Vẫn mạnh ai nấy làm
6 tháng đầu năm 2017, không chỉ có thịt lợn, danh mục các mặt hàng nông sản cần giải cứu vẫn tiếp tục dài thêm như bí đỏ, bí xanh, ớt quả, chuối,... Những câu hỏi của đại biểu Quốc Hội trong kỳ họp tháng 6 năm 2017 vừa qua vẫn tiếp tục tuy không có gì mới. Bài toán chăn nuôi trồng trọt với câu hỏi muôn thuở “nuôi con gì, trồng cây gì?” vẫn chưa có lời giải thỏa đáng tính đến kỳ họp lần này.
Trở lại mặt hàng chính là thịt lợn, trong việc giải cứu này, một số vấn đề cần phân tích cụ thể hơn đặc biệt là những tồn tại trong khâu bán lẻ. Nếu nâng giá mua lợn hơi 5.000 – 10.000 đồng/kg của người chăn nuôi, cộng chi phí và cộng lãi 100.000 đồng/con lợn thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng bình quân là 35.000 đồng/kg móc hàm. Việc này một số công ty đã làm và mang lại hiệu quả. Nếu mua của người chăn nuôi với giá như trên nhưng con lợn vẫn qua 2 - 3 khâu trung gian rồi mới đến chợ thì giá bán lẻ bình quân móc hàm là 45.000 đồng/kg. Nếu mua của người chăn nuôi với phương thức trên nhưng qua 1 - 2 khâu trung gian cộng với chiết khấu của siêu thị được hưởng, khoảng 10 - 12% thì giá bán bình quân móc hàm là 55.000 đồng/kg. Từ thực tế trên có thể thấy, nếu chia sẻ lợi nhuận với người nông dân một cách thân thiện và công bằng hơn thì giá bán lẻ ở chợ và siêu thị có thể giảm hơn nữa. Song giá bán lẻ ở 2 kênh này vẫn cao, so với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng xã hội.
Ngoài ra, trong đợt giải cứu, còn xuất hiện một số hiện tượng cạnh tranh tiêu cực bằng mọi giá như đốt quán bán lợn, đổ dầu luyn vào thịt lợn của người bán giá thấp... Rồi tình trạng mạnh ai nấy làm cho chúng ta thấy sự nhạy bén và vào cuộc quyết liệt của các kênh bán hàng trên thị trường chưa được đồng bộ trong cuộc giải cứu vừa qua.
Kiểm soát được thị trường, vấn đề dài hạn
Mặc dù ghi nhận những kết quả nhất định, song việc giải cứu thịt lợn cũng cần có những mặt phải xem xét. Đó là sau khi người tiêu dùng tập trung hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn thì sức tiêu thụ thịt gà công nghiệp và trứng các loại lại suy giảm. Cách đây một vài ngày, Bộ NN&PTNT đã thành lập Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, một tín hiệu vui ban đầu cho nền sản xuất phân phối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Việc đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu thịt lợn chính ngạch cũng đã có những phiên ban đầu. Tuy nhiên có khả năng đến đầu năm 2018 là sớm nhất, thịt lợn trong nước mới có thể xuất khẩu vào thị trường này bởi những lý do đòi hỏi khắt khe về mặt chất lượng hàng hóa.
Chính vì thế điều căn cơ vẫn là giải quyết những tồn tại của thị trường trong nước. Khâu sản xuất: Nâng cao quy mô, sản xuất chăn nuôi theo tính chất sản xuất hàng hóa có chất lượng, năng suất cao và giá cả cạnh tranh, luôn luôn gắn kết từng vùng sản xuất với hệ thống phân phối nội địa, và thị trường xuất khẩu. Khâu phân phối: Cần thiết lập màng lưới phân phối rộng khắp, hiệu quả, gắn phân phối với sản xuất, trở thành chuỗi một cách bền vững. Lợi nhuận của các khâu trong chuỗi đó phải được phân chia hợp lý, công bằng, quan tâm trước hết đến lợi nhuận của người làm ra sản phẩm cho xã hội. Không ép cấp, ép giá, đẩy giá lên, làm thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng xã hội. Lúc này vai trò kiến tạo môi trường sản xuất và phân phối minh bạch, công khai, thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trên thị trường để cạnh tranh một cách bình đẳng của Nhà nước là rất quan trọng. Đồng thời, Nhà nước cần dành kinh phí đầu tư cho những cơ sở hạ tầng lớn ở các vùng sản xuất và địa phương tiêu thụ tập trung; Tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm; Kiểm soát thị trường một cách công bằng, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất một cách kiên quyết, nghiêm minh... Đây là những gì DN và người tiêu dùng cần, giúp bớt đi những chiến dịch giải cứu, tạo tiền đề cho một nền sản xuất hàng hóa phát triển nhanh và bền vững, một sức cầu tiêu dùng xã hội hợp lý trong thời gian tới.