Sự kiện & Bình luận

Nhớ niềm vui ngày giải phóng

Thảo Nguyên 09/10/2024 15:28

Nhớ về những ngày tháng 10 rực rỡ cờ hoa của mùa thu năm 1954, không thể không nhắc tới một lực lượng đặc biệt - Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô (sau này đổi tên thành đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô). Họ là những chàng trai cô gái 18, đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường để đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng: tuyên truyền, phổ biến những chính sách của Chính phủ mới tới nhân dân Hà Nội.

z5891132587781_6eb9d0f351317e3c4eb781e7f329da31.jpg
Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ Hồ Chí Minh đã nhận định “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, vì vậy công tác chuẩn bị cho ngày trở về giải phóng Thủ đô đã được manh nha từ khi ấy. Các trường học ở các vùng kháng chiến được thành lập. Giáo viên và học sinh tự tay dựng trường, đóng bàn ghế… Dù tình hình chiến sự có cam go, chiến trường có đỏ lửa đến đâu thì ngọn đèn học tập trong những ngôi trường đơn sơ vẫn chưa bao giờ tắt.

Đến đầu tháng 7 năm 1954, Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô do đồng chí Vương Đức Vượng làm đội trưởng đã được thành lập. Ông Nguyễn Văn Khang (hiện là trưởng ban liên lạc của Hội) khi đó mới là chàng thanh niên 22 tuổi kể lại: “Đội chúng tôi gồm gần 400 học sinh ưu tú lớp 9, lớp 10 đến từ các trường: Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội), Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), Hùng Vương (Phú Thọ), Tân Trào (Tuyên Quang), Lam Sơn (Thanh Hóa)… được tập hợp. Ai nấy đều khấp khởi tưởng được lên đường đi đánh giặc. Vừa đến Thái Nguyên thì đội nhận được tin quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô”.

2 tháng học tập chính sách, đường lối của Chính phủ mới ở Thái Nguyên là 2 tháng tràn ngập hạnh phúc nhưng cũng đầy trăn trở của gần 400 chàng trai, cô gái trẻ. Họ đều hiểu rõ trách nhiệm của mình phải làm sao để người dân hiểu rõ về kháng chiến, về bộ đội cụ Hồ; làm sao để lòng dân không còn lo lắng, bất an...

“Cuối tháng 9 năm 1954, chúng tôi trở về Hà Nội. Ai sức khỏe yếu thì được đi xe, ai khỏe hơn thì đi bộ. Đường về Hà Nội hoang vu, cỏ mọc ngút ngàn, các lô cốt bỏ không, xóm làng xơ xác… nhưng tất cả chúng tôi đều tràn đầy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trọng đại này”, ông Khang kể. Ngày 3/10, một số thành viên biết tiếng Pháp đi cùng bộ đội đến nhận bàn giao, tiếp quản các công sở, các cơ quan hành chính Pháp. Đến ngày 5/10, toàn đội tỏa ra thực hiện nhiệm vụ gặp gỡ nhân dân.

Hà Nội khi ấy nhỏ lắm, chỉ có 36 phố phường. Người Pháp chưa rút hết, quân giải phóng chưa vào thành. Thành phố hoang mang như lòng người ngơ ngác, lo sợ. Đường phố lúc nào cũng vắng lặng, người dân đóng kín cửa ở trong nhà. “Chúng tôi đến gõ cửa từng nhà. Nhìn thấy những người mặc quân phục nhưng không phải là bộ đội, chưa kịp nghe chúng tôi trình bày, họ đã đóng sầm cửa lại, không tiếp. Lần thứ 2, chúng tôi đến, họ vẫn không tiếp. Nhưng đến lần thứ 3 thì họ đã mở cửa cho chúng tôi vào nhà”, ông Khang kể tiếp.

Thời điểm ấy, người dân Thủ đô nghe nói về kháng chiến thì nhiều nhưng biết người kháng chiến thì ít. Cả đội phải đi gõ cửa từng nhà, chủ động tuyên truyền, giải thích về những điều họ thắc mắc, lo sợ. Từ nghi ngờ hoang mang, người dân Hà Nội đã chuyển sang yêu mến, khâm phục. Họ đã yên tâm về Chính phủ mới và hân hoan chuẩn bị đón bộ đội giải phóng về thành.

Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của các thành viên đội thanh niên tiếp quản Thủ đô lại chính là lần “cảm hóa” được một băng nhóm “đầu gấu” ở bến Phà Đen chuyên hoành hành quấy nhiễu đời sống nhân dân. Lần ấy, đi kiểm tra công việc ở bến Phà Đen, nghe người dân chia sẻ, cán bộ đội thanh niên tiếp quản Thủ đô dù rất trẻ đã dám mời thủ lĩnh băng nhóm đầu gấu ấy đến để tuyên truyền, giải thích: “Bây giờ giải phóng rồi, chúng ta có một Chính phủ độc lập rồi, được sống tự do hòa bình rồi thì đừng bắt nạt dân nữa, hãy tìm những công việc lương thiện để làm và chung sống hòa bình với nhau”… Vậy mà những lời giải thích nhẹ nhàng, đơn giản ấy lại mang lại hiệu quả lớn.

Ông Khang nhớ lại: “Ngày đó, thế hệ thanh niên chúng tôi có một cuốn sách “gối đầu giường” là “Thép đã tôi thế đấy” với lý tưởng của chàng thanh niên cộng sản Paven. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau “khó mấy cũng phải làm, cứ làm rồi sẽ được” như lời bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó…”

Nhiệm vụ hoàn thành, gần 400 thành viên của đội thanh niên tiếp quản Thủ đô đã góp phần biến một Hà Nội im ắng, hoang mang thành một Hà Nội “tràn đầy niềm tin và hi vọng”. Người dân bắt đầu may cờ, vẽ khẩu hiệu, làm hoa… để chuẩn bị đón bộ đội giải phóng về tiếp quản Thủ đô. Đường phố giờ giới nghiêm theo thói quen vẫn vắng lặng, nhưng phía sau những cánh cửa đóng kín của mỗi ngôi nhà trong thành phố lại đang dậy sóng. Từng đoàn quân Pháp rút khỏi Thủ đô. Quân Pháp rút đến đâu, cờ đỏ sao vàng tung bay đến đó.

Đội thanh niên tiếp quản Thủ đô sau đó còn tiếp tục thực hiện những công tác tuyên truyền quan trọng như chống di cư, phổ biến các chính sách mới của Đảng… Vì họ đều là những học sinh ưu tú nên sau khi nhiệm vụ hoàn thành, nhiều người trong số họ được cử đi học ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và sau đó trở về nắm giữ những vị trí quan trọng trong việc xây dựng và kiến thiết đất nước.

70 năm đã trôi qua, từ gần 400 thành viên, đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô giờ đây còn 142 người. Tuổi già, sức yếu rất khó tập hợp cùng nhau như những ngày còn trẻ, nhưng cứ đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, kí ức tươi đẹp lại trở về vẹn nguyên như niềm vui trong ngày Thủ đô giải phóng năm xưa./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Nhớ niềm vui ngày giải phóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO