Những việc nên làm và kiêng kị trong ngày mùng 1 Tết
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, ngày mùng 1 Tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, người Việt có những điều nên làm và kiêng kị trong ngày đầu tiên của năm mới để tránh xui rủi, đón may mắn, tài lộc.
Những việc nên làm trong ngày mùng 1 Tết.
Đi lễ chùa đầu năm: Người Việt Nam vốn coi trọng văn hóa truyền thống và tâm linh, vì vậy việc đi lễ chùa được xem như hoạt động không thể thiếu trong ngày mùng 1 Tết.
Nhiều người tin rằng đi lễ chùa ngày đầu năm mới mang lại may mắn, bình an. Hơn nữa, trong thời điểm Tết đến Xuân về, việc tìm đến cửa Phật chẳng những để cầu mong mọi điều thuận lợi, hanh thông mà chúng ta còn có những giây phút du xuân thư thái, bình yên sau một năm vất vả, bôn ba ngược xuôi.
Chúc Tết đầu năm: Ngày đầu năm mới, con người có xu hướng nghĩ đến những điều tích cực, tốt đẹp. Vào ngày mùng 1 Tết hãy dành những lời chúc tốt đẹp đến mọi người để năm mới tất cả gặp nhiều điều may mắn, như ý.
Lì xì cho mọi người: Những phong bao lì xì đỏ được quan niệm mang đến may mắn cho cả người nhận và người trao đi. Vì thế, người Việt vẫn quan niệm mừng tuổi, lì xì cho nhau trong ngày đầu năm mới để cầu vận may, vận đỏ sẽ đến.
Không chỉ mừng tuổi, chúc sức khỏe ông bà cha mẹ, hay lì xì cho các em nhỏ hay ăn chóng lớn, bạn còn có thể mừng tuổi bạn bè, những người xung quanh mình cùng lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Mặc đồ sáng màu: Ngày đầu tiên của năm mới, người Việt thường kiêng mặc đồ đen, trắng. Ngược lại, mọi người ưu tiên lựa chọn những trang phục sáng màu, rực rỡ như đỏ, xanh, vàng… với mong muốn cả năm tươi vui, may mắn.
Ăn những món may mắn ngày Tết: Theo quan niệm dân gian, bánh chưng, bánh dày, trái cây tròn trịa ngọt ngào… là ngụ ý cho năm mới vạn sự như ý, mọi chuyện đều được viên mãn, vuông tròn. Vì vậy, trong mâm cơm ngày đầu năm mới cũng được lựa chọn kỹ càng để cả năm gặp nhiều may mắn.
Đầu năm mua muối: Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.
Cũng xuất phát từ câu tục ngữ “gừng cay muối mặn”, muối được xem là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Vì vậy, mua muối đầu năm với mong muốn gia đình hòa thuận, anh em keo sơn gắn bó.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khoảnh khắc Giao thừa, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may cho cả năm, mong muốn có cuộc sống ấm no.
Thêm một ý nghĩa nữa của việc mua muối đó là chúng ta tự răn mình tiết kiệm trong ăn uống chi tiêu để để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Những điều kiêng kị trong ngày mùng 1 Tết.
Kiêng mai táng: Vào ngày mùng 1, gia đình nào có tang cũng sẽ cất khăn tang 3 ngày để tránh xui xẻo và đón năm mới trọn vẹn niềm vui. Nếu không may có người nhà mất vào ngày mùng 1, gia chủ sẽ đợi đến sáng mùng 2 mới phát tang và mai táng.
Ngoài ra, nếu gia đình người nào có tang trong vòng 3 năm trở lại thì tuyệt đối không nên xông nhà người khác. Theo tục lệ dân gian, người đầu tiên bước vào nhà ngày mùng 1 sẽ quyết định sự may mắn hoặc xui xẻo của gia đình đó trong một năm. Vì vậy, điều này có thể thu hút những xui xẻo cho gia đình đó.
Kiêng quét nhà: Kiêng quét nhà ngày Tết chính là một trong những tục lệ đã được lưu truyền lâu đời. Từ những điển tích xưa, người dân quan niệm, quét nhà 3 ngày Tết là quét hết đi tiền tài, may mắn và vận đỏ trong năm mới. Vì thế, trong ngày 30 Tết, dù cho có bận rộn đến đâu đi nữa mọi người cũng sẽ cố gắng dọn dẹp, quét nhà cửa sạch sẽ trước Giao thừa. Nếu nhà bẩn mọi người chỉ nhặt rác chứ không động đến chổi quét nhà.
Ở Nam Bộ, nhiều người còn cho rằng khi đã quét sạch nhà cửa sẽ cất chổi. Nếu như gia đình nào mất chổi trong những ngày Tết, cả năm đó sẽ bị trộm vào nhà trộm của cải.
Kiêng cho nước, cho lửa: Theo quan niệm dân gian, nước và lửa tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, trong ngày mùng 1 tránh việc đi xin nước, xin lửa và đặc biệt kiêng cho nước, cho lửa. Nếu phạm phải điều này, tức là mất lộc trong cả năm, tiền bạc làm ra cũng không giữ được. Thậm chí, gặp phải điều xui xẻo, tai hoạ.
Trong tục xưa còn có lệ thuê người gánh nước vào sáng mùng 1 Tết. Những người gánh nước cũng được mừng tuổi, cả chủ nhà lẫn người gánh thuê cả năm sẽ gặp may mắn.
Kiêng cãi vã, va chạm ngày đầu năm: Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng để cả năm vui vẻ, hòa thuận và đoàn kết. Những ngày này dù trẻ nhỏ có nghịch ngợm, phạm lỗi, người lớn cũng chỉ cười xòa bỏ qua, tránh quát mắng, lớn tiếng.
Đặc biệt, những người có mâu thuẫn, xích mích từ trước cũng tránh va chạm, gây bất hòa trong những ngày đầu năm.
Ngoài ra, quan niệm dân gian khuyên nên tránh những cảm xúc tiêu cực như khóc lóc, buồn tủi, bực tức vào ngày đầu năm. Nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kiềm chế để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình.
Kiêng vay mượn tiền bạc: Nhiều người cho rằng không nên vay mượn tiền bạc vào những ngày đầu xuân năm mới. Bởi việc vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến với người đó trong cả năm tới. Bên cạnh đó, mọi người tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu năm.
Kiêng đóng cửa nhà: Nếu đóng cửa nhà trong ngày mùng 1 Tết sẽ ngăn chặn những may mắn, vận khí vào gia đình của bạn. Theo quan niệm của người Việt, mùng 1 là ngày đầu tiên khai lộc của cả năm. Do đó, gia chủ nên mở cửa ra đón những điều may mắn, sinh khí, tài lộc vào nhà.
Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2: Theo quan niệm dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh thủy thần, do đó kiêng giặt quần áo sẽ giúp tránh mạo phạm thần thánh, dẫn đến xui xẻo. Ngoài ra nên tránh mặc quần áo màu đen - trắng bởi hai màu này tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo. Do đó, vào ngày Tết mọi người thường mặc những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, mong muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, vui vẻ.
Kiêng làm đổ, vỡ đồ đạc: Người Việt quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương… trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, tan tác nên rất kiêng kị.
Ngoài ra, người xưa cũng kiêng sử dụng kim chỉ trong ngày đầu năm với quan niệm việc may vá khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Nhiều người còn cho rằng phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mùng 1 Tết sẽ gặp xui cho con.
Theo: "Văn hóa phong tục, tập quán Việt Nam".