Văn hóa – Di sản

Phát hiện 15 khối đá cổ khắc ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải

Nguyễn Lâm 10:41 06/04/2024

Bảo tàng tỉnh Yên Bái và chuyên gia khảo cổ học Việt Nam vừa phát hiện thêm 15 khối đá cổ khắc họa ruộng bậc thang, tại thôn Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

320637_hang-chua-xay-9.jpg
Những khối đá khắc cổ mới được phát hiện tại thôn Háng Chua Xay, xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải).

Địa điểm mới phát hiện đá chạm khắc cổ nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển và cách trụ sở UBND xã Chế Cu Nha khoảng 4 km đường chim bay về hướng Đông.

Sơ bộ cho thấy, các đề tài hình khắc khá tỉ mỉ, kì công, uốn lượn mềm mại theo mặt lồi lõm của đá, có dạng hình ruộng bậc thang. Đây là thể loại đề tài chính trên các khối đá này, giống như các khối đá từng phát hiện ở các thôn: Hồng Nhì Pá, Tà Ghênh, Hú Trù Lình xã Lao Chải vào các năm 2015, 2020, 2021 và năm 2022.

Khác biệt là tại thôn Háng Chua Xay tập trung quần thể bãi khắc đá cổ gồm 15 khối có hình chạm khắc cổ, trong khi các điểm khác chỉ có rất ít. Theo Viện Khảo cổ học, đây là địa điểm của “trung tâm chạm khắc đá cổ Mù Cang Chải” với nhiều khối đá chạm khắc hoa văn đặc sắc và đẹp.

Đây là những khối đá cổ dạng sa thạch thể khối lớn nhỏ từ 0,50 đến 4m3, nằm thành hai cụm (cách nhau khoảng 15m) theo hướng Bắc - Nam. Hai cụm đá khắc cổ nghi là trung tâm bãi khắc đá cổ Mù Cang Chải phát hiện mới đây có dạng hình trụ, hình tháp, hình búp măng… và đều có mặt hơi lồi. Trên bề mặt chạm khắc phủ kín các loại hình: hình tròn đồng tâm lõm, hình thoi lõm, hình ruộng bậc thang…

Dưới góc độ dân tộc học, các chuyên gia khảo cổ học đánh giá, có thể các vết khắc trên đá là của người Mông bản địa (vì không gian môi trường đang sản xuất canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang rất gần gũi với các vết khắc trên đá hiện nay) và có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, có thể vẫn là các bản "thiết kế ruộng bậc thang” hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá./.

Cho đến nay, ở miền núi phía Bắc, cơ quan khảo cổ và văn hóa đã phát hiện và ghi nhận 4 địa điểm có bãi khắc đá cổ, gồm: Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Pá Màng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) và Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện 15 khối đá cổ khắc ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO