Tôi quen Phạm Tiến Duật vào cuối tháng 11-1970 tại Binh trạm 27, khi cùng đi với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên kiểm tra, chỉ đạo binh trạm triển khai nhiệm vụ chuẩn bị cho Chiến dịch Đường 9. Tư lệnh rất quý Phạm Tiến Duật, do thơ của anh đã làm bừng lên sức mạnh chiến đấu của cả chiến trường. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” được tư lệnh coi như “bản quân ca trữ tình của Bộ đội Trường Sơn”. Ở thời điểm này, thơ của anh đã có sức lan tỏa ở Trường Sơn. Tôi bắt chuyện gợi mở về thơ của anh, Phạm Tiến Duật vui vẻ tặng tôi ba bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”.
Ảnh: Internet
Đối với tôi, anh là nhà thơ lớn của Trường Sơn cùng thời một thế hệ thi sĩ, chiến sĩ có tên tuổi như: Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân, Vũ Quần Phương, Bằng Việt... Thơ anh đi vào lòng người, nhất là chiến sĩ Trường Sơn, bởi anh là người trực tiếp lăn lộn ở chiến trường dưới mưa bom bão đạn của quân thù, hồn thơ của anh được hiện hình trong lửa khói, từ lòng đất nóng bỏng bay lên. Tôi gặp anh nhiều lần trên các cung đường bi tráng, bên những cánh võng đầy ắp tình ca. Lần gặp anh ở trọng điểm Văng Mu, tôi hỏi sao ông lại vào đây, anh cười và nói: “Nhà thơ, nhà văn cũng phải biết xung phong”. Trong cuộc sống đời thường, anh giản dị, tự do, có khi bộ quân phục mấy ngày không thay, sau này chuyển ngành cũng vậy, bộ comple cứ treo ở mắc áo, đi đâu thì mặc về nhà lại treo như thế. Đối với bạn bè sống hết mình, ai biếu, tặng gì cũng chia mọi người cùng hưởng, được tiền nhuận bút là khao, liên hoan bằng hết. Nhưng trong thơ anh lại khác, được thể hiện rõ ý thức cách mạng và niềm lạc quan của người lính Trường Sơn:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Cái ác liệt, cái hy sinh có thể trong giây lát “bom giật bom rung” làm cho kính xe bị vỡ tan nát, nhưng chiến sĩ lái xe không hề sợ hãi, mà vẫn “ung dung” cầm tay lái lướt qua trọng điểm như không có gì cản trở. Những trọng điểm trên đường Trường Sơn có hàng trăm, hàng nghìn, bom đạn cày xới cả một vùng, cỏ cây, đồi núi xơ xác, để lại cái chết trắng thảm thương, giữa cảnh tượng đó mà người chiến sĩ vẫn thản nhiên cười vui, thưởng thức gió, trăng với những ước mơ của ngày mai tươi sáng...
“Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”.
Tôi còn thích cả tính dí dỏm, trữ tình trong thơ anh, “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn”... “Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn”. Tiếng cười của các em thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, biểu thị cả nghĩa đen và nghĩa bóng, tình yêu lứa đôi, tình yêu tuổi hai mươi dữ dội, khao khát, nhưng đều khẳng định “toàn thắng ắt về ta” như lời Bác động viên, thúc giục cả nước “tiến lên” quyết chiến thắng quân thù.
Thơ Phạm Tiến Duật có sức cổ vũ rất lớn, như sóng biển, như gió đại ngàn, đã hòa vào sức mạnh của Bộ đội Trường Sơn trong suốt 16 năm chiến đấu dưới thời tiết khắc nghiệt, mưa bom, bão đạn của kẻ thù, để chiến thắng mọi mưu đồ ác hiểm của đế quốc Mỹ ra sức ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện của Bộ đội Trường Sơn cho chiến trường miền Nam-Lào-Campuchia.
Những ngày cuối cùng trong bệnh viện... Tôi đến thăm anh, Phạm Tiến Duật phều phào trong hơi thở đứt đoạn: “Bạn ơi mình rất nhớ Trường Sơn”. Câu nói ấy mãi khắc sâu vào tâm khảm tôi.