Phát hiện con bại não, người mẹ liền bị chồng hắt hủi
Với rất nhiều người phụ nữ thì hôn nhân luôn là đích đến của cuộc sống và ở đó niềm vui, hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn. Nhưng với Lê Thị Liên (1988 trú tại Thôn 2 – xã Vĩnh An – huyện Vĩnh Lộc – tỉnh Thanh Hóa) lại là những chuỗi ngày sống trong khổ cực.
Sống trong một gia đình neo người, nghèo khó, Lê Thị Liên đã phải nghỉ học giữa chừng khi mới thi xong lớp 9. Ở nhà Liên đi làm thuê đủ thứ nghề, thậm chí ai thuê gì làm nấy với hy vọng có tiền để nuôi mẹ và bản thân.
Ít năm sau, Liên đã phải rời xa làng quê để vào tỉnh Đồng Nai kiếm sống bằng nghề dệt, đó là những năm 2006 – 2007.
Liên kể: "Em vào Đồng Nai làm việc được 2 năm thì bất ngờ gặp một người đàn ông sinh năm 1986, người gốc Quảng Ngãi. Anh ấy cũng làm công nhân như em nên em cứ nghĩ rằng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng sẽ ổn bởi cả 2 sẽ cùng cố gắng vượt qua tất cả. Cưới xong ít lâu thì em mang bầu, hàng ngày em vẫn phải làm ca, tăng ca từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới trở về nhà trọ".
Dù mang bầu nhưng Liên không được nghỉ ngơi cũng như dưỡng thai như những người phụ nữ khác, thậm chí cô nghĩ rằng bản thân gia đình còn quá khó khăn nên phải cố gắng hết sức để cho con có tương lai khi sinh ra, lớn lên.
Ngày Liên chuyển dạ được người thân chuyển lên BV để sinh nở, cháu bé được sinh ra trong sự vui mừng, hạnh phúc và được đặt cái tên thật đẹp: Nguyễn Thiện Tâm (sinh tháng 1/2010).
Nhưng tất cả niềm vui và hạnh phúc ấy bỗng chốc vụt tắt khi bé Tâm được 3 ngày tuổi bất ngờ phát hiện bị tím tái, khó thở. Ngay lập tức, bé được các bác sĩ chuyển sang cấp cứu và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Lúc này, các bác sĩ cho biết, bé bị nhiễm trùng máu và gia đình chuẩn bị tinh thần…
Lúc mới sinh, bé Tâm bị dị tật xương đầu nhỏ, bại não khiến cháu đã 10 tuổi nhưng vẫn cứ ngu ngơ như đứa trẻ mới sinh.
"Nhìn con thở thoi thóp khiến bản năng một người mẹ như rụng rời chân tay, thời điểm đó em chỉ biết cầu xin trời đất phù hộ cho con vượt qua tất cả. Bé Tâm nằm trong lồng kính đúng 10 ngày thì được ghép với mẹ và tiếp tục theo dõi đến đúng 30 Tết năm 2010 mới được xuất viện ra về", Liên kể.
"Em như người mất hồn bởi phải chăm con quá khổ cực, bé khóc ngày đêm và thời gian ngủ rất ít ỏi", gạt đi giọt nước mắt Liên nhớ lại.
Đến thời điểm bé Tâm được 2,5 tuổi cũng là lúc Liên đưa bé đến các BV kiểm tra thì được biết bé bị bại não, không thể phát triển như những đứa trẻ bình thường. Liên báo với chồng mình, nhưng người đàn ông ấy chỉ biết chửi bới, đánh đập.
Nói về người chồng của mình, Liên kể: "Anh ấy suốt ngày chửi bới rằng con bị bệnh là do em không biết đẻ, không biết cách chăm sóc con và luôn nói em ăn bám… thậm chí em từng phải chịu rất nhiều trận đòn thừa sống thiếu chết".
Không chịu được cảnh hắt hủi, chửi bới, đánh đập của người chồng vũ phu, Liên quyết định ôm con về quê. Và cũng từ đó, người chồng ấy đã cắt đứt mọi liên lạc, không có bất cứ cuộc điện thoại nào hỏi thăm con…
Mẹ già mù cả 2 mắt vì… thương con, nhớ cháu
Từ ngày Liên ôm bé Tâm trở về quê sinh sống cùng mẹ là bà Lê Thị Luyện (66 tuổi) từ năm 2013 đến nay đã gần 7 năm trời nhưng suốt thời gian trên chồng của Liên không gọi điện, nhắn tin hay trở về thăm 2 mẹ con.
Nhắc đến người chồng cũ của mình, Liên rớm nước mắt nói: "Có một lần cách đây 6 năm, anh ấy có gọi điện hỏi về thủ tục ly hôn và em cũng đồng ý, có lẽ anh ấy đã giải quyết xong từ rất lâu và lấy vợ mới rồi. Nhưng cũng trong suốt gần 7 năm qua, kể từ khi em ôm bé Tâm về quê sinh sống thì anh không hề hỏi thăm con gì cả".
Bà Lê Thị Luyện – mẹ đẻ của Liên hiện tại cũng đã bị mù 2 mắt, Liên nói nguyên nhân có thể do mẹ mình khóc quá nhiều do thương con, thương cháu:
"Năm 2013 mẹ em có vào trong Đồng Nai để chăm 2 mẹ con em một thời gian, khi ấy mẹ cũng đã bị mù một mắt, nhưng sau khi em bị chồng chửi bới, đánh đập nhiều quá và quyết định về quê thì ít lâu sau mắt còn lại của mẹ cũng bị mù nốt. Có lẽ một phần do bà mắc quá nhiều bệnh tật và do hàng đêm khóc thương con và cháu nên dẫn đến sự việc trên".
2 mẹ con trở về quê trong căn nhà cấp 4 rách nát và dìu nhau sống lay lắt từng ngày với mấy con gà, 2 sào ruộng cùng tiền trợ cấp tàn tật và nuôi người tàn tật vỏn vẹn chưa đầy 1,5 triệu đồng/tháng.
"Tôi nói với con gái Liên rằng, mẹ cũng là người phụ nữ, trải qua rất nhiều khổ cực của cuộc đời, chính vì vậy mẹ hiểu hết tất cả những gì con đang phải gánh chịu. Nếu hai vợ chồng không sống được với nhau thì hãy ôm cháu Tâm về sống cùng mẹ. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo miễn sao con không phải chịu cảnh đánh đập là mẹ thấy nhẹ nhõm rồi", người mẹ già bật khóc.
Dù đôi mắt không còn sáng, không được nhìn đứa cháu bại não bé bỏng cũng như con gái của mình nhưng bà hiểu rằng những năm qua con cháu đã phải cố gắng đến nhường nào. "Giá như mắt tôi còn sáng thì có lẽ cả 2 mẹ con nó (tức mẹ con Liên) không khổ cực đến thế", bà Luyện nghẹn ngào.
"Khổ cũng được nhưng chỉ ước có tiền chữa bệnh cho con"
Bé Nguyễn Thiện Tâm nay đã gần 10 tuổi nhưng như một đứa trẻ lên 3 khi không thể đứng, ngồi, ăn uống, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường. Cả ngày, Tâm chỉ nằm một chỗ co duỗi chân tay và thỉnh thoảng gào khóc thảm thiết.
Ngay cả những việc đơn giản nhất như cho ăn uống, vệ sinh cũng một mình Liên xoay sở: "Mỗi lúc cho con ăn, uống hay đi vệ sinh là cả một cuộc vật lộn với con. Cháu càng lớn thì chân tay càng vận động, co duỗi khỏe nên nhiều khi bản thân em không thể chống cự lại được. Đã không ít lần, do bất lực nên em đã ngồi thụp xuống đất khóc tu tu như đứa trẻ".
Mỗi khi Tâm lên cơn là lại đánh vật xuống đất rồi ú ớ khiến bất cứ ai chứng kiến cảnh tượng cũng rớt nước mắt.
Bà mẹ đơn thân nói: "Em biết con mình bệnh nặng, nhưng suốt 10 năm trôi qua em chỉ có ước muốn có tiền để đưa con đi thăm khám, chữa bệnh ở các Bệnh viện tuyến Trung ương. Dù sao, bé Tâm sinh ra cũng là giọt máu của em, bản thân mỗi một người mẹ không ai dứt ruột bỏ con đi nên luôn đau đáu nỗi khát khao ấy. Em sống khổ cũng quen rồi nhưng chỉ ước có tiền đưa đi con đi chữa bệnh".
Hiện tại gia đình Liên đã và đang quá khó khăn cũng như chịu quá nhiều nỗi đắng cay, khổ cực nên rất cần sự động viên, giúp sức của tất cả bạn đọc, nhà hảo tâm, mạnh thường quân để Liên thực hiện được ước mơ đưa con đi chữa bệnh.