"Những thước phim về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi in đậm trong ký ức tôi"

QĐND| 10/01/2018 11:54

Là thế hệ đạo diễn “gạo cội” của điện ảnh Quân đội, NSƯT Lê Lâm luôn tự hào về những năm tháng “nếm mật nằm gai” ở chiến trường để làm phim về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Những thước phim được thực hiện dưới làn đạn quân thù của ông và đồng nghiệp đã được dựng thành bộ phim tài liệu “Quanh địa ngục Cồn Tiên”, do Xưởng phim Quân giải phóng sản xuất năm 1968.

50 năm đã trôi qua, người đạo diễn năm xưa giờ đã bước vào tuổi 90 nhưng hình ảnh về những năm tháng hào hùng đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người nghệ sĩ, chiến sĩ này.
Đại tá, NSƯT Lê Lâm bên xác máy bay Mỹ ở Trung Sơn, Gio An cuối năm 1967.

Sẵn sàng đi vào chiến trường

Khi nhập ngũ, chiến sĩ Lê Lâm luôn tâm niệm sẵn sàng đi đến những nơi gian khổ nhất và phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ cấp trên giao. Vì vậy, sau khi làm xong bộ phim “Người Hàm Rồng” để gửi đi dự thi ở liên hoan phim tại Cộng hòa dân chủ Đức năm 1967 thì chiến sĩ Lê Lâm nhận được lệnh của cấp trên giao đi cùng hai đội quay phim hành quân cấp tốc vào mặt trận Đường 9 để làm một bộ phim về cuộc chiến đấu của quân và dân ta với bộ binh Mỹ. Thời điểm này sắp diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Lên đường vào chiến trường với ba lô trên vai và hành trang là chiếc máy quay. Tại Gio An, bờ Nam sông Bến Hải, ông cùng các đồng nghiệp đã thực hiện những cảnh quay đầu tiên để sau này dựng thành bộ phim tư liệu “Quanh địa ngục Cồn Tiên”.

Nhớ lại những ngày quay phim ở Cồn Tiên, đạo diễn Lê Lâm kể: “Đến đây, chúng tôi chứng kiến bom B52 của đế quốc Mỹ trút xuống mảnh đất này. Có lần, khi đang quay thì trên trời xuất hiện hai luồng khói trắng dài. Đó là vệt vạch đường của máy bay phản lực hộ tống, dẫn đường cho B52. Chúng tôi chưa kịp quay hết cảnh này thì được lệnh phải xuống hầm. Một lúc sau, từng loạt B52 dội xuống, tiếng rít, tiếng rú như xé rách bầu trời, đất đá rung chuyển như một cơn bão lớn. Hết loạt bom này, chúng tôi nghe thấy tiếng một chiến sĩ trinh sát báo cáo, B52 rải chếch từ hướng Đông Nam sang Tây Bắc. Ban chỉ huy đồng ý cho chúng tôi lên chòi quay phim tiếp. Lúc đó, khói bom mù mịt nên không thể nhìn rõ mọi vật xung quanh. Phải khá vất vả, chúng tôi mới vác được máy quay lên chòi để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Sau đó là những đợt hai, đợt ba, quân địch tiếp tục ném bom B52 xuống mảnh đất này”.

Sau khi thống nhất kế hoạch làm việc với ban chỉ huy trận địa, tổ làm phim chia thành 2 mũi. Mũi của đạo diễn Lê Lâm đi theo tổ bắn tỉa của dân quân Gio An.

Cồn Tiên trước khi bị B52 rải thảm rất đông dân và trù phú. Sau nhiều trận “mưa bom bão đạn”, quang cảnh làng quê này tiêu điều, tan hoang.

Đốt sạch, phá trụi, hành động tàn ác của quân xâm lược tưởng chừng rất ghê gớm nhưng càng đi sâu vào từng thôn, xóm ở Cồn Tiên càng cảm nhận được tinh thần lạc quan để chiến đấu chống kẻ thù của bà con nơi đây. Lòng dũng cảm, sự bình tĩnh của người dân để giữ vững từng tấc đất quê hương đã khiến quân địch khiếp sợ. Tất cả những hình ảnh đó đều được tổ làm phim ghi lại.

Nhớ lại hành trình đi theo tổ bắn tỉa của dân quân Gio An, đạo diễn Lê Lâm cho biết: Đến một địa điểm có hàng rào của địch, tôi nghĩ, làm sao bám được hàng rào để quay được cảnh đồn địch và cảnh sinh hoạt, chiến đấu của quân ta. Đây là một trong những băn khoăn của tổ làm phim. Đoán được suy nghĩ của chúng tôi, các chiến sĩ bộ binh làm nhiệm vụ chốt quanh đó vui mừng nắm chặt tay chúng tôi thì thầm “Các đồng chí cứ bình tĩnh mà quay, quân địch mò ra chúng tôi sẽ xử lý”. Được sự động viên đó, chúng tôi chăm chú quan sát địa hình để tìm góc quay. Chúng tôi hướng ống kính về phía đồn địch, hàng rào được chăng dầy đến 9 lớp dây thép gai nhưng đã bị các chiến sĩ công binh phá toang nhiều chỗ. Quân địch với vũ khí trang bị hiện đại nhưng rốt cuộc chúng vẫn bị bao vây và bị lực lượng bắn tỉa của quân đội Việt Nam tiêu diệt. Những cảnh giặc Mỹ bị “xơi đòn” bắn tỉa của quân dân ta đã nằm gọn trong những thước phim của chúng tôi. Đi hết địa điểm này đến địa điểm khác, chúng tôi hành quân theo bộ đội để ghi vào ống kính hình ảnh vui mừng của quân và dân ta trong mỗi trận đánh và cảnh thất bại của quân xâm lược.
Đạo diễn, NSƯT Lê Lâm.

Những thước phim đã trở thành tư liệu vô giá 

Nói về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đạo diễn Lê Lâm cho rằng: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công này không chỉ là những con số giải phóng cứ điểm nào, tiêu diệt được bao nhiêu địch, làm chủ tình thế ở đô thị bao lâu mà quan trọng nhất chính là đánh bại mưu đồ dùng hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu hòng giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ buộc phải rút quân về nước, chấp nhận thương lượng với ta ở Paris.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã thực hiện nhiều bộ phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của quân dân ta, trong đó có 3 bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng cao như: “Quanh địa ngục Cồn Tiên”, “Chiến thắng Khe Sanh”, “Những hình ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Những thước phim này đã trở thành tư liệu quý giá cho muôn đời sau.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
"Những thước phim về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi in đậm trong ký ức tôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO