Nhà báo Trần Mai Hưởng: “Dù thế nào ta cũng trở về với thông tin chân thực, văn minh, nhân đạo”
Chúng tôi gặp nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam – nhà báo Trần Mai Hưởng trong một chiều tháng Sáu, dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đã đến gần. Nhà báo chiến trường, vị tiền bối đã U80 vẫn rất tinh anh, chia sẻ: “Đôi khi thông tin trên mạng xã hội nhanh hơn báo chí, nhưng dù có thế nào, con người cũng luôn trở về với thông tin có giá trị, chân thực, văn minh, nhân đạo”.
Ngày nay làm báo có khi khó hơn thời chiến
Ngày đầu tháng 6/2024, nhà báo Trần Mai Hưởng vừa trở về Hà Nội sau chuyến chu du nước bạn Lào cùng vài người bạn bằng ô tô. Được một đồng nghiệp “mách”, chúng tôi gọi điện cho ông ngay.
Có lẽ đặt vào trị trí của phóng viên trẻ như chúng tôi, cũng như từng làm công tác quản lý cơ quan báo chí, nên khi chúng tôi ngỏ ý: “Cháu có thể gặp chú ngay chiều nay được không ạ?”, nhà báo Trần Mai Hưởng, đáp lời: “Ngay chiều nay à. Thôi được, 2 giờ chiều nhé, chú có thể ngồi với cháu khoảng hơn 1 tiếng, rồi lại có ít việc…”.
Nhà báo Trần Mai Hưởng là một cây bút sắc sảo, đã khẳng định được tài năng và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp báo chí. Ông là một trong những phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đã trực tiếp tác nghiệp ở Quảng Trị thời chiến “mùa hè đỏ lửa”, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, theo chân các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đến Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi chế độ độc tài Pol Pot đầu năm 1979, sau đó có mặt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới những năm 80…
Là phóng viên chiến trường, Trần Mai Hưởng đã chụp được những bức ảnh lịch sử, trong đó có bức ảnh xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ông cũng là nhà báo viết bài, đưa tin đầu tiên khi Huế, Đà Nẵng được giải phóng trong mùa xuân 49 năm trước.
Trở về sau chiến tranh, hoàn thành sứ mệnh “người chép sử trong lửa đạn”, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn coi đó là sự may mắn. Bởi lẽ, chỉ tính riêng Thông tấn xã Việt Nam, đã có hơn 260 liệt sĩ trong các chiến trường, trong các thời kỳ. Và với sự nỗ lực, học hỏi và phấn đấu không ngừng, nhà báo Trần Mai Hưởng sau đó trở thành người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam. “Thời chiến, tôi gọi những đồng nghiệp của mình là “những người chép sử bằng máu trong lửa đạn”, nhà báo Trần Mai Hưởng, chia sẻ.
Trao đổi về việc làm báo giữa thời chiến và khi đất nước đã độc lập, hòa bình có gì giống và khác nhau, nhà báo Trần Mai Hưởng nhận định, thời nào cũng có cái khó riêng. Trong chiến tranh, phóng viên chiến trường đối diện với mưa bom bão đạn, sự sống và cái chết mong manh. Chưa kể, trước kia, để viết được một bài báo đã khó, phát được một bài hoặc gửi một cuộn phim từ mặt trận về tòa soạn tại Hà Nội lại càng khó hơn, phóng viên có khi phải đi cả một ngày mới đến khu có điện đài. Bây giờ công nghệ phát triển, chỉ vài giây mọi việc đã xong xuôi.
“Nhưng cái khó của báo chí hiện nay chính là phải cạnh tranh cùng mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu, thách thức của nhiều loại hình thông tin và cả những cám dỗ của đời sống mà người làm báo phải đối diện”, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng, cho biết.
Dẫu vậy, thời nào người làm báo cũng phải cố gắng vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhà báo Trần Mai Hưởng, cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng người làm báo cần phải có, đó là: Tâm huyết, Bản lĩnh, Năng động. Tâm huyết là người làm báo phải hết lòng với công việc. Phải có bản lĩnh thì người làm báo mới đứng vững trước những thử thách, cám dỗ, thậm chí đem tính mạng, danh dự ra để bảo vệ chân lý. Và người làm báo cần sự năng động vì ngày hôm nay khác ngày hôm qua, thách thức hôm nay khác với hôm trước. Phải năng động, đổi mới để tờ báo, công việc phát triển hơn. Nếu không năng động, cứ làm theo cách cũ, đi theo lối mòn thì người làm báo không phát triển được.
Dù có thế nào, con người cũng trở về với thông tin chân thực, văn minh, nhân đạo
Vẫn xoay quanh câu chuyện về báo chí, nhà báo Trần Mai Hưởng đánh giá, người làm báo mỗi thời có nhiệm vụ của riêng mình. Những người làm báo thời chiến đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả trong “thời hoa lửa” thì những người làm báo trong thời công nghệ số, mạng xã hội phát triển vượt bậc hiện nay cũng vậy. Thậm chí, theo cảm nhận của nhà báo Trần Mai Hưởng, vẫn biết "mọi sự so sánh là khập khiễng" nhưng có khi người làm báo hiện nay còn đối diện với nhiều khó khăn, thử thách và phức tạp không kém thời làm báo của ông ngoài chiến trường.
Hàng tháng tôi vẫn viết và có in đôi bài báo. Tôi cũng đã in 3 tập thơ: “Lời người bán rong”, “Tuổi heo may”, “Trên đỉnh Ngọa Vân”. Bạn bè, đồng nghiệp có lúc gọi tôi là “nhà thơ” nhưng tôi chỉ nhận là người làm báo. Tôi có làm thơ nhưng đây không phải chuyên môn chính. Trước sau tôi vẫn là một nhà báo và tôi là một nhà báo yêu thơ, có làm thơ.
Nhà báo Trần Mai Hưởng
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đưa ra dẫn chứng, trước đây không có mạng xã hội nhưng ngày nay mạng xã hội rất phát triển, thông tin cũng đa chiều và nhiều khi ông như đang đứng trước “biển thông tin” trong nước lẫn quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa làm cho chúng ta có thể kết nối với thế giới mà mạng xã hội facebook là một điển hình.
Nhà báo Trần Mai Hưởng cho rằng, làm sao để báo chí chính thống hiện nay vẫn đảm bảo nhanh – đúng – trúng – hay để chiếm lĩnh được thị trường thông tin theo dòng chủ lưu là nhiệm vụ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội rất nhanh, trước cả báo chí. Tuy nhiên, nhà báo Trần Mai Hưởng khẳng định, dù có thế nào, con người cũng luôn trở về với những thông tin có giá trị, chân thực, văn minh, nhân đạo. Từ đó góp phần làm cho cộng đồng, xã hội hiểu đúng sự việc hiện tượng, tình hình đất nước, qua đó tạo sự đoàn kết, cùng nhau tiến lên. Theo ông, báo chí phải có thông tin đạt được sự tin cậy, đúng, trúng và khi trúng thì cần thêm “hay” vì chỉ đúng nhưng không hay thì cũng ít người đọc.
Nhìn nhận về những người làm báo trẻ hiện nay, nhà báo Trần Mai Hưởng tin tưởng các nhà báo trẻ sẽ làm tốt được nhiệm vụ của mình bởi nhiều yếu tố. Các nhà báo trẻ được đào tạo tốt hơn, sẵn tính thông minh, giỏi giang kể cả về kiến thức chung, nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật - công nghệ để tác nghiệp trong điều kiện thông tin toàn cầu hóa. Các nhà báo sẽ trẻ kế thừa, tiếp nối truyền thống, di sản của những người làm báo thế hệ đi trước, đồng thời người làm báo trẻ hiện nay sẽ phát huy các giá trị di sản ấy để đưa nền báo chí Việt Nam lên tầm cao mới, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.
Truyền đạt lại những kinh nghiệm về nghề báo cho phóng viên trẻ chúng tôi, nhà báo Trần Mai Hưởng nhấn mạnh, quan sát, cảm nhận, ghi chép trong quá trình tác nghiệp là một yêu cầu rất quan trọng của người làm báo. Đó là cơ sở cho những tác phẩm chân thực, chính xác, kịp thời, sinh động. Tất nhiên, để tác nghiệp hiệu quả còn có rất nhiều yêu cầu khác, trong đó, quan niệm sống, nhận thức về thiên chức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, tinh thần sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ là những yêu cầu hàng đầu.
“Bên cạnh đó, kỹ năng sống, khả năng thích nghi với điều kiện làm việc cũng rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi người phóng viên phải thường xuyên rèn luyện khả năng nghiệp vụ để viết tin bài, chụp ảnh trong thời gian nhanh nhất, nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng” - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Trần Mai Hưởng, chia sẻ./.