Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết với tinh thần thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng, đã có 55 lượt đại biểu phát biểu với gần 200 nội dung. Các ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh, tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề, cụ thể:
Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 của Thành phố, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm; Bổ sung, đánh giá làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố; Công tác quản lý nhà chung cư tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước còn bất cập….Từ đó, các đại biểu đề nghị Thành phố có giải pháp cụ thể để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến lạm phát; nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2023 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong tăng trưởng, phát triển kinh tế theo kịch bản dự kiến lựa chọn (tăng trưởng 7%); xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế…
Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025, các đại biểu đánh giá, các nội dung xác định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách đã bám sát theo nội dung phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH của Thành phố và theo hướng triển khai thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Thành phố. Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo đặc điểm từng đơn vị quận, huyện, thị xã (như tỷ lệ điều tiết khoản thu tiền sử dụng đất) nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong phân cấp, uỷ quyền trong một số nội dung: thoát nước, vườn hoa, cây xanh…
Đối với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2023 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2023; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp Thành phố), đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn và dự báo nguồn thu năm 2023 có nhiều khó khăn, khả năng đạt dự toán thấp. Các biện pháp đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm bố trí vốn năm 2023 để làm cơ sở tập trung đôn đốc, chỉ đạo điều hành đối với nhóm các công trình, dự án này.
Về Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo rà soát kỹ các dự án cần đảm bảo đẩy đủ các điều kiện mới trình HĐND Thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư; chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ dự án đã được phê duyệt.
Về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, ngày 08/4/2022, của HĐND Thành phố về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu đề nghị có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết, đặc biệt là các giải pháp, chính sách tháo gỡ các vướng mắc cho từng dự án. Tiếp tục tăng cường giám sát về nội dung này, thực hiện các biện pháp mạnh để thu hồi các dự án không đủ điều kiện, công khai các dự án đủ điều kiện thu hồi, công khai việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Tiếp thu, giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND Thành phố nêu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng giải trình làm rõ hơn về một số nội dung. Theo đó, đánh giá 8 khoản thu chưa đạt được, đặc biệt là của khối DNNN và đầu tư nước ngoài (các doanh nghiệp sản xuất hàng XNK). Các khoản thu từ đất, từ đấu giá đất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết: Trên cơ sở dự toán được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2023 là 352.919,3 tỷ đồng, tăng 6,0% so với ước thực hiện năm 2022.
Đối với ý kiến nguồn thu từ đất năm năm 2023 dự kiến còn tiếp tục khó khăn, Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển…
Để khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, chuyển công tác, cùng với công tác tư tưởng, tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Thành phố (với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng). Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND Thành phố đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để Thành phố được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ công chức của Thành phố.
Về phương án thu nợ và tháo gỡ cụ thể với khoản nợ 1.200 tỷ đồng của các quỹ nhà là tài sản công thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố. Trên cơ sở kết quả, phương án phân loại nợ, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đươc giao quản lý quỹ nhà triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy định và chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 258/KH-UBND ngày 04/10/2022.
Trong thời gian tới, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; Xử lý nghiêm, triệt để đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (đã có quyết định chủ trương, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao Chủ đầu tư nghiên cứu) đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án (đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm, dự án điều chỉnh nhiều lần). Kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra kết luận, UBND Thành phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được duyệt hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.
Đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện bổ sung Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Trong đó, đối với tài sản công là nhà, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 09 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố; đối với đất đai, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 05 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành liên quan rà soát bổ sung, hoàn thiện vào Đề án.