dương học sinh xuất sắc Trường Tiểu học Hồng Vân tại Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý.

“Địa phương xác định công nghiệp xây dựng, sản xuất nông nghiệp thuần túy không phải thế mạnh mà phải kết hợp sản xuất gắn với khai thác dịch vụ trong nông nghiệp, phát huy các tiềm năng về giá trị văn hóa, lịch sử sẵn có và nét đặc trưng của làng quê ven đô để làm du lịch. Từ đó địa phương định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi vậy, thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động thực hiện 2 phong trào lớn của xã, đó là: “Xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp” và “Xây dựng người Hồng Vân văn minh, thanh lịch, mến khách”; tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trồng, duy tu cây xanh cảnh quan, trồng hoa khắp các tuyến đường, các điểm công cộng, các khu văn hóa tâm linh; tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cùng đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, phổ biến, lựa chọn, đào tạo và tập huấn cho nhân dân về cách làm du lịch, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách”- ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết.

Lãnh đạo xã Hồng Vân thông tin thêm, Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển du lịch xã đã ban hành kế hoạch về xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch theo 8 chủ đề trọng tâm, trong đó tập trung vào các chủ đề du lịch văn hóa, tâm linh,... Đặc biệt ưu tiên đầu tư, trùng tu xây dựng và phát huy các giá trị của Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên mảnh đất Hồng Vân với các hạng mục gắn liền với truyền thuyết: Đình Vân La, Đền thờ cụ Chử Cù Vân, Đình Cẩm Cơ, Chợ Mới Ông già, Chợ cá cụ Chử, Bãi tắm Nàng tiên, Đảo Hoa tiên xứ Mây Hồng... Trong đó “Chợ Mới ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về Cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”.

hong-van-6-.jpg
Đình Xâm Xuyên (Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia) thờ Đức Linh Lang Đại Vương.

“Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh được đẩy mạnh vừa để giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho các tầng lớp nhân dân, vừa là giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của Hồng Vân nói riêng, văn hóa lịch sử của Thủ đô, dân tộc Việt nói chung tới du khách”, ông Nguyễn Văn Phượng nhấn mạnh.

Ngoài ra, xã có Đình Xâm Xuyên (Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia) thờ Đức Linh Lang Đại Vương (tức hoàng tử Lý Hoàng Chân) người đã cùng Hoàng tử Lý Chiêu Văn chỉ đạo lực lượng thủy quân để cùng Thái úy Lý Thường Kiệt đánh tan hàng vạn quân Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, góp phần đánh đuổi quân Tống xâm lược, bảo vệ độc lập cho dân tộc. Hiện đình còn lưu giữ được bản Thần phả do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn và lưu giữ 14 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn. Xã có Đình, Đền Xâm Thị (di tích lịch sử cấp Thành phố), trong đó Đình Xâm Thị thờ Nhị vị đại vương có công giúp vua đánh giặc ngoại xâm, Đền Xâm Thị thờ Mẫu Thoải và Mẫu Địa rất linh thiêng.

Hồng Vân còn có Nhà bia Tiến sỹ Nguyễn Ý – vị Tiến sỹ Đình Nguyên đầu tiên của triều Nguyễn, ông là biểu tượng về tinh thần hiếu học, một nhân cách lớn của dân tộc với quan điểm tiến bộ về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời gian qua, quần thể nhà bia Tiến sỹ Nguyễn Ý đã thu hút đông đảo các em học sinh, sinh viên, nhất là các sĩ tử và phụ huynh đến thăm quan, hành lễ và xin khước học hành, thi cử với ước nguyện được đỗ đạt, thành tài.

508.jpg
Trải nghiệm tạo tác, tự tay cắt, tỉa tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh.

Bên cạnh đó, thế mạnh của Hồng Vân còn là làng nghề sinh vật cảnh, vì thế, địa phương cũng rất chú trọng phát triển du lịch làng nghề. Đến với Hồng Vân, du khách vừa được tham quan những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo, vừa được giao lưu, trò truyện cùng các nghệ nhân tại làng nghề. Ngoài ra còn được tham gia trải nghiệm hoạt động “một ngày làm nghệ nhân”, cùng các nghệ nhân làng tạo tác, tự tay cắt, tỉa tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh của mình tạo ra.

