Đối chất với cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai rằng: "Anh Hóa từng đưa người của CNC đi nhiều hội thảo, giới thiệu với các lãnh đạo Bộ Công an... Anh Hóa nói đấy là ảo tưởng của tôi, cái này xúc phạm danh dự của tôi ghê gớm".
Ngày 21/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, HĐXX thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương. |
|
Phiên tòa nóng vì cuộc "đốp chát"
Tại phiên tòa chiều 20/10, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận CNC là công ty bình phong của C50, cũng như không biết CNC đang hợp tác cùng Công ty VTC online tổ chức đánh bạc. Đến sáng nay (21/11), ông Hóa tiếp tục khẳng định lại lời khai của mình.
Để làm rõ việc này, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất. "Ông trùm" đường dây đánh bạc Nguyễn Văn Dương khẳng định các lời khai của Nguyễn Thanh Hóa là sai. Bị cao Dương trình bày: Ban đầu Cục C50 chỉ có 30 người nên bị cáo Hóa nói rất cần hỗ trợ của các Công ty về nhân lực và phương tiện. “Chúng tôi dù ban đầu là Công ty nhỏ nhưng cũng cố gắng đáp ứng yêu cầu của các anh”, Nguyễn Văn Dương nói trước tòa.
Khẳng định về việc CNC được sự "chống lưng" của cựu Cục trưởng C50, bị cáo Dương khai rằng, Nguyễn Thanh Hóa từng đưa người của CNC đi nhiều hội thảo, giới thiệu với các lãnh đạo Bộ Công an và một lãnh đạo cấp cao đã nhận xét lực lượng C50 sẽ rất khó khăn nếu không có các Công ty như CNC. “Hôm qua anh Hóa nói đấy là ảo tưởng của tôi, cái này xúc phạm danh dự của tôi ghê gớm”, bị cáo Dương nói.
Tiếp tục trình bày: "Xin hãy xét xử tôi như một doanh nghiệp bình thường dù việc này khiến mức hình phạt của tôi có thể cao hơn... Quá trình hoạt động của tôi, mọi việc đều nhận chỉ đạo, có ý kiến của anh Hóa. Nếu như anh Hóa nói CNC không liên quan tại sao có văn bản của anh Hóa trao đổi với các đơn vị khác thể hiện là Công ty nghiệp vụ của C50. Tôi coi đây là sự xúc phạm danh dự với cá nhân tôi và tập thể của chúng tôi”.
Đối đáp lại, cựu Cục trưởng C50 nói không đồng ý với trình bày như vậy của bị cáo Dương. Theo ông Hóa, về mặt pháp lý giữa C50 và Dương chỉ có bản ghi nhớ, không có văn bản nào khác rằng buộc giữa C50 và CNC.
"Tất cả các báo cáo của CNC lên cục, chúng tôi không giải quyết việc kinh doanh, không can thiệp sự phát triển của Công ty”, bị cáo Hóa khẳng định.
2 bị cáo đối chất tại phiên tòa sáng 21/11. |
|
Cáo trạng xác định, Nguyễn Văn Dương khai từng cho C50 đúng 850 triệu đồng gồm 700 triệu đồng tiêu tết; 100 triệu đồng nghỉ mát; 50 triệu đồng cho các đoàn thể của C50; mua cho C50 một phần mềm diệt virut trị giá 30.000 USD; cho cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi, HĐXX hỏi về lý do không thừa nhận cầm tiền của Nguyễn Văn Dương nhưng vì sao lại nộp tiền khắc phục hậu quả? Trả lời việc này, bị cáo Hóa nói rằng, bị cáo muốn gánh trách nhiệm cho các cán bộ, nhân viên cấp dưới.
Nói về việc vợ mình đã nộp 700 triệu đồng vào cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả, ông Hóa trình bày: “Liên quan đến số tiền anh Dương hỗ trợ tiền Tết cho tập thể C50, tôi nhận trách nhiệm. Tiền đã cho anh em rồi không thể lấy lại nên tôi nghĩ với trọng trách là người đứng đầu, để giữ uy tín, hình ảnh cho người lãnh đạo nên tôi bảo vợ tìm mọi cách vay mượn để có tiền nộp vào cơ quan điều tra”.
Hàng loạt cán bộ công an bị triệu tập đến tòa
Trong phiên xử sáng 21/11, HĐXX quyết định triệu tập một loạt cán bộ công an thuộc Cục C50, PC50 Công an TP Hà Nội và Tổng cục Cảnh sát (cũ) tới tòa với tư cách người làm chứng...
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương hỏi bị cáo Hóa có mâu thuẫn gì với những người làm chứng nói trên hay không? Ông Hóa khẳng định không có mâu thuẫn gì vì không biết những người này, ngoại trừ ông Lê Anh Tuấn (là cấp phó của ông Hoàng Xuân Phóng - nhân chứng được triệu tập chiều 20/11).
Tại tòa, ông Lê Anh Tuấn nói được giao phụ trách điều tra mảng cờ bạc liên quan game online và đã phát hiện dấu hiệu đánh bạc núp bóng game bài Rikvip/TipClub. Ô Tuấn cũng đề nghị trình chiếu bản lời khai ở cơ quan điều tra bởi thời gian lâu nên không nhớ chi tiết.
Trả lời đặc điểm nhận biết đây là game đánh bạc, ông nói vì có việc tổ chức cho người chơi tham gia đánh bài, ăn thua. Còn người chơi lấy tiền bằng cách nào, ông đề nghị VKS nghiên cứu hồ sơ trong phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa sáng 21/11. |
|
Ông Tuấn trình bày, cùng ông Hoàng Xuân Phóng (Trưởng phòng 2) và Phó Cục trưởng C50 Đỗ Anh Tuấn đã tới báo cáo trực tiếp với cục trưởng Hóa. "Khi đó, ông Hóa khẳng định game không vi phạm đánh bạc, đó là game của công ty bình phong phục vụ hoạt động nghiệp vụ của Cục, sẽ xin để cấp phép phục vụ nghiệp vụ", ông Tuấn trình bày.
Để biết game bài có được cấp phép không, ông Tuấn không trực tiếp đối chiếu với Bộ Thông tin Truyền thông (cơ quan cấp phép) mà qua báo cáo của cán bộ Nguyễn Xuân Trọng.
HĐXX xét hỏi nhân chứng Nguyễn Xuân Trọng (cán bộ Cục C50). Ông Trọng cho biết, từ tháng 10/2015, khi rà soát trên mạng, ông phát hiện game RikVip có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ông Trọng đã báo cáo với Trưởng phòng Hoàng Xuân Phóng.
Ông Trọng khai qua các lần liên hoan của Cục, ông có biết CNC. Cá nhân ông biết CNC có mối quan hệ kết nghĩa và có nghe CNC là công ty bình phong của C50. “Tôi không nhớ rõ, khoảng thời gian 2014 - 2015, các cán bộ chiến sĩ truyền tai nhau”- ông Trọng nói thêm.
Theo ông Trọng, thời điểm đó ông đã đề xuất Lãnh đạo Cục cho phép được dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập thông tin. Trưởng phòng nói sẽ báo cáo lãnh đạo Cục. Sau đó ông Phóng nói đã báo cáo lãnh đạo Cục, chờ lãnh đạo Cục xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Bộ…
Về tên game bài, ông Trọng nói, thời điểm cuối 2015, có thể nó là RikVip hoặc Tip,Club… "Qua quảng bá, đây là game bài. Tôi đã cài và chơi thử. Nó mô phỏng casino. Thời điểm đó, tôi khẳng định game đó chưa được cấp phép, nhân chứng Nguyễn Xuân Trọng nói.
HĐXX hỏi về lý do vì sao biết game bài không có phép? Theo ông Trọng, quá trình làm việc, có trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông biết được danh sách các game được cấp phép ở Việt Nam. Và game này có thể đổi thưởng ra thẻ cào hoặc tiền mặt...