Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, dư luận rất quan tâm đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia và mặt hàng nước giải khát có đường.
Bởi các đề xuất này không chỉ có tác động lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế, đều tác động đến doanh nghiệp.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với ngành đồ uống, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với những khó khăn riêng. Đó là không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn.
Lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm. Năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) toàn ngành giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023 (theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam).
“Áp dụng Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo nội dung dự thảo sửa đổi có thể tăng thu NSNN trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Qua đó, giảm thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Lực nói.
Một số băn khoăn khác mà ông Lực đặt ra là, tăng thuế đối với đồ uống có đường chưa chắc đã giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh béo phí, tim mạch vì căn bệnh này có nhiều nguyên nhân khác. Việc tăng thuế không giúp giảm áp lực lên NSNN hỗ trợ y tế.
Đặc biệt, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp NSNN lâu dài. Tạo ra tình huống “khó chồng khổ" đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống).
Đó là chưa kể đến, dự thảo luật còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Khó điều tiết hành vi tiêu dùng.
Bởi vậy, ông Lực khuyến nghị, dự thảo luật cần có sự hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn.
“Những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam (như nước giải khát có đường chẳng hạn). Đồng thời, cần đánh giá tác động NSNN và các mặt khác một cách đa chiều hơn, cả trước mắt và lâu dài”, ông Lực nhấn mạnh.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VCTA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.
Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, tự pha chế, không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng rượu bia, bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ khó thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động của đề xuất tăng thuế này. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình, ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm./.