Theo đó, từ ngày 14/3 đến ngày 14/4/2017, thanh tra Bộ phối hợp với Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại 34 doanh nghiệp đóng trụ sở trong 05 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, 29/34 doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn đầu tư nước ngoài và 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu thuộc các lĩnh vực: điện tử; hàng gia dụng; phụ tùng ô tô, xe máy; lắp ráp các sản phẩm nhựa; gia công hàng dệt, may; cơ khí...
Tổng số người đang làm việc tại 34 doanh nghiệp là 50.592 người.
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nhìn chung các doanh nghiệp đã quan tâm tới chế độ trả lương cho người lao động, không có doanh nghiệp nào nợ lương của người lao động; đã áp dụng mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; không thu phí tuyển dụng người lao động, không nhận tài sản hoặc tiền đặt cọc của người lao động để bảo đảm thực hiện hợp đồng lao động; không giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ gốc hoặc giấy tờ tùy thân của người lao động...
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy còn một số nội dung mà phần lớn các doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật lao động như: Chưa thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tình hình tai nạn lao động với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (7 doanh nghiệp); ghi hợp đồng lao động không cụ thể tại các mục công việc phải làm, mục thời giờ làm việc, mục chế độ nâng lương và mục phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định (32 doanh nghiệp); chưa định kỳ thực hiện đối thoại trực tiếp tại nơi làm việc theo quy định (8 doanh nghiệp); huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ làm thêm theo quy định (19 doanh nghiệp); chưa bố trí đủ 14 ngày nghỉ hàng năm cho người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định (8 doanh nghiệp).
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ: có 5 doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; 5 doanh nghiệp chưa thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định; 8 doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với đầy đủ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đang sử dụng theo quy định; 17 doanh nghiệp chưa kiểm soát, đánh giá đầy đủ các nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại xưởng sản xuất nơi người lao động trực tiếp làm việc để có biện pháp ngăn ngừa theo quy định...
Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành Kết luận thanh tra đối với từng doanh nghiệp, yêu cầu Tổng Giám đốc (Giám đốc) của 34 doanh nghiệp phải thực hiện 241 kiến nghị (trung bình có 7,1 kiến nghị/doanh nghiệp) về các hành vi sai phạm đã được phát hiện qua thanh tra và đã ban hành 10 quyết định xử lý vi phạm hành chính về lao động với 10 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 616 triệu đồng./.
Kim Thanh