Nhà hát Lớn Hà Nội vừa rộn ràng với một tháng sáng đèn bằng seri các đêm kịch chất lượng cao mang tên “Những vở kịch còn mãi với thời gian”. Đây là đợt biểu diễn thứ 2 trong năm nay của dự án đưa các vở diễn chất lượng cao biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện từ năm 2016. Có thể thấy, dự án này đã và đang đem đến cho nghệ sĩ sân khấu biết bao niềm kiêu hãnh khi được thăng hoa ở “thánh đường nghệ thuật”…
Kiêu hãnh rút ruột nhả tơ
Đã mang kiếp tằm thì dù có biểu diễn ở đâu, với mỗi nghệ sĩ sân khấu cũng luôn là những lần “rút ruột nhả tơ”. Nhưng, với riêng mỗi dịp được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội – nơi được giới sân khấu gọi là “thánh đường nghệ thuật” – thì mỗi người lại thấy những cảm xúc khác lạ, thiêng liêng ùa về.
Trong đợt biểu diễn tháng 8 vừa qua, dù rằng NSƯT Xuân Bắc – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ tham gia một vai nho nhỏ trong vở Kiều – vai Hồ Tôn Hiến, xuất hiện chừng 5 phút trên sân khấu nhưng NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, anh vẫn thấy hồi hộp, háo hức đến kỳ lạ. Nhớ lại hồi còn là sinh viên, anh bảo rằng, lúc ấy anh luôn mong có dịp được vào Nhà hát Lớn Hà Nội xem kịch. Được vào xem rồi thì lại mong được biểu diễn ở “thánh đường” ấy. Đến giờ, đã được biểu diễn bao nhiêu vai diễn lớn nhỏ dưới ánh đèn sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội mà sao cảm xúc mong đợi, sung sướng, hạnh phúc ban đầu ấy trong Xuân Bắc vẫn không đổi thay.
Một cảnh trong vở kịch “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ, vừa được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tháng 8 vừa qua. Ảnh: MT
NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội có đến 2 vai chính trong vở “Cát bụi”, “Bỉ vỏ” của Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia đợt biểu diễn này, cũng chia sẻ rằng, anh luôn thấy hạnh phúc khi mỗi dịp được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh lý giải thêm rằng, niềm hạnh phúc đó xuất phát từ niềm kiêu hãnh nghề. Khi vứt bỏ những lo toan đời thường và bước vào ánh đèn sân khấu thì khi đó với nghệ sĩ chỉ còn là sự hóa thân cùng nhân vật, thăng hoa cùng vai diễn. Và, trong không gian biểu diễn lung linh như Nhà hát Lớn Hà Nội thì sự hóa thân, thăng hoa này càng mạnh mẽ hơn…
Nghệ sĩ Bảo Thanh – người đang nổi tiếng với vai diễn nàng dâu trong phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” bày tỏ rằng, dù bận đến mấy nhưng khi có vai diễn trên sân khấu là chị thu xếp trở về Nhà hát Tuổi trẻ để lại được thăng hoa… Vậy nên, chị rất vui mừng khi dịp này, chị có đến 3 vai trong 3 vở kịch “Vòng phấn Kavkaz”, “Ai là thủ phạm”, “Công lý không gục ngã” “đại diện” cho Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. “Đây là cơ hội rất tốt cho mỗi nghệ sĩ – nhất là những nghệ sĩ trẻ như chúng tôi. Vì thế, chúng tôi luôn luôn nâng niu từng khoảnh khắc nghệ thuật nơi “thánh đường”…” – Nghệ sĩ Bảo Thanh nói.
Với kịch hát dân tộc, niềm vui, niềm kiêu hãnh này càng lớn gấp bội vì họ không có nhiều cơ hội được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội khi kịch hát dân tộc ngày càng không được khán giả quan tâm. Vậy nên, nghệ sĩ Hoa Mai – Nhà hát Cải lương Việt Nam đã vui khôn xiết khi vai đào chính lần đầu cô được thể hiện trong vở cải lương “Cung phi Điểm Bích” được chọn biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội năm 2017. “Đúng là tôi đã từng biểu diễn ở Trung Quốc hay có nhiều suất diễn ở trong nước với vai Điểm Bích và luôn được khán giả yêu thích nhưng không hiểu sao khi biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cảm xúc trong tôi luôn tươi mới, dạt dào…” – Nghệ sĩ Hoa Mai chia sẻ.
Quả thật, mỗi vở diễn được lựa chọn biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai năm qua (gần 40 vở diễn), không chỉ đem lại cho khán giả biết bao cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố… mà còn phải gật gù trước những tuyệt kỹ của người nghệ sĩ. Vì thế, trong những đêm vở diễn “Bỉ vỏ” của Nhà hát Kịch Hà Nội, hay “Lão hà tiện” của Nhà hát Kịch Việt Nam hoặc “Vòng phấn Kavka” của Nhà hát Tuổi trẻ…, khán giả đã phải khóc, cười cùng mỗi tình huống, nhân vật – dù rằng đây đều là những vở kịch hoặc tác phẩm văn học kinh điển ai cũng thuộc nằm lòng… Với kịch hát dân tộc cũng vậy, người người đều say mê trước nàng Xúy Vân giả dại (Xúy Vân), nàng Điểm Bích (Cung phi Điểm Bích) mắc mối tương tư; sẻ chia cùng nỗi được – mất của Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly) vì giang sơn xã tắc… Cái tài của người nghệ sĩ cùng những kịch bản văn học chất lượng và những bản dựng đặc sắc đã được thăng hoa nơi “thánh đường” đã làm nức lòng khán giả Thủ đô…
Còn đó những trăn trở…
Luôn kiêu hãnh, mong chờ mỗi suất diễn nơi “thánh đường” là thế, mỗi đêm diễn luôn chạm vào cảm xúc người xem là thế, nhưng dự án đưa tác phẩm sân khấu chất lượng vào Nhà hát lớn Hà Nội được thực hiện trong hai năm qua sao vẫn còn đó bao nỗi trăn trở, khi “tằm rút ruột nhả tơ” mà khán giả còn ít quan tâm?
Đấy là câu hỏi luôn được đặt ra trong thời gian qua trong dư luận. Không phải sao khi các đêm diễn, đặc biệt là kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương) bán vé rất khó khăn. Khi đặt câu hỏi này tới lãnh đạo các nhà hát thì phần lớn bị tảng lờ hoặc đều trả lời là rất khó… Nếu như đợt biểu diễn năm 2016, giá vé cao nhất được ban tổ chức dự toán đến tiền triệu thì đến năm 2017 giá vé giảm đến 50%, song bán cũng không dễ dàng gì. Hầu như gần 600 chỗ của Nhà hát Lớn Hà Nội được kín trong các đêm diễn bằng khán giả vé mời là chính. Còn tính ra số vé bán được, nhiều lắm khoảng 100 vé, có đêm chỉ được vài vé.
Việc bán vé các đêm diễn của kịch nói có phần dễ dàng hơn, song về cơ bản là lấy thu bù chi. Có một số nhà hát kết hợp được với một số doanh nghiệp thì bán suất, cũng đạt được hiệu quả tương đối khả quan. Chẳng hạn như Nhà hát Kịch Việt Nam đã “cháy vé” khi kết hợp được với FLC Quảng Ninh cho 3 đêm diễn của mình… Dẫu là có khả quan như vậy song nhìn chung hình thức bán vé hiện nay của các đêm diễn được khai thác phần nhiều từ các mối quan hệ cá nhân chứ khán giả thực sự yêu sân khấu tìm đến mua thì rất hiếm! NSND Trung Hiếu đã kể câu chuyện, nhiều khán giả gốc Hà Nội mà đến tận bây giờ mới biết sân khấu kịch Hà Nội có những vở diễn hay như thế - sau một dịp được mời đi xem vở “Cát bụi” của nhà hát”. Hay nghệ sĩ Bảo Thanh thì bày tỏ cảm xúc rất buồn khi nhận được một comment trên facebook hỏi rằng: “Vở kịch “Công lý không gục ngã” …“chiếu” khi nào?” “Khi tôi đăng tải thông tin những lĩnh vực khác thì luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Nhưng khi tôi đăng thông tin nhà hát Tuổi trẻ chuốt lại vở “Công lý không gục ngã” thì rất hiếm người “ngó ngàng” tới, thậm chí có được một comment thì lại hỏi kịch… “chiếu” khi nào. Thật đáng tiếc khi các bạn trẻ còn không hình dung được đêm kịch là thế nào nữa!”- Bảo Thanh cảm thán.
Bà Minh Nguyệt - Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho hay, năm 2016 có 14 đêm diễn, việc bán vé các đêm diễn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Doanh thu bán vé đủ để bù đắp chi phí các đêm diễn. Năm 2017, đợt biểu diễn hồi thàng 5 tuy số vé bán ra cho khách vãng lai tăng chút đỉnh song vì số lượng doanh nghiệp hỗ trợ giảm nên phải cố gắng duy trì...
Trong bao nỗi băn khoăn đó, các nhà hát cũng có đưa ra cái lý của riêng mình là các nhà hát biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội theo dự án của Bộ là dựa vào nhau thực hiện, để quảng bá thương hiệu chứ không phải vì mục đích kiếm tiền. Tuy nhiên, đấy là cái lý trước mắt còn về lâu dài thì các nhà hát cũng thấy cần mổ xẻ, tìm ra giải pháp. Theo ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, việc bán vé còn để nhiều đầu mối (Nhà hát lớn Hà Nội, các nhà hát phối hợp) thì sẽ không hiệu quả. “Nhiều nhà hát có khả năng tổ chức biểu diễn thì nên để nhà hát đó chủ động bán vé bồi dưỡng theo doanh thu mới tăng tính cạnh tranh cũng như thúc đẩy các đơn vị nghệ thuật hăng hái xắn tay lo việc.”- Ông Vinh nhấn mạnh.