Trên trang web của Cục Thuế Hà Nội đã đăng tải thông tin về điểm mới của Luật Quản lý thuế với nhiều nội dung quan trọng, nổi bật như mở rộng quyền của người nộp thuế, kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân,…
Cụ thể, tại Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về quyền của người nộp thuế thì bên cạnh các quyền quy định tại Luật quản lý thuế 2006, nhiều quyền mới của người nộp thuế đã được bổ sung nhằm bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế như được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn; được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến Cổng TTĐT của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử...
Luật cũng quy định kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Quản lý thuế 2006, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm. Tuy nhiên, theo điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế (kéo dài thêm 1 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006).
Cùng với đó, Luật cũng bổ sung dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do đại lý thuế cung cấp; siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá...
Đặc biệt, lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế số 38 quy định các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt như: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại 2 trường hợp nêu trên, mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của luật này ...
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, nếu như trước đây Luật Quản lý thuế số 78/2016/QH13 chỉ quy định rải rác tại các Điều 18, Điều 26, Điều 28 và Điều 69 như nghiêm cấm công chức quản lý thuế gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế; thông đồng, nhận hối lộ, bao che cho người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế; sử dụng trái phép, chiếm dụng, chiếm đoạt tiền thuế; nghiêm cấm việc cho mượn, tẩy xoá, hủy hoại hoặc làm giả giấy chứng nhận đăng ký thuế... thì tại Luật Quản lý thuế số 38 vừa được thông qua đã có quy định riêng về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.
Thông tin chi tiết được quy định tại Điều 6 Luật này với các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thu; Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
Ngoài ra còn cấm những hành vi sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.
Thông tin tuyên truyền về Luật Quản lý thuế số 38 được Cục Thuế TP Hà Nội đăng tải chi tiết trên website của Cục Thuế tại địa chỉ http://hanoi.gdt.gov.vn.