Đọc tập thơ Đùa chơi mặt nạ của nhà thơ Vũ Xuân Hoát độc giả sẽ tìm thấy những hình ảnh, những biểu tượng chứa đựng những thông điệp đời sống trong từng trang viết.
Tôi phải thú nhận một điều rằng: viết một vài suy nghĩ về tập thơ của nhà thơ Vũ Xuân Hoát trong lúc này là việc chưa nên làm đối với tôi. Bởi sau khi đọc xong bản thảo lần thứ nhất rồi lần thứ hai, tôi thấy mình cần phải đọc nhiều lần nữa và đọc rất chậm. Cách tiếp cận thơ của ông trong tập này bằng con đường cảm xúc chỉ nên thực hiện lần thứ nhất. Còn lại những lần sau phải tiếp cận văn bản của các bài thơ theo rất nhiều phương pháp khác nhau. Điều thú nhận khác nữa là: thơ của nhà thơ Vũ Xuân Hoát không cho tôi đọc một cách dễ dàng bởi 3 lý do. Lý do thứ nhất là thơ ông khác biệt với tư duy sáng tạo thơ của tôi. Lý do thứ hai là mỗi bài thơ của ông là một tổ hợp những cấu trúc rất phức tạp. Lý do thứ ba là thơ ông khác với thơ mà lâu nay chúng ta vẫn đọc. Cả ba lý do trên đã loại bỏ toàn bộ thói quen tiếp cận các bài thơ của tôi so với trước đây.
Hầu hết những bài thơ trong tập thơ này được sáng tác trong khoảng ba năm trở lại đây. Điều ấy cho thấy một nỗ lực phi thường của nhà thơ. Trong nỗ lực phi thường ấy là những dày vò, vật vã, chiêm nghiệm, đau đớn, “tu luyện chữ”… để mở ra một không gian thơ hoàn toàn khác biệt với các nhà thơ khác và vượt qua một biên giới khổng lồ nhất là chính ông. Tôi nghĩ nhà thơ Vũ Xuân Hoát đang viết lại toàn bộ các bài thơ ông đã viết trước kia. Nghĩa là mọi vấn đề, mọi sự kiện và mọi quan hệ gia đình, xã hội và quan hệ vũ trụ của nhà thơ không có gì thay đổi và ông phải quan sát lại, tư duy lại và cấu trúc nghệ thuật lại toàn bộ các quan hệ đó. Ông đã khám phá ra những đặc tính mới, phẩm chất mới và vẻ đẹp mới từ tất cả những điều quen thuộc. Chính điều đó mà cá nhân tôi đã đón chào ông và bày tỏ sự kính phục ông.
“Ta khác giọng ta, lạc giữa xô bồ”. Đây là một câu thơ của ông. Đó cũng chính là tuyên ngôn của ông về một thời đại mới của sáng tạo nghệ thuật thi ca. Không có gì còn mới trên thế gian này ngoài đôi mắt của người nghệ sĩ. Có một thách thức rất lớn đối với các nhà thơ ở mọi thời đại là viết về những vấn đề xã hội cụ thể. Không ít các nhà thơ tìm cách tránh con đường này vì hai lý do: thứ nhất là họ không có bản lĩnh để cất tiếng một cách trung thực với lương tâm mình, thứ hai là họ không tìm được cách để thi ca hóa những vấn đề thời sự. Nhưng không phải nhà thơ nào có bản lĩnh cũng có thể thành công trong đề tài đó. Bởi nếu không tìm được ngôn ngữ thi ca hay khả năng triết lý hóa những “sự vụ” cụ thể thì họ sẽ trở thành một kẻ mô phỏng những “sự vụ” đó và có nguy cơ rơi vào cái hố “trào phúng” hay “châm biếm”. Chưa bao giờ, số lượng những bài thơ mang tính thời sự của nhà thơ Vũ Xuân Hoát lại nhiều như trong tập thơ này. Nhưng ông đã hóa giải được vấn đề vô cùng khó khăn này bởi cách nhìn những vấn đề đó của ông mang tính triết lý sâu sắc và sự sáng tạo hình ảnh và biểu tượng rất ám ảnh. Bạn hãy đọc tập thơ này và bạn sẽ tìm thấy những hình ảnh, những biểu tượng chứa đựng những thông điệp đời sống trong từng trang viết. Một câu thơ có thể làm ví dụ cho hàng trăm câu thơ trong tập. Đó là câu thơ viết về các diễn viên ba lê mà ông gọi là “Cây ba lê”: “Cây nghểnh sân khấu vườn điệu ba lê xòe vũ”. Một sáng tạo độc đáo và đẹp nhưng cũng phức tạp trong tu từ và chống lại thói quen đọc trước đó của người đọc trong đó có tôi.
Tôi không muốn trích các câu thơ, đoạn thơ và bài thơ hay trong bài viết bé nhỏ này, và cũng không thể trích bởi có khá nhiều trong tập thơ. Nhưng tôi muốn đặt vào đây trọn vẹn một bài thơ có tên Tình già. Một bài thơ viết về một điều rất cũ nhưng quá mới lạ, quá sáng tạo và ám ảnh tôi lạ lùng.
Tình già
Anh tìm em chiều xưa
Ngõ trơn màu rêu cỏ
Giờ bê tông rang mùa
Bóng lẻ về đâu ngỡ
Con chó đá gật ngủ
Canh ngày đêm trăm năm
Dẫu đổi khác mọi thứ
Trung thành nhìn xa xăm
Mái rạ chẳng còn nữa
Đàn mưa mờ bay đan
Khói châm một chấm nhớ
Vườn sau chờ hương tràn
Tóc bạc nửa đời rụng
In làng lên vầng nhăn
Chợt bà lão… lúng túng
Tình già trong băn khoăn…
Đây là thể thơ năm chữ, một thể thơ quá quen thuộc và có thể gọi là một thể thơ truyền thống. Nhà thơ Vũ Xuân Hoát viết không ít các bài thơ theo thể truyền thống như lục bát, năm chữ… trong tập thơ này. Nhưng ông đã đổi mới hầu hết các thể thơ đó mà Tình già là một trong những ví dụ xuất sắc nhất. Tất cả các câu thơ trong bài thơ này đều không khó khăn diễn ra văn xuôi, nghĩa là người đọc đều hiểu ý của các câu thơ và cả bài thơ. Hình thức của thể thơ năm chữ không bị phá vỡ chút nào. Nhưng nhịp điệu, ngôn từ, hình ảnh đã phủ lên toàn bộ bài thơ một ánh sáng mới. Ông đã làm ra ngôn từ mới cho một câu chuyện cũ và một thể loại cũ. Ông đã mang đến một đời sống mới, một tinh thần mới và một ánh sáng mới cho toàn bộ một thứ tưởng như chẳng có gì để làm cho nó thay đổi được. Đây thực sự là một cuộc cách tân đầy quyến rũ và thuyết phục. Và bạn đọc sẽ tìm thấy rất nhiều bài thơ như thế trong tập thơ.
Những câu thơ trong bài thơ này cũng như nhiều bài thơ khác xóa đi dấu vết, nhưng lối đi quen thuộc đã trở thành một con đường mòn trong tư duy của nhà thơ và trong thói quen đọc của độc giả. Nếu chúng ta đọc đối chiếu những bài thơ sáng tác trong những năm gần đây và những bài thơ của những thập kỷ trước của nhà thơ Vũ Xuân Hoát, chúng ta mới thấy được sự sáng tạo của ông đã có một bước ngoặt quan trọng như thế nào. Và bước ngoặt đó đặt ông vào một vị trí khác trong đời sống văn học đương đại.