Nối tiếp tinh thần đại thắng mùa Xuân 1975

Nhật Anh| 29/04/2020 13:43

45 năm đã trôi qua kể từ ngày cả nước hân hoan đón mừng đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). 45 năm miệt mài hàn gắn vết thương chiến tranh, kinh qua bao “chiến trận” ngoại giao, quân sự, kinh tế, thiên tai, dịch bệnh…, tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 vẫn dạt dào trong huyết quản người dân Việt, khơi mạch nguồn đoàn kết để làm nên những chiến thắng tiếp nối trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Nối tiếp tinh thần đại thắng mùa Xuân 1975
Niềm vui ngày giải phóng.

Một chút lắng lòng trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, để nhìn lại và tự hào về ngày hôm nay. Đại thắng mùa xuân 1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt 3 thập kỷ của thế kỷ XX, một dân tộc nhỏ bé đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh, giàu tiềm lực quân sự là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Đại thắng mùa xuân 1975 bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, đặc biệt là tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Chính tinh thần của đại thắng mùa xuân đã quy tụ lòng dân và tiếp thêm sức mạnh để người Việt Nam nắm tay nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước. Bằng chứng là trải qua nhiều bước thăng trầm trong quan hệ ngoại giao, với tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc, người Việt Nam đã phá thế bao vây cấm vận, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. 45 năm sau ngày Chiến thắng lịch sử 30/4, nhất là trải qua gần 35 năm đổi mới, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu; tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và tạo vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 188/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước… Việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 là dấu mốc khẳng định thành công của công cuộc đổi mới và phát triển, hội nhập ở mức độ toàn cầu của kinh tế Việt Nam. 

Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là động lực giúp người Việt Nam vươn lên đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Ở mốc 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Và nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21%, thì năm 2019, Việt Nam đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD. Những con số đó cho thấy, Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới. Những con số đó thực sự là những dấu mốc mà một thập kỷ trước, chính người Việt Nam cũng không hình dung được… “Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trong Hội nghị Chính phủ với các địa phương (ngày 30/12/2019).

Ngay trong cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 mà cả thế giới đang phải đối mặt, bài học “thần tốc” và “đoàn kết” từ 45 năm trước đã giúp Việt Nam chủ động “dập dịch ngay từ khi khởi phát”, “chống dịch như chống giặc”, dù có dân số đông (đứng thứ 17 trên thế giới), điều kiện kinh tế cũng như cơ sở vật chất y tế còn hạn chế. Trong cuộc chiến dịch bệnh cam go đó, mỗi người dân Việt Nam đã thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, đoàn kết tin tưởng vào sự chỉ đạo từ “bộ tổng tham mưu” một lòng vì nghĩa đồng bào. 

Và trong hành trình đi tới tương lai, lớp lớp thanh niên - những thế hệ tiếp nối, luôn tiếp bước cha anh đi đầu trong công cuộc đổi mới. Thanh niên công nhân đang hăng say lao động sáng tạo, nâng cao tay nghề, nghiên cứu và phát huy đổi mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Thanh niên nông dân đang phấn đấu tăng năng suất lao động góp phần làm giàu cho quê hương. Đội ngũ trí thức trẻ đang phát huy trí tuệ sáng tạo, vươn lên với hoài bão cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Lớp doanh nhân trẻ đang chấp nhận thử thách, nỗ lực xây dựng hình ảnh thanh niên khát vọng tự cường dân tộc trong hội nhập quốc tế… 

Quả là 45 năm qua đi, nhưng tinh thần đại thắng năm xưa vẫn tỏa sáng, phát huy giá trị trong thời đại ngày nay. Sự đoàn kết, thống nhất ý chí của cộng đồng, chắc chắn sẽ lại là nhân tố tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam tiếp tục vươn lên để chiến thắng trên mọi lĩnh vực đời sống, ổn định tăng trưởng kinh tế - xã hội để viết tiếp những trang sử mới trong kỷ nguyên phát triển, hội nhập. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Nối tiếp tinh thần đại thắng mùa Xuân 1975
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO