Nhà văn Từ Khôi: Muốn trả nợ bậc tiền nhân…

Miên Thảo (thực hiện)| 03/09/2018 18:03

Vừa mới trình làng tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ” vào cuối năm ngoái thì đến giữa năm nay nhà văn Từ Khôi tiếp tục giới thiệu đến đọc giả tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu”.

Nhà văn Từ Khôi: Muốn trả nợ bậc tiền nhân…
Nhà văn Từ Khôi

PV: Xem ra bút lực của anh đang rất dồi dào?

Nhà văn Từ Khôi: Nhìn vào mốc thời gian thì có lẽ ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng trên thực tế, tôi mất hơn 10 năm để hoàn thành tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ”. Bắt đầu viết từ năm 2004 và đến 2017 mới chỉnh sửa hoàn thiện và xuất bản. Còn 7 truyện ngắn trong tập “Đạo sắc màu máu” được tôi viết rải rác từ những năm 2005 đến nay. Truyện “Đạo sắc màu máu” viết gần đây nhất là vào tháng 1 năm 2018.

PV: Với  tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ”, có thể thấy anh đã dành rất nhiều tâm huyết cũng như băn khoăn để góp phần lý giải về vụ án hồ Dâm Đàm - vụ án xảy ra cách đây gần 1 thiên niên kỷ song vẫn còn là những bí ẩn?

Nhà văn Từ Khôi: Tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ” viết về nhân vật lịch sử đặc biệt thời Lý - Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông là vị tổ khoa bảng Việt Nam, đỗ đầu ở kỳ thi đầu tiên tại kỳ thi Minh Kinh Bác học năm Ất Mão 1075. Ông là người thầy dạy vua Lý Nhân Tông – một vị vua sáng và tài trí, cai trị đất nước ở thời thịnh trị. Ông là Thị Lang bộ binh (tương đương thứ trưởng Bộ Quốc phòng thời nay) trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Đặc biệt chỉ bằng tài ngoại giao trên đất Tống (trại Vĩnh Bình) mà ông đòi được đất của Tổ quốc đã mất về tay nhà Tống trước chiến tranh. Và chính vì công lao này mà ông được thăng lên chức Thái sư – chức quan cao nhất trong triều. Ở cương vị tối cao này, ông có điều kiện kinh bang tế thế với những cải cách lớn, táo bạo. Nhưng chính khi những cải cách đang nở rộ thì xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) năm Bính Tý 1096.

Nhà văn Từ Khôi: Muốn trả nợ bậc tiền nhân…
Vụ án hồ Dâm Đàm nêu rất ngắn gọn trong chính sử. Và lại rất mơ hồ, hoang đường. Làm sao có chuyện mưu giết vua đơn giản là học thuật hóa hổ để hại vua trên thuyền du ngoạn ở hồ Tây. Mà lại đơn phương một mình? Nhưng nó lại loại bỏ trên vũ đài chính sử một nhân vật kỳ vĩ. 

Nhân vật lịch sử Thái sư Lê Văn Thịnh lôi cuốn tôi từ rất lâu. Và có lẽ tôi có duyên với nhân vật lịch sử này khi cứ day dứt về những cứ liệu lịch sử có được. Không thỏa mãn nên tôi đi tìm hiểu. Tôi tập hợp tư liệu từ nhiều nguồn như sử sách, tư liệu điền dã, tư liệu sắc phong, văn bia… và đó là xương cốt để tôi xây dựng chân dung ông từ lúc sinh ra cho đến khi kết thúc cuộc đời. 

Ban đầu, tôi viết kịch bản phim tài liệu về ông, sau đó viết truyện ngắn “Hồ Tây có còn sương mù giăng” và sau đó là tập tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ”. 

Tôi say sưa về nhân vật lịch sử này, tôi không ngại mất thời gian và công sức để tìm hiểu. Đó là cái duyên hay cũng có thể là tôi muốn trả nợ bậc tiền nhân đã có công với nước nhưng bị mang tiếng oan, bị quên lãng…

PV: Cách viết cũng như tổ chức bố cục tùy bút “Vụ án Thái sư hóa hổ” của anh khá lạ khi không thuần nhất một thể loại cũng như yếu tố tư liệu chiếm phần lớn. Tại sao vậy? Và liệu rằng có khiến độc giả khó tiếp cận không?

Nhà văn Từ Khôi: Thể loại tùy bút cho phép tôi bay bổng hơn khi thể hiện các sử liệu, tư liệu và những phân tích của mình về nhân vật. Tôi cũng tìm cách diễn đạt sao cho độc giả dễ hiểu nhất chứ không quan tâm đến các thể loại. Chỉ cốt rằng độc giả đang đọc những tư liệu chuẩn xác mà tôi thu thập được và trình bày một cách khoa học. Còn việc tiếp cận dễ hay khó còn tùy thuộc vào sự yêu thích nhân vật lịch sử này hay không.

PV: Sang đến tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu” độc giả tiếp tục bắt gặp một Từ Khôi đầy suy tư trước cuộc đời chính trị đầy biến động của các bậc danh sĩ như Thái sư Lê Văn Thịnh, Thần Siêu, Thánh Quát  hay trước những mối tình lay động lòng người của danh sĩ Đặng Trần Côn, danh y Lê Hữu Trác. Nhất là độc giả lần đầu được hiểu sâu hơn về câu chuyện đi sứ Yên Kinh triều cống nhà Minh khi không chỉ xuất hiện Chánh sứ Giang Văn Minh mà còn có cả Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, Phó sứ Thân Khuê. Dường như với anh, lịch sử không phải chỉ để đọc thuộc mà trong đó luôn chứa đựng rất nhiều ẩn số cần được thế hệ sau lý giải? 

Nhà văn Từ Khôi: Tập truyện tuy không dày, các truyện ngắn chủ yếu viết về các nhân vật lịch sử quen thuộc, tuy nhiên truyện  ngắn “Đạo sắc màu máu” lại có những nhân vật mà đa phần mọi người chưa biết đến. Nhưng họ lại hy sinh vì nước rất kiên cường, hiên ngang để gìn giữ quốc thể trước nhà Minh. 

Thực tế, lịch sử nước ta rất nhiều câu chuyện hay và đáng tự hào. Lỗi không tìm hiểu hay tự ti dân tộc thì cũng là điều đáng buồn. Thuộc lịch sử chỉ là để học, để thi. Nhưng để say mê sử thì cần tình yêu Tổ quốc. Lịch sử ăm ắp những bài học nhưng người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học. Nếu yêu lịch sử, tìm hiểu lịch sử thì sẽ khám phá ra rất nhiều ẩn số, những câu chuyện hay. Hay vào hàng kinh điển của thế giới.

Truyện “Đạo sắc màu máu” viết về chuyến đi sứ của hai phái đoàn ngoại giao sang nhà Minh từ năm 1638 đến 1639. Trước nay, người ta chỉ biết đến sự hy sinh của Chánh sứ Giang Văn Minh. Nhưng trên thực tế, Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu và Phó sứ Thân Khuê cũng đều hy sinh trong dịp đi sứ đó. Khớp các nguồn sử liệu cho phép tôi khẳng định điều đó. Đặc biệt là đạo sắc năm 1640 của triều đình phong cho Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu đã được dòng họ Nguyễn Duy ở Thanh Lãng, Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc gìn giữ qua gần 400 năm. Tôi được biết đạo sắc này qua ông Nguyễn An Kiều – thứ nam họa sư Nam Sơn (người đồng sáng lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương) là hậu duệ của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu.
PV: Có thể thấy, cả “Vụ án Thái sư hóa hổ” và “Đạo sắc màu máu” rất dày dặn về tư liệu điền dã (cả hình ảnh và văn bản). Vậy để có thể trình làng đến độc giả gần như cùng lúc cả 2 cuốn sách này anh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu ra sao? Chắc chắn là anh đã tận dụng triệt để lợi thế là một cử nhân Hán học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như lợi thế là một nhà báo? 

Nhà văn Từ Khôi: Việc học và võ vẽ một chút ít ỏi về chữ Hán cho phép tôi có thể tiếp cận dễ dàng hơn người chưa học. Nhưng đó không phải là điều tiên quyết để tôi viết được hai quyển sách này, vì nhiều người giỏi chữ Hán lắm. Và như đã nói ở trên, tôi say sưa với các nhân vật lịch sử của dân tộc đã có nhiều cống hiến cho đất nước nhưng bị quên lãng hay ghi nhận chưa xứng tầm, hoặc có những góc khuất của kẻ sĩ cần nêu thêm.

Tôi viết về nhân vật lịch sử nhưng không theo lối dã sử. Tôi muốn viết về sự chân thực lịch sử. Vì vậy, nói có sách, mách có chứng. Nhưng cần yếu tố truyện để truyền tải và cũng vì là nhà báo nên tôi ảnh hưởng thêm lối viết đó khi sáng tác truyện ngắn, tùy bút.

PV: Viết truyện lịch sử nhưng gần như được anh bắt đầu từ ngày hôm nay. Cách viết này có khiến độc giả bán tin, bán nghi hay không? 

Nhà văn Từ Khôi: Lịch sử luôn sống cùng thời hiện đại, ảnh hưởng tới hiện đại. Đó là truyền thống và kế thừa. Dù ai đó muốn phủ nhận nhưng tổ tiên thì vẫn cứ là tổ tiên. Anh linh của tổ tiên tạo nên hồn thiêng sông núi. Mạch nguồn đó âm thầm chảy chỉ có điều ta có nhận ra không mà thôi. Và như đã nói, tôi không sáng tạo theo lối dã sử, chỉ viết sao cho người đọc cảm nhận sự chân thực của lịch sử. Bản thân sự chân thực đã là báu vật hơn tất cả sự hào nhoáng hư cấu.

PV: Xin cảm ơn anh! 
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Từ Khôi: Muốn trả nợ bậc tiền nhân…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO