Hóm hỉnh, thâm trầm nhưng đầy sâu sắc, nhà thơ Vũ Quần Phương vốn là một bác sĩ “đi ngang” vào văn chương.
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong phòng làm việc tại nhà riêng |
Ông đến với thơ một cách rất tình cờ. Nhà thơ kể: “Sáu tuổi, tôi mồ côi bố. Mẹ mang chúng tôi về quê ngoại, thuê nhà trọ trong làng Yên Phụ. Mẹ làm thợ nuôi chúng tôi ăn học vất vả lắm, nên từ bé tôi đã sống rất tằn tiện. Mười tuổi, tôi xa nhà đi trọ học. Ngay từ những ngày ấy, tôi đã thấm thía nỗi cô đơn. Có lúc thấy mình lủi thủi không có ai chia sẻ. Sự nghĩ ngợi đến với tôi từ rất sớm và có lẽ, đó cũng là cách tôi tìm đến thơ. Đó là khởi đầu cho những uẩn khúc trong tâm tư, tạo nên chiều sâu của tâm hồn tôi".
Ý thức được sự vất vả của cuộc sống, Vũ Quần Phương học hành rất nghiêm túc. Hết phổ thông, ông thi vào đại học Y Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc. Năm 1965, ông là sinh viên duy nhất của khóa được ở lại làm việc tại Bộ Y tế. Có một khởi đầu thuận lợi là thế nhưng nỗi đam mê với thơ cứ ám ảnh ông.
Năm 1969, nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông nên về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam để tập trung sáng tác. Ít nhiều có lưỡng lự, mãi tới năm 1972, ông mới dứt áo ra đi. Sự chậm trễ ấy làm ông mất cơ hội về Hội Nhà văn, phải chuyển sang Ban Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thời kỳ cả nước sục sôi kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, chương trình Tiếng thơ của đài thu hút hàng triệu người nghe, vì thế công việc của ông cũng rất bận rộn, vừa biên tập cho chương trình, vừa tham gia nói chuyện thơ, đi khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc phục vụ đồng bào và chiến sĩ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương có tài "điểm huyệt" văn chương, lột tả thần thái của bài thơ một cách chính xác và thuyết phục. Ông nêu ra được nhiều cái hay của tác phẩm, tác giả nhưng cũng rất tinh tế khi “mổ xẻ”, lấy ra những hạt sạn còn vương đâu đó trong thi phẩm. Có lẽ sự sắc sảo trong ông hiếm người sánh được.
Làm chương trình Tiếng thơ được 12 năm, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm biên tập ở Nhà xuất bản Văn học, rồi lần lượt làm Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam… Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà phê bình văn học xuất sắc, Vũ Quần Phương còn là một người cha có hai con trai đều nổi danh, thành đạt, làm rạng danh gia đình và đất nước.
Dấu ấn riêng trong sáng tác và bình thơ
Năm nay đã xấp xỉ tuổi 80 nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương trông vẫn khỏe mạnh và linh hoạt, nhất là khi nói đến thơ, ánh mắt ông lấp lánh đam mê. Gần nửa thế kỷ qua, vừa sáng tác thơ, vừa viết phê bình thơ, vừa đi nói chuyện thơ, phải có cái vốn liếng thơ, văn hóa thơ thâm hậu lắm ông mới có thể trường kỳ như thế được.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Huy Cận, 30-5-2019 |
Đọc thơ của Vũ Quần Phương, không ít người cho rằng vì ông thông minh sắc sảo nên thơ không bay và chữ không “đã”. Nhiều thi phẩm tài hoa nhưng vẫn có phần lạnh, bởi cái thần còn chưa thoát hết. Tôi không nghĩ như vậy.
Thơ ông trí tuệ, sâu sắc, bao giờ cũng có điều để chiêm nghiệm, suy ngẫm về tình người, lẽ đời, về các vấn đề của đời sống xã hội. Đúng như nhà thơ Phạm Khải từng nhận xét: “Là một nhà phê bình thơ có uy tín, lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều đối tượng bạn đọc thông qua các buổi nói chuyện thơ, Vũ Quần Phương đủ lịch lãm để biết điều hòa sao cho cân bằng các yếu tố "tình" và "lý", "nghĩ" và "cảm" trong quá trình sáng tạo của mình”.
Thơ Vũ Quần Phương luôn có cách nói bằng tứ, ngôn từ bình dị nhưng ý tưởng thâm thúy. Dường như ông đã dùng cách cảm của mình để nói giùm nỗi lòng của rất nhiều người, như bài "Đợi", "Áo đỏ", "Chiều", "Trước biển", “Cột thu lôi”… Đọc những bài thơ đã đi qua gần 50 năm, nhưng nhiều người vẫn cảm nhận được hơi thở của xã hội hiện đại trong đó.
Trong số khoảng 15 tập thơ và sách phê bình đã xuất bản, nhà thơ Vũ Quần Phương luôn có phong cách rõ nét. Đó là sự kiệm lời và chắt chiu câu chữ cho dù chỉ là một thi phẩm ngắn hay bài bình cho một bài thơ.
Vũ Quần Phương là một diễn giả thơ khá đặc biệt, có sự lôi cuốn kỳ lạ khi nói chuyện. Không say như Xuân Diệu, ông hóm hỉnh với những ví von, những ý tưởng sâu sắc qua những dẫn chứng phong phú, liên tưởng thông minh để lại cảm xúc sâu lắng cho người nghe. Ông không bao giờ phô diễn kiến thức của mình mà chỉ tâm sự, nhỏ nhẹ, đôi khi còn tỏ ra thắc thỏm với những vân vi trong lòng để mọi người cùng nghĩ. Bởi vậy, những cuộc nói chuyện thơ của ông luôn cuốn hút.
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong một chuyến đi thực tế |
Đến nay, ông có đến hàng nghìn buổi nói chuyện thơ trước đông người hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được bình chọn là một trong những nhà bình luận thơ đương đại xuất sắc nhất hiện nay.
Không chỉ làm thơ và bình thơ, ít ai biết được rằng, nhà thơ Vũ Quần Phương còn là một trong những người có sáng kiến tổ chức Ngày thơ Việt Nam hằng năm. Ban đầu, ông khởi xướng làm Ngày Thơ cho riêng Hà Nội, định tổ chức vào dịp 10-10, sau đó chọn tháng Giêng là tháng của lễ hội để làm. Đang phân vân chọn ngày thì nhà thơ Phạm Tiến Duật gợi ý làm luôn vào Rằm tháng Giêng vì có bài thơ "Nguyên Tiêu" của Cụ Hồ.
“Chúng tôi có bàn với anh Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, thì anh đồng ý. Hồi đó làm đơn giản lắm, chỉ tổ chức nói chuyện về thơ từ xưa đến nay, nói đến bài nào, tác giả nào thì cho người ra đọc. Tôi nhờ cô Bích Ba bên Đài Tiếng nói mang một êkíp sang ngâm. Sang đến năm thứ ba mới tổ chức quy mô. Anh Hữu Thỉnh cùng Hội Nhà văn đã đưa Ngày Thơ trở thành quốc lễ, có cờ Thơ, có nhiều nghi thức. Và đến nay, có thể nói Hội Nhà văn Việt Nam đã “cấy” thành công một lễ hội mới mang nội dung hiện đại thành một lễ hội văn hóa, một lễ hội tinh thần của mỗi người dân Việt, được công chúng hào hứng đón nhận” – nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Yêu Hà Nội sâu sắc
Những lần đến thăm nhà thơ Vũ Quần Phương, trong phòng khách xung quanh là những tủ sách được xếp ngay ngắn, câu chuyện của chúng tôi lúc nào cũng hướng về văn thơ. Vũ Quần Phương sống bằng những cảm xúc rất thật, tươi mới và chiêm nghiệm. Ông cũng thường kể cho tôi nghe về muôn mặt Hà Nội xưa.
“Hà Nội là quê mẹ tôi. Tôi ra đời và lớn lên, già đi ở đất này. Cảnh phố xá, nếp sinh hoạt Hà Nội đã thành nền tảng cho kí ức, đã nhập vào hồn vía vào tâm trí tôi. Vài mươi năm nay mừng vì nơi ăn, nơi ở bà con ta được cải thiện, nhiều chỗ ngang mức các thành phố tiên tiến trên thế giới, nhưng trong lòng lại có gì ngơ ngác, thấm thía buồn như người bị mất quá khứ. Nhiều nỗi nhớ trong lòng không còn nơi bấu víu ngoài đời. Hà Nội mất đi nhiều quá những dấu tích của Thăng Long, của Hà Nội cũ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương và vợ một sớm bên hồ Hoàn Kiếm |
Rặng ổi Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái. Nhỏ bé thế thôi mà sao lại thành hồn cốt của đất đai. Bàng Yên Thái thì từ khi tôi nhận biết đã không còn nhưng rặng ổi ven hồ Tây, theo đoạn đê từ Nghi Tàm lên Quảng Bá thì vẫn còn. Gốc dưới thấp, cành vươn lên tạo một tấm thảm, cành đan trong lá quả và mùi hương ổi, trải ngang với mặt đê. Kỳ ảo như cổ tích. Thơ Xuân Diệu, 1966, còn viết: “Giá hãy trẻ con trèo hái ổi/ Thì ta ăn hết một đê vừa”. Có lẽ nhờ bài thơ “Ổi Hồ Tây” ấy mà thành phố đã chọn đoạn đê này để đặt tên phố Xuân Diệu. Ấy vậy mà đến nay rặng ổi không còn dấu tích gì. Làng vườn húng Láng kia cũng vậy.“Đất quê lổm ngổm nhà lầu/ Đuổi cây húng Láng vào câu hát buồn”. Thôi thì đành chịu. Không thể cái gì cũng muốn. Muốn giữ cũ lại muốn xây mới. Nhưng phải tính, phải sáng kiến để lưu dấu vết cho lịch sử và trí nhớ con người. Hồn thiêng sông núi khởi sinh từ đấy chứ sao”...
Anh đứng trên cầu đợi em... |
Nhà thơ Vũ Quần Phương nói ông đang viết hồi ký của đời mình. Nhà thơ tâm sự, hiện ông đang học cách sống của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hãy sống hết mình với cuộc đời này ngay lúc này, bởi quá khứ đã qua, còn tương lai thì chưa ai biết được thế nào.
“Tóc xanh, tóc bạc không xanh lại
thì cứ hồn căng với gió mây
cứ đỏ màu sông, xanh sắc núi
cứ thâm u như cánh rừng dày”…
(Hành trình)
Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương |
Cũng như nhiều cặp vợ chồng trí thức có con cái phương trưởng, vợ chồng ông đang sống những ngày tháng yên bình, viên mãn. Với tuổi tác ấy, ông có thể dừng lại một cách rất “đẹp”, nhưng nhà thơ vẫn hăng say lao động, cặm cụi bên bàn làm việc từ sớm viết thơ, bình thơ và đi nói chuyện thơ. Ẩn chứa trong sức lao động miệt mài ấy là niềm đam mê, một tài năng và một bề dày văn hóa. Mong cho ông luôn giữ được sức khỏe, trí tuệ bền bỉ, và sự năng động trong cảm xúc để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định của mình.