Du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động mang tính giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ cũng chính là một trong những thế mạnh ở Hồng Vân. Các em học sinh cùng cha mẹ, người thân đến Hồng Vân có thể thỏa sức thả diều, trải nghiệm các trò chơi dân gian nhảy sạp, nhảy bao bố,... tham gia trồng cây, bắt cá, tự tay luộc ngô, nướng khoai. Ngoài ra, xã Hồng Vân còn tổ chức khai thác du lịch đêm với các sản phẩm đặc trưng không gian đi bộ, chợ đêm Hồng Vân,... Theo ông Nguyễn Văn Phượng, hòa vào không gian du lịch đêm, người dân và du khách tản bộ trên các tuyến đường khu trung tâm, có thể tham quan, xem biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ... Đây cũng là sản phẩm du lịch mới của xã Hồng Vân, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ du lịch như trải nghiệm ẩm thực, check in tại các nhà vườn; tổ chức chương trình sự kiện, tọa đàm, hội thảo; tham quan trải nghiệm làng nghề hoa cây cảnh, tạo tác đá thủ công mỹ nghệ… tiếp tục phát triển. Các chương trình lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội Hoa xuân, Lễ hội Tình yêu, tổ chức sự kiện, triển lãm, hội thi văn hóa, thể dục – thể thao,... để quảng bá du lịch của Hồng Vân thời gian qua cũng thu hút hàng vạn du khách.

hong-van-9.jpg
Hoạt động văn hóa nghệ thuật tại chợ đêm Hồng Vân.

“Trung bình hàng năm xã đã đón 3,5 vạn lượt khách, giá trị thu được từ du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đã đạt gần 32.000 lượt. Xã được Sở Du lịch Thành phố đánh giá là điểm du lịch chất lượng, từng bước đưa Hồng Vân trở thành một trong những trung tâm kết nối thương mại, dịch vụ, du lịch trong vùng và đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín cũng như Thủ đô. Hồng Vân đã và đang thực hiện mục tiêu lấy kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề là kinh tế mũi nhọn và chủ lực của xã”, ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ.

Cần được tiếp sức để “vượt chướng ngại vật”

Để phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã Hồng Vân đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, xã luôn tìm cách làm mới, tạo ra các sản phẩm khác để du lịch vươn tầm cao mới. Du lịch địa phương không ngừng phát triển, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ, Hồng Vân vẫn rất còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Theo ông Phượng, còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Thứ hai, còn thiếu nguồn vốn đầu tư cho du lịch, nhất là kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay nguồn vốn phát triển du lịch của Hồng Vân chủ yếu ở các hộ gia đình, nhân dân địa phương. Tiếp đến nguồn nhân lực “cung không đủ cầu”. Năm 2022, điểm du lịch có 11 hướng dẫn viên được cấp thẻ (trong đó 8 hướng dẫn viên là hội viên các đoàn thể Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, HTX). Cán bộ ở xã còn kiêm nhiệm và hiện nay chủ yếu người dân tự truyền kinh nghiệm cho nhau trong khi các lớp đào tạo, hướng dẫn chuyên sâu làm du lịch chưa có nhiều. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, liên kết với các đơn vị lữ hành với Hồng Vân khá hạn chế.

Tuy thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín song cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Vân vẫn rất mong Ban chỉ đạo Chương trình số 04 “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” của Thành ủy, UBND Thành phố và các sở, ban ngành quan tâm chỉ đạo, ưu tiên cho xã được xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng toàn diện, lấy kinh tế xanh làm chủ đạo.

Ông Nguyễn Văn Phượng cũng mong các cơ quan hữu quan của UBND Thành phố và huyện Thường Tín có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch của địa phương, nhất là chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch trong điểm du lịch của xã, tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác hạ tầng du lịch để phục vụ du khách trải nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Hồng Vân mong nhận được sự ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại, du lịch, làng nghề như hạ tầng viễn thông, kết nối giao thông, cơ sở lưu trú, chiếu sáng, xây dựng cảnh quan,…

Xã cũng mong được hỗ trợ trong xúc tiến, giới thiệu, quảng bá thương mại, du lịch và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân dân và chủ cơ sở khai thác dịch vụ trên địa bàn. Các cơ quan chức năng có kế hoạch tạo điều kiện kết nối thương mại, du lịch, làng nghề của xã với các điểm, cơ sở thương mại, du lịch, làng nghề của các địa phương khác nhằm khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng của địa phương - ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ thêm./.

Bài liên quan
  • Hà Nội đưa giải pháp công nghệ vào giám sát buôn lậu trên môi trường mạng
    Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, thời gian qua, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc trưng làng quê ven đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO