NSNA Nguyễn Bá Khoản - tác giả của hàng ngàn bức ảnh lịch sử cách mạng quý hiếm ở thế kỷ XX được ví von là một nhà chép sử bằng hình ảnh. Ông cũng được xem là phóng viên nhiếp ảnh báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta từ trước cách mạng tháng Tám. Với những đóng góp vô cùng ý nghĩa, NSNA Nguyễn Bá Khoản vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1. Và một con đường mang tên Nguyễn Bá Khoản cũng đang được UBND huyện Thường Tín, TP. Hà Nội - nơi quê hương ông đề xuất mới đây.
Quyết tử quân Hà Nội truy kích địch trên phố Hàng Bài, tháng 12/1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Người chép sử chiến trường bằng ảnh
Nhà báo, NSNA Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3/7/1917 tại thôn Liễu Viên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Khi ấy đất nước vẫn đang còn là “thuộc địa” do thực dân Pháp cai trị. Chàng thanh niên Nguyễn Bá Khoản sớm có tình yêu quê hương đất nước.
Năm 1935, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Bá Khoản đã tham gia hoạt động cách mạng trong lĩnh vực báo chí. Ở tuổi 20, Nguyễn Bá Khoản đã có những bức ảnh đầu tiên của ảnh báo chí Cách mạng Việt Nam, chụp về “Hội nghị báo giới Bắc Kỳ” tại Hà Nội (24/4/1937), “Đoàn báo giới và đoàn phụ nữ tham gia cuộc mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo Hà Nội” (ngày 1/5/1938), “Hội nghị truyền bá Quốc ngữ” tổ chức tại Hà Nội 1/5/1938…
Từ năm 1938, Nguyễn Bá Khoản được kết nạp vào Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương và sau đó trở thành phóng viên một số tờ báo yêu nước và cách mạng như báo: Tin tức, Thời thế, Bạn dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Bá Khoản là phóng viên báo Cứu quốc do đồng chí Xuân Thủy, sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách.
Thời kỳ là phóng viên nhiếp ảnh của báo Cứu quốc, Nguyễn Bá Khoản đã đi theo những chuyến tàu đầu tiên cùng đoàn quân Nam tiến. Ông đã ghi lại được nhiều hình ảnh phong trào chi viện miền Nam của các địa phương khác nhau như: Ninh Bình, Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi… Tại những nơi này, ông đã chụp được những khoảnh khắc cảm động, những hình ảnh hào hùng, những trận chiến đấu anh dũng của quân và dân ta tại các mặt trận phía Nam.
Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Bá Khoản có mặt ở các mặt trận, tại các liên khu của Hà Nội. Ngày đêm bám sát từng tổ chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô, ông đã ghi lại rất nhiều những khoảnh khắc chiến đấu hào hùng của quân và dân Thủ đô. Đó là hình ảnh các chiến sĩ Hà Nội chiến đấu dũng cảm ghìm chân Pháp ở từng góc phố, hình ảnh chiến đấu của cả 3 liên khu trong nội thành Hà Nội…
Hơn 50 năm cầm máy ảnh xông pha nơi trận mạc, Nguyễn Bá Khoản đã ghi lại nhiều khoảnh khắc sinh động tại những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như: cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào Nam tiến - 1945, toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội và cả về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1946…
Những hình ảnh quý hiếm ấy sau này ông tình nguyện trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam với 2000 phim gốc. Sinh thời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - GS. Hoàng Minh Giám đánh giá rất cao, coi đó là một nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn cao cả và lưu ý Bảo tàng Cách mạng Việt Nam không chỉ lưu giữ tài sản văn hóa đó mà cần tuyển chọn để triển lãm và in sách phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các thế hệ mai sau hiểu về cuộc Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian lao và anh dũng để giành thắng lợi hoàn toàn.
Tháng 12 năm 1991, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm “Ảnh Nguyễn Bá Khoản” tại số 19 phố Hàng Buồm - Hà Nội. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lúc ấy là đồng chí Đỗ Mười đến xem triển lãm đã đánh giá rất cao sự cống hiến của người chiến sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản và chỉ thị cho Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục tổ chức triển lãm “Ảnh Nguyễn Bá Khoản” tại số 29 phố Hàng Bài - Hà Nội để đồng bào cả nước có điều kiện đến xem.
Trong cuốn “Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam” (sơ thảo) trang 26 có đoạn viết: “Ngày 1/5/1938, ở khu Đấu Xảo - Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội) những bức ảnh của Nguyễn Bá Khoản, phóng viên báo Tin tức - cơ quan báo chí công khai của Đảng, đã ghi lại sự kiện đó”. Nếu như chưa có sự kiện nào phát hiện mới hơn thì năm 1937 những bức ảnh của Nguyễn Bá Khoản đã được đăng tải, đương nhiên là thời kỳ tiền thân của ảnh báo chí Cách mạng Việt Nam.
NSNA Nguyễn Bá Khoản mất ngày 30/9/1993. Nhân dịp cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông, Nxb Quân đội nhân dân, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam quyết định tuyển chọn 144 ảnh tư liệu lịch sử tiêu biểu của ông xuất bản cuốn sách ảnh mang tên: Những khoảnh khắc lịch sử qua ống kính Nguyễn Bá Khoản. Cuốn sách một lần nữa minh chứng cho những cống hiến của phóng viên chiến trường Nguyễn Bá Khoản.
Về một con đường mang tên Nguyễn Bá Khoản
Trung tuần tháng 3/2021, UBND huyện Thường Tín tổ chức cuộc gặp và làm việc với đại diện các cơ quan: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tại cuộc gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Tiến Minh - Bí thư huyện ủy cho hay huyện Thường Tín có ý định đặt tên đường phố với ý nghĩa tôn vinh, tri ân những người có công thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có con đường mang tên Nguyễn Bá Khoản. Đề xuất này hoàn toàn xứng đáng, khi mà Thường Tín chính là quê hương của Nguyễn Bá Khoản, nơi ông đã tham gia khởi nghĩa dành chính quyền tại hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên (nay thuộc địa bàn Hà Nội).
Sáu đại biểu Hà Nội trúng cử Quốc hội khóa 1 ra mắt đồng bào Thủ đô tại khu Việt Nam học xá (Bạch Mai tháng 1/1946). Ảnh: Nguyễn Bá Khoản
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng thời là người tham gia tư vấn cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Hội Di sản quốc gia) cho biết, Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố của Hà Nội rất hoan nghênh và tán thành chủ trương của lãnh đạo Đảng và Hội đồng nhân dân huyện Thường Tín về việc đặt tên một con đường mang tên Nguyễn Bá Khoản.
Đại diện Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ghi nhận nhà nhiếp ảnh tiền bối Nguyễn Bá Khoản có nhiều cống hiến cho nhiếp ảnh Việt Nam, đã để lại cho đất nước, dân tộc một bộ sưu tập ảnh rất quý, phản ánh chân thực và sinh động nhiều sự kiện lịch sử của đất nước cả trước, trong và sau cách mạng. Nhà nhiếp ảnh tiền bối Nguyễn Bá Khoản đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I năm 1996). Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam rất hoan nghênh chủ trương của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân huyện Thường Tín về việc đặt tên đường phố mang tên Nguyễn Bá Khoản tại quê hương ông. Đây là sự ghi nhận công lao đóng góp quan trọng với đất nước, cũng là một vinh dự đối với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và gia đình nhà nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Bá Khoản.
Được biết, tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa cũng đã có một đường phố mang tên Nguyễn Bá Khoản. Điều đó ghi nhận nhà nhiếp ảnh tiền bối Nguyễn Bá Khoản có cống hiến đặc biệt xuất sắc, ghi lại được nhiều hình ảnh quân dân Khánh Hòa anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp. Thực ra, không chỉ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ở Khánh Hòa, Nguyễn Bá Khoản đã từng tham gia nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng từ thời kỳ mặt trận bình dân, vận động khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám (1945) cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội thời kỳ 1946, trên mảnh đất Thường Tín và Phú Xuyên.
Việc đặt tên đường phố ở Nha Trang cũng đã là một vinh dự lớn rồi, nhưng nếu tại huyện Thường Tín (Hà Nội) quê hương ông có thêm một con đường mang tên Nguyễn Bá Khoản thì chắc chắn đây sẽ là một nghĩa cử đẹp, việc làm thiết thực, rất có ý nghĩa tôn vinh, tri ân những thế hệ tiền bối có cống hiến xứng đáng cho quê hương.