Tranh biếm họa của họa sĩ Hà Xuân Nồng. |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, thành viên Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ tại lễ tổng kết, trao giải: “Khi chọn đề tài “Ứng xử văn hóa; xã hội văn minh”, các thành viên Ban tổ chức cuộc thi thấy hơi lo vì đề tài có vẻ trừu tượng, rộng lớn. Nhưng đó là đề tài rất nóng và đang được nhiều người quan tâm”.
Họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên Ban giám khảo cũng nói rằng, có chút băn khoăn vì đề tài “ứng xử văn hóa - xã hội văn minh” có thể làm khó các họa sĩ, nhưng thực tế đó lại chính là đất diễn thực sự của họ. Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, bên cạnh mảng đề tài về ứng xử với mạng xã hội, nội dung ứng xử ở nơi công cộng như bệnh viện, khu dân cư, trên đường phố… cũng được khai thác dưới nhiều góc độ. Có hàng trăm tranh dự thi về đề tài ứng xử nơi công cộng và điều đó cho thấy sự quan tâm của các họa sĩ với đề tài này.
Trong 3 ngày diễn ra triển lãm, nhiều người dân Thủ đô và du khách đã tới xem. Anh Nguyễn Văn Tài (Ngọc Hà, Hà Nội) nói: “Tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh “Lê Nhường Đường” của tác giả Hà Xuân Nồng. Bức tranh không đoạt giải nhưng “gãi” đúng nỗi bức xúc của tôi là tình trạng người và xe bình thản lưu thông, không chủ động nhường đường cho xe cứu thương ở Hà Nội”. Có lẽ vì vậy nên tác giả đã diễn giải về bức tranh: “Không ai nhường đường… nên em đã sinh con trên xe cứu thương và đặt tên con là Lê Nhường Đường”.
Chị Trần Thu Thủy (Nghĩa Tân, Hà Nội) rất tâm đắc với bức tranh “Câu lạc bộ võ thuật” của họa sĩ Nguyễn Hữu Lộc, đề cập đến việc các y, bác sĩ đến tập luyện tại một câu lạc bộ võ thuật ở bệnh viện. Bức tranh gián tiếp phản ánh tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sĩ và câu chuyện các y, bác sĩ phải đi học võ để phòng thân thật đáng để ngẫm suy.
Bức tranh “Vô văn hóa” của họa sĩ Nguyễn Tín Nhượng đề cập đến tình trạng viết, vẽ bừa bãi ở các di tích, điểm vui chơi. Chuyện không mới nhưng khi được phản ánh qua tranh, người xem cảm nhận được tính nghiêm trọng của vấn đề. Còn tác phẩm “Chen lấn đi xe buýt” của tác giả Phạm Tấn Phú mang đến sự liên tưởng về cách hành xử thiếu văn minh của một bộ phận hành khách không quan tâm tới việc xếp hàng để chờ đến lượt lên xe buýt.
Nhiều người quan tâm đến bức tranh được trao giải Ba của tác giả Trần Hải Nam, mang tên “Dê đen và Dê trắng”, đề cập đến tình trạng không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Anh Nguyễn Minh Quang (Kim Liên, Hà Nội) nhận xét: “Tôi thích nhất lời bình của Thần Chết trong bức tranh này là “Cả 2 đứa đều còn 2 giây” khi chứng kiến cảnh hai người kiên quyết không nhường đường khi đi qua ngã tư và đều khẳng định “Tao cần 2 giây”. Tác giả muốn phê phán một số người tham gia giao thông vì muốn được việc của mình nên không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.
“Theo tôi, những bức tranh này cần đến với nhiều người hơn, được trưng bày lâu hơn. Những bức tranh biếm họa báo chí đã buộc tôi và có thể nhiều người khác phải suy ngẫm nhiều hơn về cách ứng xử tại nơi công cộng”, anh Quang nói.
Tranh biếm họa về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng tạo ấn tượng mạnh với người xem. Những thông điệp ý nghĩa đã được đưa ra, không mới nhưng chưa bao giờ cũ với cộng đồng, như lời khẳng định của nhà báo Hồ Quang Lợi: “Chúng ta không thể nói một xã hội văn minh, tốt đẹp mà con người ở đó ứng xử vô văn hóa. Báo chí viết bài, vẽ tranh để cổ động cách ứng xử văn hóa, văn minh là rất hay. Thành công của giải năm nay cho thấy biếm họa vẫn là vũ khí sắc bén của các nhà báo, họa sĩ và cơ quan báo chí”.