Cũng như các lĩnh vực khác, hiện nay, báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng đều không nằm ngoài sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bàn về câu chuyện này, nhà báo, nhà thơ Lương Ngọc An - Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ đã dành cho phóng viên báo Người Hà Nội cuộc trò chuyện thú vị.
PV: Xin ông cho biết hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động như thế nào đến báo chí văn nghệ nói chung?
Nhà báo Lương Ngọc An: Trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay, khi mà ở tất cả mọi lĩnh vực đều mang dấu ấn, thậm chí là chịu ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là của công nghệ thông tin, thì mỗi bước tiến của công nghiệp nói chung, của công nghệ thông tin nói riêng, đều có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, nếu như ở những cuộc cách mạng công nghiệp trước, sự ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, trong đó có đời sống báo chí và đời sống văn học, còn có những “độ trễ” nhất định, và bởi vậy mà đã có thời gian dài những thành tựu của cách mạng công nghiệp trở thành đối tượng phản ánh khá sinh động của báo chí và cả văn học; thì đến cuộc cách mạng lần thứ 3, với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, hai lĩnh vực văn chương báo chí của chúng ta thực sự đã chịu những tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trực tiếp bởi phương tiện, hình thức, tốc độ và cường độ của thông tin. Còn gián tiếp là bởi tư duy của con người sống trong xã hội với sự phát triển như vũ bão của công nghiệp như vậy chắc chắn sẽ có những thay đổi nhất định. Và sự thay đổi tư duy ấy, cho đến nay đã hình thành nên những thế hệ mới không thể chấp nhận được cách tư duy cũ nữa. Âu cũng là quy luật. Con người làm nên những thành tựu cho xã hội, nhưng cũng chính xã hội lại làm ra con người.
Ngược lại quãng thời gian trước đó, quãng thời gian của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Những người làm văn học, nghệ thuật khi ấy đã được chứng kiến sự tác động to lớn của khoa học công nghệ vào lĩnh vực hoạt động tưởng như hết sức đặc thù của mình, như một sự “giành giật thị phần”. Thậm chí ở nhiều lĩnh vực còn ra đời cả những loại hình nghệ thuật dựa hẳn vào công nghệ thông tin, từ hình thức đến nội dung và cách tư duy nữa… Điều này làm cho nhiều người chưa kịp tiếp cận cảm thấy ngộp thở. Còn nhớ trong những năm đầu của giai đoạn này, khi nói đến vai trò của công nghệ thông tin, có nhà khoa học đã nhấn mạnh: Sự ra đời của khoa học công nghệ lúc ấy có vai trò ngang hàng với hai ngành khoa học trước đó là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, để làm nên thế chân kiềng của đời sống... Mới mẻ là thế, lạ lẫm là thế, vậy mà bây giờ đã thành quen thuộc đến xưa cũ…
Trong tất cả những chuyển động ấy, tiếp cận và thụ hưởng với những mới mẻ tích cực của khoa học công nghệ, cũng như đối mặt với những hệ lụy của nó, báo chí luôn là đối tượng đi trước, còn văn học thì chậm hơn một nhịp, đúng với đặc thù và chức năng của nó, là tồn tại trong sự lắng đọng. Riêng báo chí văn nghệ, một mô hình giao thoa của hai lĩnh vực nói trên, thì lại có những con đường đi riêng, với những ảnh hưởng và tác động hết sức đặc biệt mà người làm báo cũng phải là người vững vàng trên cả hai chân, văn chương và báo chí, thì mới có thể bắt nhịp để đồng hành và tồn tại được trong chính cuộc sống đầy chuyển động này. Có thể nói, báo chí văn nghệ hôm nay, những ai còn lại để chuẩn bị đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) thì cũng có nghĩa là anh đã chiến thắng trong cuộc hội nhập và tồn tại của làn sóng mạnh mẽ và quyết liệt thời cách mạng công nghiệp 3.0 rồi. Đó thực sự là bước ngoặt của đời sống văn chương và báo chí hiện đại. Còn bây giờ thì cứ chuẩn bị hành trang mà bước tiếp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần này, theo định nghĩa của Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, sẽ là cuộc cách mạng “kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”, chắc chắn sẽ tạo nên những biến đổi lớn trong đời sống xã hội. Song tôi nghĩ đó là những biến đổi hoàn toàn nằm trong quy luật, chứ không phải là những đột biến. Vậy nên nó sẽ không tác động nhiều đến khả năng ứng biến của báo chí, lại càng không nằm ngoài nhiệm vụ đi tìm sự lắng đọng của văn chương. Tôi không tin một trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn con người trong sáng tạo văn học nghệ thuật, việc mà nó có thể làm rất tốt trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác. Có chăng chỉ là thêm một cách lao động, thêm một sân chơi, thêm một sự lựa chọn mới cho độc giả mà thôi... Phương tiện chúng ta đã được phổ cập, thông tin chúng ta đã được cọ xát để có khả năng chủ động ứng xử. Tư duy của chúng ta, những người làm báo, và của cả khách hàng của chúng ta, là bạn đọc, cũng đã được làm quen, được chấp thuận và cởi mở trong một thế giới đầy khả năng lựa chọn… Tất cả những thứ đó sẽ là sức vóc, là bền bỉ để chúng ta bước vào một thời kỳ công nghiệp mới.
PV: Vậy báo Văn nghệ đã có những giải pháp thích ứng như thế nào trước cuộc cách mạng này để vẫn có thể hưởng lợi mà vẫn hạn chế được những tác động không tích cực của cuộc cách mạng 4.0, thưa ông?
Nhà báo Lương Ngọc An: Báo Văn nghệ là một tờ báo có uy tín về văn chương. Song với lĩnh vực công nghiệp thì nó lại không phải là một tiếng nói đáng kể. Có chăng những thành tựu của khoa học và công nghiệp sẽ trở thành đề tài phản ánh của các tác phẩm mà Văn nghệ hướng tới. Mối liên hệ lớn nhất có lẽ là ở đó. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là Văn nghệ sẽ nằm ngoài những chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp lần này, nếu nhìn tờ báo ở góc độ là một bộ phận nhạy cảm của đời sống. Thế nhưng sự nhạy cảm xã hội cũng như tính dự báo của văn chương lại nằm ở chính bản thân mỗi nhà văn, với khả năng mẫn cảm đặc biệt của mình. Vậy nên nếu hỏi về một giải pháp thích ứng để vẫn có thể hưởng lợi mà vẫn hạn chế được những tác động không tích cực của một cuộc cách mạng công nghiệp, thì với vai trò của một người làm báo, chỉ có thể trả lời rằng chúng tôi luôn tin vào những giá trị hết sức tinh tế của văn học. Đó là những cảm xúc không lời của đam mê, là bước sóng vô hình lặng lẽ nối từ trái tim đến trái tim, là tiếng ngân tinh khôi của đời sống. Mà điều ấy thì chắc là không phải chỉ cuộc cách mạng công nghiệp lần này, mà vĩnh viễn không bao giờ và không cách gì thay thế được. Đó chính là mạch nguồn của văn chương, là thị phần của báo Văn nghệ, là sự tồn tại của chúng tôi. Rồi sau tất cả những hối hả tất bật của đời sống công nghiệp, chỗ người ta tìm về sẽ chính là những bình yên đó…
Còn nếu có điều gì cần thiết gọi là sự chuẩn bị, thì tôi cho rằng đó chính là con người. Báo chí nói chung, và báo Văn nghệ nói riêng, đang cần những con người thích ứng đến tận cùng trong cuộc sống của ngày hôm nay, nhưng phải biết nghe được những tiếng ngân của cuộc sống và sự rung lên của trái tim con người…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!