Chuyển động Hà Nội

Những bước đột phá của chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Lệ Quyên 11:31 22/07/2023

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên trì bám sát mục tiêu. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi, diện mạo của Ba Vì có sự thay đổi rõ rệt.

Nhìn lại những ngày đầu, huyện Ba Vì triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện vô cùng khó khăn, với xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, thành phố, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng huyện NTM của Ba Vì đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 30/30 xã của huyện đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả rà soát, đánh giá theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, 30/30 xã của huyện cũng đều đạt theo quy định. Huyện cũng có 4 xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn văn minh đô thị. Phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 0.53 %.

1-goc-thi-tran-tay-dang.jpg
Một góc thị trấn Tây Đằng - Ba Vì. Ảnh : Lệ Quyên

Chia sẻ với phóng viên Người Hà Nội, ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND huyện vui mừng cho biết: Ngay từ những năm đầu triển khai, huyện đã xây dựng các chương trình bám sát các tiêu chí để thực hiện, mặc dù xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn với một huyện có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng song với quyết tâm đưa huyện về đích NTM và củng cố đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Vì thế mà huyện Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa bằng các đề án, các chương trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, xác định rõ từng mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong xây dựng NTM, mặt khác huyện cũng đã tổ chức phát động và ký cam kết giữa các cụm thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.

Với phương châm lãnh đạo luôn phải sâu sát với cơ sở, đi thực tế cùng bắt tay vào làm với nhân dân, khó đến đâu gỡ đến đó, cái gì dễ làm trước, khó làm sau. Qua quá trình thực hiện, đến nay, bộ mặt nông thôn của Ba Vì đã có sự đổi khác rất nhiều so với 10 năm trước đây, to đẹp hơn, khang trang hơn; giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Chính điều đó đã tạo được sự phấn khởi và hưởng ứng tích cực trong nhân dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt trên 99%. Đặc biệt chương trình “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn” đang được lan tỏa rộng rãi, được nhân dân đánh giá cao và tin tưởng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng năm 2023 đã có hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến đất để làm đường. Có thể nói đây là một bước tiến nhanh và vững chắc từ cách làm triệt để, thiết thực của huyện Ba Vì. Là kết quả đáng mừng, là niềm tự hào của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện.

tram-y-te-dc-xay-dung-hang-trang.jpg
Trạm y tế xã Đông Quang được xây dựng khang trang. Ảnh: Lệ Quyên

Sau chặng đường hơn 12 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Ba Vì đã tạo ra được chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực. Từ công nghiệp đến nông, lâm, thủy sản. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện có 118 hợp tác xã, trong đó có 16 HTX có liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, có 18 HTX có sản phẩm được đánh giá phân hạng từ 03 sao trở lên trong đó có một số HTX có sản phẩm được phân hạng 4 sao như: HTX nông nông trại xanh và phát triển bò; Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp ong núi Ba Vì; HTX Miến dong Minh Hồng, HTX rau quả sạch Huy Hùng, HTX Kinh doanh và Dịch vụ Đồng Thái, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Khánh Phát). Đến nay, trên địa bàn huyện có 138 sản phẩm với 36 chủ thể tham gia được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao trong đó có 66 sản phẩm 3 sao, 72 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm chủ yếu tập trung là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa tươi, thịt giò đà điểu, gà đồi, rượu, mật ong.

san-pham-ocop-cua-ba-vi.jpg
Sữa là một trong những sản phẩm OCOP của Ba Vì mang lại giá trị kinh tế cao cho người  dân. Ảnh: ST

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 làng nghề và 184 trang trại. Trong đó 19/20 làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ổn định, tạo nhiều sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, có thu nhập ổn định. Đối với 184 trang trại, huyện đã chủ động phối hợp với Chi cục PTNT Thành phố, Liên minh HTX thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo, cán bộ HTX, các chủ trang trại về tổ chức sản xuất, chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua kênh thương mại điện tử từ đó giúp các chủ trang trại có cách làm hiệu quả hơn tạo được đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.

tuyen-duong-lien-xa-duoc-dau-tu-hien-dai.jpg
Tuyến đường liên xã được đầu tư hiện đại, rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Lệ Quyên

Nhận thấy phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mang lại hiệu quả, vì vậy, huyện đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; Trên địa bàn huyện có 19 chuỗi bao gồm các chuỗi thực vật (rau an toàn khoai lang, nấm), chuỗi động vật (thủy sản, đà điểu, gà), chuỗi sữa. Trên địa bàn huyện hiện có 14 đơn vị được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Sau khi được chứng nhận chuỗi, các đơn vị tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Chương trình, Hội thảo, Hội nghị trên địa bàn Thành phố, mở rộng kênh tiêu thụ, thông qua các chương trình để ký kết hợp tác kinh doanh, bước đầu đã có những đơn hàng ổn định giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất duy trì hoạt động.

Có thể thấy rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã tạo nên một vùng nông thôn khang trang, khởi sắc, mọi mặt của đời sống xã hội đều được quan tâm, phát triển từ văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các chế độ an sinh xã hội được thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm của Ba Vì được xây dựng bề thế, hiện đại. Đặc biệt là môi trường sống tại các khu dân cư có sự thay đổi tích cực, văn minh, sạch đẹp hơn. Đó là kết quả của việc phát động phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn” của huyện và đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Chính vì vậy, mà đến với các vùng nông thôn của Ba Vì đâu đâu cũng thấy đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, tường bao được trang trí bằng các bức tranh bích họa sinh động, đẹp mắt.

Nói về phong trào này, Ông Ngô Tiến Thắng, chủ tịch xã Đông Quang cho biết: Đông Quang là một trong những xã thực hiện tốt phong trào và đạt được kết quả tích cực, cảnh quan, môi trường của xã cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nổi bật là những bức tranh bích họa trên tường bao của các nhà dân ở hai bên đường. Từ tính thiết thực của phong trào, cùng với sự tuyên truyền và cách làm minh bạch, dân chủ trên tinh thần “tất cả là do dân, vì dân” của chính quyền địa phương đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và tham gia đầy đủ mang lại hiệu quả cao. Người dân tại xã Đông Quang đã tích cực đóng góp của cải, ngày công lao động cũng như tự nguyện hiến đất làm đường. Không chỉ những người dân đang sinh sống tại địa phương mà cả những người làm ăn xa quê đều tích cực hưởng ứng bằng cách đóng góp nguồn kinh phí. Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến đầu năm nay tổng số vốn huy động được từ nguồn xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ tên đường, tên ngõ, biển gia đình trên địa bàn xã đều đã hoàn thành, camera an ninh được gắn tại tất cả các trục đường của xã đã tạo ra một diện mạo mới cho Đông Quang.

ngay-nay-ve-cac-vung-nong-thon-o-ba-vi-dau-dau-cung-thay-nhung-buc-tranh-bich-hoa.jpg
Ngày nay, về với vùng nông thôn của Ba Vì đâu đâu cũng thấy những đường làng,  ngõ xóm được trang trí bới các bức tranh  bích họa đẹp mắt, sinh động. Ảnh: Lệ Quyên

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được dân nhân hưởng ứng tích cực, tạo được không khí sôi nổi, phấn khởi, là người dân sống tại xã Đông Quang, bà Lê Thị Nga hồ hởi chia sẻ: Từ ngày triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp” tất cả người dân chúng tôi đều rất hào hứng tham gia, có nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, đóng góp kinh phí để sửa sang, trang trí cho đường làng, ngõ xóm được sạch đẹp. Ngoài ra, chúng tôi còn đóng góp các ngày công, tranh thủ buổi tối cả xóm cùng nhau ra sơn, chát tường. Giờ thấy đường làng đẹp như thế này chúng tôi rất vui, kể cả những người con làm ăn xa quê khi trở về đều thấy vui và tự hào về quê hương mình. Cũng từ phong trào này mà tình làng nghĩa xóm được vun đắp và gắn kết hơn.

tranh-bich-hoa.jpg
Nhân dân sẵn sàng  đóng góp kinh phí, ngày công lao động và hiến đất làm đường để có được những con đường làng sạch đẹp, khang trang. Ảnh: Lệ Quyên

Có thể khẳng định rằng, cho đến nay, phong trào xây dựng NTM tại Ba Vì đã mang lại hiệu quả thiết thực làm thay đổi về mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như kinh tế của huyện. Sự thay đổi ấy đã biến Ba Vì từ một huyện có xuất phát điểm thấp trở thành một miền quê đáng sống. Cũng chính từ đây sẽ tạo đà cho Ba Vì “cất cánh” và phát huy được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa trong thời gian tới./.

Bài liên quan
  • Huyện Đông Sơn – Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa
    Đông Sơn là huyện đồng bằng giáp ranh thành phố Thanh Hóa về phía tây, được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, người dân Đông Sơn có phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động; anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chính sức mạnh nội tại ấy đã thúc đẩy Đông Sơn trong quá trình xây dựng Nông thôn mới và trở thành 1 trong 3 huyện của tỉnh Thanh Hóa "cán đích" sớm nhất và tiệm cận với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Xây dựng người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện
    Để cụ thể hóa Chỉ thị số 30-CT/TU, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch của Quận ủy để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, tập trung quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU trong các cấp ủy Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong toàn quận.
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
Đừng bỏ lỡ
Những bước đột phá của chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì trong phong trào xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO