Nhạc sĩ Lê Mây: Vẫn mãi tình yêu Hà Nội

Đặng Thủy| 29/01/2020 11:48

Căn nhà nhỏ rợp màu xanh lá của nhạc sĩ Lê Mây nằm trong làng Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Không khó để hỏi thăm đường vào nhà ông bởi với người dân nơi đây người nhạc sĩ “bỏ phố về làng” ấy chẳng mấy xa lạ. Với giới âm nhạc, Lê Mây cũng là gương mặt tên tuổi với nhiều ca khúc đã nằm lòng trong trái tim công chúng. Năm 2019, ông vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Nhạc sĩ Lê Mây: Vẫn mãi tình yêu Hà Nội
Với nhạc sĩ Lê Mây, cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa nếu thiếu đi âm nhạc. Ảnh: Đặng Thủy
Duyên nợ từ những thanh âm
Nhạc sĩ Lê Mây bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ những kỷ niệm thuở ấu thơ ở một làng quê của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên - nơi đã nhen nhóm tình yêu âm nhạc trong ông. Ông bảo, ngay từ lúc còn nhỏ ông đã sáng tác hò, vè, làm quản ca, tham gia hoạt động văn nghệ của trường. Hồi ấy mỗi khi làng xã có đám hiếu, hay có đoàn văn công về biểu diễn là ông lại trốn đi xem, say sưa nhìn các nhạc công kéo đàn. Thanh âm của các loại nhạc cụ dân tộc có một sức hút ghê gớm đối với cậu bé Lê Mây. Có lần được người chú ruột đi bộ đội về tặng cho chiếc đàn nhị, ông thích thú đến nỗi cắt cả phanh xe đạp làm dây đàn rồi lén cắt cả tóc mẹ mày mò làm tay kéo.

Năm 1960, khi là chàng thanh niên 18 tuổi Lê Mây đạp xe từ Hưng Yên lên Hà Nội thi vào Khoa Nhạc cụ dân tộc Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và ông là một trong những học sinh đỗ với điểm thi cao nhất. 4 năm sau đó ông cũng đỗ thủ khoa tốt nghiệp, rồi lên Yên Bái phụ trách dàn nhạc của Đoàn văn công Nghĩa Lộ theo tiếng gọi của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”. 

Nhớ lại quãng thời gian nơi núi rừng Tây Bắc, nhạc sĩ Lê Mây chẳng thể nào quên những ngày tháng trèo đèo, lội suối đi biểu diễn trong các bản làng; nhớ những buổi luyện xướng âm, lý thuyết về âm nhạc cho anh em trong đoàn… Cũng tại nơi ấy, những ca khúc đầu tiên ông viết đã được vang lên. Nào “Bài ca của người đốn gỗ”, “Ta đi trồng rừng”, “Pú Trạng ơi, máy bay rơi”, nào “Lão hoa đi tìm bò”, “Mẹ đảm con ngoan” rồi bản nhạc viết cho vở kịch “A Phồng”… 

Nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ chính chiếc nôi văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những làn điệu chèo, trống quân, quan họ và những năm tháng nơi núi rừng Tây Bắc đã vun bồi và ngấm vào trong ông từ lúc nào chẳng biết để rồi trở thành chất xúc tác cho các sáng tác âm nhạc sau này. 

Thành quả từ những say mê
Năm 1970, từ Tây Bắc trở về đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Lê Mây gắn bó với Nhà hát tròn 20 năm rồi lại rẽ lối sang kinh doanh. Chiếc đàn T’rưng mini ông sáng chế làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch đã giúp ông thoát cuộc đời của “anh nghệ sĩ nghèo”, có tiền in đĩa CD. Nhưng rồi duyên nợ với âm nhạc khiến ông quyết định dừng việc kinh doanh để trở lại với âm nhạc chỉ vài năm sau đó. 

Lê Mây bảo rằng, cuộc đời ông chẳng có ý nghĩa nếu thiếu đi âm nhạc. Đến với âm nhạc như một “định mệnh”, tình yêu với âm nhạc đã giúp Lê Mây có một gia tài đồ sộ gồm hơn 300 tác phẩm khá phong phú về đề tài. Ông viết về Bác Hồ, về quê hương Hưng Yên, về những vùng miền mình đã qua và gắn bó, về biển đảo Trường Sa, về trẻ em, về cuộc sống đời thường… rồi còn tham gia các cuộc thi viết ca khúc do các địa phương, các ngành, các hội phát động. 

Nhạc sĩ Lê Mây: Vẫn mãi tình yêu Hà Nội
Điểm lại những sáng tác của Lê Mây, có thể thấy ở đề tài nào ông cũng đều gặt hái được những thành công. Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh ông có tác phẩm “Người là Hồ Chí Minh”, viết cho trẻ em ông có bài “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, viết cho Trường Sa ông có chùm ca khúc: “Sóng gió Trường Sa”, “Tôi hát đảo Phan Vinh”, “Chuyện tình Trường Sa”, “Đảo chìm”, “Cây xanh trên đảo”, “Con tàu Titan”, “Ra biển”. Ngoài ra, ông còn ghi dấu với nhiều tác phẩm như:  “Lời ru của mẹ”, “Câu lý người thương”, “Bắc Ninh - Kinh Bắc”, “Hóa vàng”…

