Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến phố thuộc khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân đã đem lại bộ mặt khang trang, xanh, sạch, đẹp cho đường phố, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, từng bước đồng bộ hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố. Tuy nhiên, Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ 5 nhóm nội dung có tồn tại, sai phạm. Trong đó, đáng lưu ý là một số quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6224/UBND-ĐT ngày 28-10-2016.
Cụ thể là chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền bảo đảm 50-70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị. Một số quận như Long Biên, Hà Đông chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định. Quận Hà Đông, Ba Đình có những dự án chưa thực hiện đồng bộ việc hạ ngầm khi cải tạo lát đá vỉa hè.
Việc hướng dẫn không đồng nhất và rõ ràng trong "Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội" dẫn đến 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, 13/38 dự án dùng đá 2x4 để đổ bê tông lót nền hè. Do không có hướng dẫn cụ thể về mạch vữa liên kết giữa các viên đá nên tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau dẫn tới khó đổ đầy mạch, làm ảnh hưởng chất lượng công trình. Một điểm đáng lưu ý là qua kiểm tra thực tế các dự án còn phát hiện thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá và việc bảo trì mặt hè sau khi lát đá.
Do vậy, các đơn vị thi công khác nhau dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Việc áp dụng đơn giá đá, đơn giá nhân công, đơn giá máy trong thi công lát đá hè không đồng nhất giữa các quận đã dẫn đến việc hiểu không đúng của các doanh nghiệp, người dân và dư luận. Theo Thanh tra thành phố, ngoài trách nhiệm của các địa phương, còn có trách nhiệm trực tiếp của Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng), Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu).
Và những tồn tại khi triển khai dự án
Theo kết luận của Thanh tra thành phố, trong công tác đấu thầu, thi công các dự án cũng có những tồn tại. Cụ thể, trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá. Điều đó dẫn tới 35 dự án tại 8 quận không thực hiện đúng Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20-8-2014 của UBND thành phố, trong đó có yêu cầu về quy cách vật liệu lát hè. Tại quận Ba Đình, có 5 dự án thiếu kiểm tra đá lát tại nơi sản xuất.
Việc thi công một số mặt cắt hè kích thước không đúng theo thiết kế, chưa phá dỡ các bục, bệ hộ dân lấn chiếm, dẫn đến chưa chỉnh trang theo thiết kế và khối lượng xây lắp nghiệm thu chưa phù hợp.
Về chất lượng đá lát hè, đá lát rãnh ghé, cơ bản các mẫu đá lát hè bảo đảm chiều dày theo thiết kế, dung sai trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên cũng có một số nơi, khi Thanh tra lấy mẫu kiểm tra lại không bảo đảm độ dày yêu cầu như mẫu trên tuyến phố Giang Văn Minh, Đội Cấn, Hàng Bún (quận Ba Đình); phố Vệ Hồ, Nhật Chiêu, Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)...
Về bê tông lót nền hè, bê tông lót nền rãnh ghé: Cơ bản các mẫu bê tông có chiều dày trong dung sai cho phép nhưng có một số dự án ở quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai chưa bảo đảm thiết kế. Về cường độ chịu nén của bê tông lót nền, có một số tổ hợp mẫu bê tông không đạt cường độ chịu nén theo thiết kế. Qua kiểm tra thực tế, Thanh tra thành phố còn chỉ rõ chiều dày lớp vữa xi măng lót không đồng đều.
Những tồn tại về chiều dày đá lát vỉa hè, đá lát rãnh ghé; cường độ bê tông lót hè và lót rãnh ghé tại một số vị trí cục bộ của một số dự án đã ảnh hưởng tới chất lượng công trình, là nguyên nhân gây ra hiện tượng đá lát hè, đá lát rãnh ghé bị vỡ, bong tróc.
Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng, bảo quản hè phố sau khi lát đá chưa tốt. Hè phố mới lát (lớp vữa lót, bê tông chưa đủ thời gian đông kết theo quy chuẩn) đã bị người dân đi lại, dẫn đến hiện tượng đá lát dễ bị bong tróc.
Những sai sót, bất cập nêu trên cần được nghiêm túc chấn chỉnh để thời gian tới công việc này đạt hiệu quả tốt hơn.