Ông Trần Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn xã Trấn Dương đã từng hình thành 3 mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 103ha, trong đó có 2 mô hình sản xuất lúa, 1 mô hình sản xuất ớt xuất khẩu.
Mô hình sản xuất lúa tập trung của hộ ông Đào Trung Tụ chuyên về sản xuất lúa thuần, lúa chất lượng cao, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong tất cả các khâu từ cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí nhân công, giá thành hạ, tăng thu nhập gấp 1,3 lần so với sản xuất lúa thông thường. Sau 4 năm thực hiện, mô hình này bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn vướng mắc.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, với diện tích 38ha tích tụ ruộng đất của 405 hộ nông dân trong xã. Công ty đã triển khai sản xuất giống lúa lai và sản xuất lúa nếp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, mô hình đã sớm “chết yểu” do cách tổ chức sản xuất chưa phù hợp, chi phí sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế thấp.
Bên cạnh 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, từ năm 2015 ở Trấn Dương hình thành mô hình sản xuất ớt tập trung với diện tích 25ha tích tụ ruộng đất của 247 hộ nông dân. Mô hình trồng ớt có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với cấy lúa 1 vụ bước đầu cho thu nhập gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, điểm hạn chế của mô hình này là phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc, cho nên rất bấp bênh, chưa đảm bảo tính bền vững.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thìn - Chủ tịch xã Trấn Dương cho biết: Lãnh đạo địa phương rất trăn trở làm sao để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn nhằm mục đích tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp rất là rủi ro.
"Như trồng ớt năm nay, có lúc tới hàng trăm nghìn một cân, nhưng có lúc chỉ có 10.000/cân, thậm chí là 5000 - 6000/cân. Đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm cực kỳ khó khăn. Chính vì vậy nó bị mai một đi. Còn đối với cánh đồng mẫu lớn chuyên canh cây lúa của anh Tụ cũng là một cái khó khăn, anh ấy cũng quyết tâm, xã cũng chia sẻ và tạo điều kiện, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất khoảng 40ha, tạo điều kiện cho thuê toàn bộ mặt bằng, cơ sở vật chất của trường tiểu học 2 cũ để anh ấy làm nhà xưởng, sân phơi thóc. Nhưng vụ mùa năm nay, do sâu bệnh và thời tiết, cho nên toàn bộ 40ha cấy lúa của anh Tụ gần như mất trắng.", ông Trần Văn Thìn nói.
Giải pháp nào cho cánh đồng mẫu lớn
Theo ông Trần Văn Thìn, mặc dù địa phương đã tạo điều kiện hết mức như tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện về vấn đề an ninh trật tự ... nhưng trong vấn đề làm cánh đồng mẫu lớn còn gặp rất nhiều khó khăn về đầu tư công nghệ, khoa học kĩ thuật, tiếp cận vốn... Hiện nay nhà nước chỉ đầu tư cho các hộ nông dân, còn các vùng sản xuất tập trung cánh đồng mẫu lớn như hộ của anh Tụ chưa được quan tâm đầu tư về kho, bến bãi, máy móc, hệ thống thủy lợi...
Từ thực tiễn xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Trấn Dương cho thấy, sau một thời gian thực hiện, đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất mô hình cánh đồng mẫu lớn của hộ ông Đào Trung Tụ theo đúng nghĩa của nó, 2 trong số 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn khác đã sớm “chết yểu” vì rất nhiều nguyên nhân.
Được biết đến là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Hải Phòng, năm 2013, ông Đào Trung Tụ đã đứng ra thuê đất của hơn 400 hộ nông dân, với tổng diện tích 40ha liền vùng, liền thửa để sản xuất lúa. Ông đã trực tiếp ký hợp đồng với từng hộ nông dân, với thời hạn 5 năm, đơn giá lúc đầu là 60kg thóc/1 sào/vụ, từ tháng 10/2015 đến nay là 35kg thóc/1 sào/vụ. Sau khi đã tích tụ được ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn, ông Tụ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất từ khâu cấy đến thu hoạch, tiến hành đào, đắp kênh mương, xây dựng hệ thống nhà kho, sân phơi...
Ông Đào Trung Tụ là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Hải Phòng
Với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất theo mô hình tập trung, ông Tụ đã giảm được đáng kể chi phí về nhân công. Nếu trừ tất cả các khoản chi phí cộng với thời tiết thuận lợi, được mùa, thì mỗi sào cấy lúa ông Tụ thu lãi từ 250.000 đến 300.000/sào/vụ, 7 - 8 triệu đồng/ha/vụ. Với diện tích 40ha, một năm ông Tụ thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, sâu bệnh nhiều như vụ mùa năm 2017, thì sẽ mất trắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trung Tụ cho biết: "Khi bắt tay vào làm nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tôi chưa thể lường hết những khó khăn của ngành nông nghiệp lại lớn đến vậy. Như vụ mùa năm 2017 này, do sâu bệnh nhiều diễn biến phức tạp, cùng với thời tiết xấu, dẫn đến toàn bộ 40 ha lúa gần như bị mất trắng, với tổng chi phí lên tới 700 triệu đồng."
Sau gần 5 năm thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, từ thực tiễn, ông Tụ nhận thấy, muốn cho mô hình cánh đồng mẫu lớn tiếp tục tồn tại, phát huy hiệu quả thì nhà nước cần giải quyết những khó khăn vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp như ông. Nhà nước cần hỗ trợ về vay vốn phục vụ sản xuất, đầu tư cải tạo công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, xây dựng nhà xưởng, kho bãi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi về kéo dài thời gian thuê đất từ 15 - 20 năm trở lên (hiện tại ông chỉ được phép thuê đất với thời hạn 5 năm, cho nên không thể kêu gọi được các doanh nghiệp vào đầu tư" và tiếp cận vốn vay ngân hàng thuận lợi với lãi suất thấp thời gian dài hạn... Những việc này cần phải làm ngay và luôn.
Thực tế cho thấy, kể từ khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đến nay ông Tụ đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư đào kênh, đắp bờ vùng bờ thửa, mua sắm máy móc trang thiết bị, thuê, xây nhà xưởng, sân phơi... Đến nay ông vẫn chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào từ việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất. Tất cả vẫn chỉ dừng ở lời hứa? Ngay đến khoản hỗ trợ 20 triệu đồng/ha ruộng từ khi bắt tay vào làm đến nay ông Tụ vẫn chưa được hưởng vì các cơ quan chức năng giải thích rằng khoản hỗ trợ này là cho nông dân và hợp tác xã nông nghiệp chứ không phải mô hình của ông?
Thiết nghĩ các cơ quan ban ngành cần phải nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho những người nông dân đã, đang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cánh đồng mẫu lớn như ông Đào Trung Tụ để từng bước nâng cao năng suất lao động, thay đổi diện mạo nông thôn mới.