Với Lê Mây, nguồn cảm hứng sáng tạo dường như lúc nào cũng thường trực. Cũng bởi thế mà khi hưởng ứng các cuộc thi theo những định hướng và chủ đề khác nhau ông đều dễ dàng bật lên những ý tứ độc đáo thể hiện sự chắc chắn về “tay nghề” và  cả “kỹ năng”. Nhiều bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ đánh giá cao Lê Mây cả sức viết khỏe và khả năng sáng tạo dồi dào. Gần như chuyến đi thực tế nào ông cũng đều có tác phẩm ngay. Như chuyến đi Trường Sa năm 2010, chỉ trong 8 ngày ở đảo ông đã sáng tác được 7 ca khúc trong đó ca khúc “Chuyện tình Trường Sa” đạt giải thưởng của Bộ Quốc phòng, ca khúc “Đảo chìm” đạt giải Nhất cuộc thi “Đây biển Việt Nam”. Sự quyện hòa giữa chất dân gian bác học cùng với chất đương đại trong tác phẩm đã giúp cho Lê Mây định hình một phong cách sáng tác rất riêng, khó có thể trộn lẫn. Đây cũng chính là thành công của nhạc sĩ.

Vẫn mãi tình yêu Hà Nội
Nếu tính về thời gian thì nhạc sĩ Lê Mây đã có tới 50 năm sinh sống và gắn bó với Hà Nội. “Suốt cả tuổi trẻ của tôi trừ những năm tháng ở Tây Bắc, còn lại tôi đã gắn bó với Hà Nội. Với tôi, Hưng Yên là “cha sinh” còn Hà Nội cũng như “mẹ dưỡng”. Tôi thường khoe với mọi người tôi đánh giậm rất giỏi nhưng nhờ có Hà Nội mà tôi trở thành người đánh đàn” - nhạc sĩ Lê Mây dí dỏm chia sẻ.

Cũng bởi gắn bó và nặng lòng với Hà Nội mà ông đã có những ca khúc rất hay viết về Hà Nội trong đó nổi bật nhất là ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa”. Nếu như trong hội họa, các họa sĩ chỉ chấm phá đôi ba nét đã có thể bộc lộ được những hồn cốt của Hà Nội thì với âm nhạc Lê Mây cũng chỉ bằng hai nét tiêu biểu là “linh thiêng” và “hào hoa” đã phác nên một Hà Nội linh thiêng trong lịch sử, hào hoa trong nếp sống.

Nhạc sĩ chia sẻ, đây là ca khúc ông viết trong thời gian lâu nhất. Năm 1997, ông đã ấp ủ viết về Hà Nội nhưng chỉ viết được 4 câu thì đành gác bút. 3 năm sau khi tham gia trại sáng tác viết về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong giấc mơ ông bỗng thấy trước mắt mình một kinh thành sương khói huyền bí. Và rồi ông ngồi bật dậy lấy bút chép vội những ca từ đang “tuôn chảy”: “Ôi kinh thành ngàn năm ngàn năm/ Qua nắng mưa thời gian thời gian/ Qua bão giông đạn bom đạn bom/ Vẫn uy nghiêm rêu phong rêu phong Hà Nội/ Vẫn thơm hương từng trang từng trang Hà Nội”. Sau 30 phút, ca khúc được hoàn thành, ông gọi nhạc sĩ Vũ Thiết dậy nghe bài hát. Vũ Thiết nghe xong tấm tắc: “Thật tuyệt vời”. Ca khúc đó sau được nhiều nhạc sĩ tên tuổi biểu diễn và là một trong những ca khúc hay viết về Hà Nội.

Bên cạnh “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, viết về Hà Nội Lê Mây còn có các ca khúc: “Đêm thu Hà Nội”, “Quê hương ơi, Hà Nội ơi”, “Trăng về phố” (Huy chương vàng trong hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012), “Cà phê chiều Yên Phụ” (giải Nhất cuộc thi viết về Hà Nội năm 2014), “Những hàng cây trên đường Hà Nội” (giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2015), “Phía Tây thành phố” (giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2019). 

Nói về ca khúc “Phía Tây thành phố”, nhạc sĩ Cát Vận đánh giá đây là ca khúc đầu tiên viết về phía Tây thành phố, phản ánh không gian của Hà Nội mở rộng, thể hiện góc nhìn mới của tác giả. Tác giả Lê Mây chia sẻ, ông viết tác phẩm này để hưởng ứng  cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Viết về Hà Nội mới, Lê Mây không đi theo những lối mòn xưa cũ với những mái ngói thâm nâu, phố phường tấp nập, hay hồ Tây, hồ Gươm… Ông viết về ngôi nhà bình yên giữa làng quê phía Tây thành phố nơi đêm đêm có tiếng đàn ngân lên “gọi gió sông Hồng thổi tới”, “gọi gió sông Đà thổi tới” để từ đó tỏ bày tình yêu với Hà Nội. 

Tạm biệt nhạc sĩ Lê Mây ra về khi chiều đã đứng bóng, tôi vẫn như văng vẳng đâu đây giọng trầm bổng của ông khi ngân nga những giai điệu của bài hát “Phía Tây thành phố”: “Dù cho ai đi đâu về đâu/ Dù cho ai đi sang xứ người/ Tôi vẫn mãi tình yêu Hà Nội/ Tôi vẫn mãi phía Tây thành phố/ Vì nơi đó với tôi bao người thân thương/ Vì nơi đó với tôi đã thành quê hương”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Lê Mây: Vẫn mãi tình yêu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO