Đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) khẳng định vai trò của các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng nói riêng. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai về giải pháp khi di tích bị biến dạng sau trùng tu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã phân cấp nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo thì do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích.
Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ VHTT&DL đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.
Đại biểu Điều Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) tranh luận về các giải pháp khắc phục thực trạng di tích xuống cấp và giải pháp nhằm khuyến khích phát triển ngành du lịch.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, việc quy hoạch và bảo quản, tu bổ, tôn tạo, khoanh vùng cắm mốc khu vực bảo vệ di tích sau khi đã hết hạn ở các địa phương còn rất chậm như nhận định của Bộ trưởng, và nhiều di sản văn hóa có giá trị, có nguy cơ bị xuống cấp do thiếu nguồn lực, kinh phí tu bổ.
Đại biểu cũng chỉ rõ một thực trạng nữa là xâm hại di tích xảy ra phổ biến ở các di tích chưa được xếp hạng thì chưa được Bộ trưởng đề cập đến và vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, đặc biệt là những dự án tu bổ di tích từ ngường vốn xã hội hóa. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới như thế nào để nhằm khắc phục thực trạng di tích xuống cấp và sẽ trở thành phế tích, thậm chí mất tích?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang về cơ chế thu hút cho đầu tư vào tôn tạo di tích, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sẽ sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.
Đầu tư nguồn lực cho công tác tu bổ, phục hồi di tích đặc biệt
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn tỉnh Bến Tre), thời gian qua các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị. Do đó, đại biểu hỏi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích?
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang có tiềm năng, thế mạnh về du lịch khi lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, danh thắng. Đại biểu cho biết, trong những năm qua, những di tích này đã phát huy giá trị văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, tổng thể các di tích lịch sử cách mạng danh thắng này chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có để khai thác, phát triển du lịch; liên kết phát triển du lịch trong vùng còn hạn chế, chưa có nguồn lực đi kèm.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò, định hướng, giải pháp của Bộ VHTT&DL trong quy hoạch, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, trong đó có phát triển du lịch văn hóa, lịch sử sinh thái, trải nghiệm với bề dày truyền thống lịch sử hào hùng và một nền văn hóa đa dạng bản sắc dân tộc?
Trả lời câu hỏi về tôn tạo di tích chiến khu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định di tích lịch sử cách mạng là vấn đề được Bộ rất được quan tâm. Mới đây an toàn khu Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã đề xuất lên Chính phủ và Chính phủ đã có Quyết định để phê duyệt, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch để bảo quản, tu tồn, tôn tạo di tích. Thời gian tới, chính quyền địa phương sớm thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi có nguồn lực được phân bổ thì địa phương sẽ triển khai tổ chức thực hiện.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về môi trường du lịch, gắn môi trường văn hóa, gia đình và đạo đức xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch những vấn đề về môi trường đã đặt ra và cũng có những quan ngại. Tại các khu du lịch đều có quy chế hoạt động và trách nhiệm của địa phương nhiệm phải đánh giá đầy đủ tác động, có cho phép hay không cho phép, lúc nào thì được làm và làm ở cấp độ nào; đồng thời phải cùng với du khách và các cơ sở đó phải chăm lo bảo vệ môi trường để đảm bảo được môi trường sinh thái.
Nêu rõ, trách nhiệm không thuộc lĩnh vực của Bộ mà thuộc các địa phương, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đơn vị nắm được tinh thần này để phát triển nhưng không đánh đổi đến cảnh quan thiên nhiên.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận. Trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng là do địa phương sở tại quản lý.
Bộ trưởng thông tin, ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ VHTT&DL điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước. Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của T.Ư và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.