Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Do đại dịch Covid-19 và do điều kiện giãn cách xã hội, hoạt động của Hội Liên hiệp cũng như của 9 hội chuyên ngành gần như “đóng băng” khoảng hai năm rưỡi, cũng tức là nhiệm kỳ này chúng ta chỉ còn một nửa thời gian để thực hiện một cách nỗ lực và khẩn trương những nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu đề ra. Đó là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự hoạch định rõ ràng cùng những bước đi cụ thể.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, 9 hội chuyên ngành trong Hội Liên hiệp đã có nhiều hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển toàn diện của Thủ đô và không ngừng nâng cao vị thế của Hội Liên hiệp, nơi tụ hội đông đảo đội ngũ nghệ sĩ vào bậc nhất cả nước.
Các tác giả nhận giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2018. Tuy nhiên, cùng với việc duy trì các hoạt động thường xuyên và tập trung cao độ cho những kỳ cuộc kỷ niệm các ngày lễ lớn diễn ra 5 năm một lần, dường như việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, từ các hội thành viên đến Hội Liên hiệp vẫn chưa phát huy đầy đủ tiềm năng và thế mạnh vốn có, để xứng tầm là một trong những tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp giữ vai trò và tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.
Thực trạng này, theo tôi, liên quan tới mấy vấn đề cơ bản sau đây.
Thứ nhất: Hoạt động của các hội thành viên chưa thực sự thoát khỏi tư duy theo cơ chế quan liêu bao cấp. Cụ thể, việc lập kế hoạch cho cả nhiệm kỳ hoặc cho từng năm vẫn lệ thuộc vào kinh phí do thành phố cấp và phân bổ tới từng hội chuyên ngành. Nguồn kinh phí này rất hạn chế ngay cả đối với các hoạt động thường xuyên, chứ chưa nói đến kinh phí cho các kỳ cuộc lớn thu hút những tác phẩm văn học và nghệ thuật cần sự đầu tư thích đáng. Với kinh phí hàng năm vài trăm triệu, thậm chí trên 1 tỷ đồng như hai ba hội được phân bổ, việc duy trì hoạt động của hội chuyên ngành VHNT thường phải loay hoay cân đối và có khi phải tự tạm ứng, cho thấy cần phải thay đổi tư duy về phương thức tìm, khai thác và sử dụng nguồn kinh phí theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sự vận hành cơ chế thị trường qua nhiều năm cho thấy việc thu hút đầu tư và đầu tư đã chuyển hóa theo xu hướng xã hội hóa, tức khái niệm “kinh phí” không còn hiểu là được cấp (cho) từ nguồn ngân sách hay từ nguồn hỗ trợ nào đó; hay nói cách khác, đầu tư phải dựa trên kế hoạch cụ thể dưới dạng dự án, đề án, chi tiết tới các phương án, tiến độ thực hiện và đảm bảo quyền lợi của các bên với nguyên tắc “lợi cùng hưởng, lỗ cùng chịu” như một hợp đồng kinh tế, ngay cả dưới hình thức đặt hàng từ cơ quan, tổ chức Nhà nước hay từ các doanh nghiệp, doanh nhân. Cách làm này cho đến thời điểm hiện nay, đối với các hội văn học nghệ thuật hầu như chưa tiếp cận được, bởi yêu cầu của phương thức xã hội hóa đòi hỏi rất cao về tính nguyên tắc kinh tế trong việc lập kế hoạch, dự án và phương án khả thi, trong khi hoạt động văn học nghệ thuật và hoạt động kinh tế còn tách bạch, việc định giá từng loại hình nghệ thuật, từng tác phẩm văn học nghệ thuật chưa thật rõ ràng, chưa có cơ sở “chốt lại” các điều khoản cần thiết trong việc thương thảo giữa các bên.
Điều này không chỉ hạn chế ở các hội chuyên ngành, mà ngay ở Hội Liên hiệp cũng chưa có cơ hội bộc lộ. Qua nhiều nhiệm kỳ, công tác xã hội hóa, bao gồm công tác hoạch định chương trình và theo đó công tác khai thác các nguồn đầu tư, kể cả phương thức đặt hàng, ở quy mô lớn hơn hội chuyên ngành chưa được quan tâm đúng mức. Nếu Hội Liên hiệp tổ chức được các chương trình, đặc biệt trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sẽ đem lại nhiều ích lợi, từ đó vận động và thúc đẩy sự đóng góp thiết thực của toàn xã hội về tài chính, về nhân lực và vật lực vào các hoạt động văn học nghệ thuật, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, thưởng thức văn học nghệ thuật cho đông đảo công chúng. Đã đến lúc cần thiết lập một ban chuyên trách do một Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp đứng đầu để thực hiện công tác này.
Biểu diễn trong buổi tổng kết cuộc vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội. Thứ hai: Công tác xã hội hóa cũng cần xúc tiến mạnh ở tờ Tạp chí Người Hà Nội - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp. Thời gian qua, dù chưa được một năm, tạp chí Người Hà Nội cơ bản đã vượt qua thời điểm khó khăn ban đầu, từng bước đổi mới nội dung và hình thức thể hiện, dần thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Song, để xứng tầm là một tạp chí văn học nghệ thuật của Thủ đô thì rất cần sự đầu tư tập trung về lực lượng làm báo chuyên nghiệp, nhất là sự đầu tư tạo cơ chế tài chính, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày, xây dựng thêm chuyên mục, tăng số kỳ xuất bản (hiện nay mỗi tháng ra một kỳ) và số lượng phát hành từng kỳ, chưa ngừng đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, nhu cầu tiếp nhận văn học nghệ thuật của bạn đọc của Thủ đô và cả nước.
Thứ ba: Việc khai thác các đề tài về Hà Nội. Tuy các sáng tác về Hà Nội không ngừng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, nhưng còn rất nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh về Thăng Long - Hà Nội trên một nghìn năm tuổi, về cuộc sống hiện đại ở nhiều lĩnh vực, chưa phải đã được khai thác một cách rốt ráo và tập trung, nhất là các đề tài về nông thôn, nông nghiệp, nông dân, về doanh nhân và doanh nghiệp, về lập nghiệp của người trẻ, về thiếu niên và nhi đồng, về lối sống, nếp sống, ý thức, ứng xử, về cảnh quan và du lịch… trong quá khứ cũng như hiện thời. Suy tới cùng, hạn chế trong khai thác đề tài cũng phần nào do công tác lập kế hoạch và công tác xã hội hóa chưa đủ mạnh, để khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân hay tập thể văn nghệ sĩ.
Thứ tư: Thành viên của các hội chuyên ngành hầu hết là những người đã nghỉ hưu. Nhưng, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm, vốn sống phong phú, đa dạng, trình độ chính trị và chuyên môn cao. Sau khi nghỉ công tác họ có thời gian, điều kiện tập trung “rút ruột nhả tơ”, gửi gắm tình cảm, trách nhiệm công dân một cách thâm trầm, chẳng mấy suy tính về tiền bạc. Họ là lực lượng lao động có tính đặc thù và tự nguyện đứng trong tổ chức cũng rất đặc thù. Vậy, phải chăng các cơ quan quản lý Nhà nước nên có cơ chế đặc thù đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và tổ chức của họ.
Nêu mấy vấn đề trên đây, chúng tôi muốn nhắc nhở chính mình, rằng: thường xuyên có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tổ chức mình đang sinh hoạt, trước tiên phải tự đổi mới để góp phần tích cực và hiệu quả vào thực hiện những mục tiêu chung.
Hội Điện ảnh Hà Nội chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi thực tế tại Đường Lâm, Sơn Tây.
Trước mắt, ngoài hoạt động thường xuyên, có rất nhiều ngày kỷ niệm lớn của dân tộc và của Thủ đô đang chờ đón sự thăng hoa của giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Đó là dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022), 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2-1930 - 3/2/2025), 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất non sông (30/4/1975 - 30/4/2025), 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), 80 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025), 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/ 1954 - 10/10/2024), 1015 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2025). Thật sự là một khối công việc đồ sộ. Song, với truyền thống và kinh nghiệm của nhiều nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp và 9 hội chuyên ngành một lần nữa có cơ hội thể hiện năng lực tổ chức, huy động lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô hưởng ứng bằng những chương trình và các tác phẩm với tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả, cũng như gửi gắm tình cảm sâu nặng với Hà Nội thân yêu.