Người “xây” Nhà lưu niệm Bác Hồ

Theo Hà Nội Mới| 14/05/2020 09:09

Như mọi người dân Việt Nam, ông Trần Văn Cao (thôn 2, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) có cách làm riêng để thể hiện tình yêu, niềm tôn kính của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Sau 30 năm sưu tầm, lưu giữ những bức ảnh tư liệu về Người, đầu năm 2020, ông Trần Văn Cao cho ra mắt không gian lưu niệm Bác Hồ tại nhà riêng, với mong muốn nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, lịch sử ý nghĩa cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ.

Người “xây” Nhà lưu niệm Bác Hồ

Ông Trần Văn Cao (người đội mũ) giới thiệu với bà con xã Đại Yên hình ảnh trong không gian Nhà lưu niệm Bác Hồ.

30 năm, 300 bức ảnh tư liệu Bác Hồ

Trước khi nghỉ hưu, trở về quê hương Đại Yên (huyện Chương Mỹ) sinh sống, ông Trần Văn Cao có hơn 20 năm công tác trong ngành Thủy lợi, với gần 10 năm làm việc tại nước bạn Lào. Những nỗ lực trong công tác đã mang về cho ông danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” của ngành năm 1968, đi kèm với đó là phần thưởng tập ảnh gồm 21 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu dấu suốt chặng đường hoạt động cách mạng của Người. Phần thưởng quý giá ấy không chỉ là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời công tác, mà còn thôi thúc ông hình thành bộ sưu tập hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, nhằm thể hiện tình cảm của người con với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Giải thích về niềm đam mê, nỗi mong mỏi của mình, ông Trần Văn Cao nói: “Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho tình yêu nước nồng nàn. Chỉ có tình yêu, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc lớn lao mới có thể làm nên những điều phi thường mà Bác đã dành cho Tổ quốc. Yêu Bác và mong muốn thể hiện sự tôn kính với Người, tôi quyết định sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhất là sau khi nghỉ hưu, tôi càng nỗ lực thực hiện cho được tâm nguyện này”.

Từ năm 1990, ông Trần Văn Cao bắt đầu tập trung tìm kiếm thêm nguồn ảnh tư liệu về Bác Hồ. Những khi rỗi việc, ông Cao dành thời gian tìm kiếm thông tin, sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác, rồi đến tận nơi xin được sao chép lại. Ông kể: Có nhiều tấm ảnh rất khó tìm, lại là kỷ vật của gia đình nên phải thuyết phục rất nhiều mới mượn được để mang đi in, sao. Nhưng cũng có không ít bức ảnh, gia chủ tự nguyện tặng lại vì thấy người sưu tầm tha thiết quá. “Cứ thế, bộ sưu tầm ảnh về Bác của tôi, sau nhiều năm đã lên tới 300 bức, trong đó mỗi hình ảnh có được là một kỷ niệm, một cơ duyên cho bản thân trong hành trình tìm kiếm tư liệu về Người”, ông Trần Văn Cao nói.

Mỗi bức ảnh mang về, ông Trần Văn Cao đều ghi chú cụ thể, tỉ mỉ mốc thời gian sự kiện. Ông cũng dành nhiều công sức tìm hiểu câu chuyện đằng sau bức ảnh..., để chuỗi tư liệu cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đầy đặn, sâu sắc thêm. Nhiều câu chuyện khiến ông xúc động, bất ngờ về tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Giống như câu chuyện “Bác có phải là vua đâu?” cùng tấm ảnh Bác về thăm quê hương Nghệ An, động viên bà con xã Vĩnh Thành năm 1961; hay câu chuyện “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai?”, gắn với những bức ảnh Bác Hồ đến chúc Tết các gia đình nghèo ở Thủ đô Hà Nội...

Luôn có Bác trong tim

Sau nhiều năm sưu tầm, tìm kiếm hình ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác đã ngấm sâu từng nếp nghĩ của ông Cao. Ông Cao bày tỏ, hàng trăm bức ảnh ông lưu giữ được, từ Bác Hồ tới thăm lớp học vỡ lòng phố Hàng Than, Hà Nội; Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch biên giới; Bác Hồ kéo lưới cùng ngư dân vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, đến Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê... là hàng trăm câu chuyện sâu sắc về Người. "Càng tìm hiểu, tôi càng xúc động và say mê với hành trình của mình, mong muốn chia sẻ cùng cộng đồng những tư liệu đã sưu tầm được, để mọi người có thể tìm hiểu, học tập về tấm gương của Bác", ông Cao tâm sự.

Nghĩ là làm, cuối năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục sưu tầm, tìm kiếm hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cao dành công sức, tiền của sửa chữa, chỉnh trang lại toàn bộ không gian tầng 3 nhà ở của mình để làm nơi trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh đã sưu tầm được. Ở đó, những hình ảnh về Bác được ông Cao lồng trong khung kính trang trọng, sắp xếp theo từng chặng đường, mốc sự kiện, từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi yên nghỉ trong lòng dân tộc.

Việc làm ý nghĩa của ông Trần Văn Cao nhanh chóng được cộng đồng ghi nhận và ủng hộ. Ông Nguyễn Trung Phồn (thôn 2, xã Đại Yên, Chương Mỹ), cho biết: "Là hàng xóm, tôi rất ủng hộ “dự án” ý nghĩa của ông Cao, thường xuyên đóng góp ý tưởng, hỗ trợ ông hoàn thành tâm nguyện".

Sau nhiều tháng, công trình Nhà lưu niệm Bác Hồ của ông Trần Văn Cao đã hình thành, trước dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Để công trình đến gần hơn với công chúng, ông Cao dày công hình thành sử ký bằng thơ và văn xuôi kể về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tích cực mời các tổ chức đoàn thể, các trường học ở địa phương tới tham quan; sẵn sàng làm hướng dẫn viên, kể chuyện cũng như giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của người xem. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Yên Nguyễn Thị Hồng, bày tỏ: “Khi ông Trần Văn Cao ngỏ ý muốn phối hợp giới thiệu với học sinh trong trường về không gian lưu niệm Bác Hồ, nhà trường rất trân trọng việc làm ý nghĩa của ông và đã tổ chức cho học sinh tới tham quan, học tập. Khác với những điểm tham quan truyền thống khác, không gian lưu niệm Bác Hồ do người dân tự nguyện thực hiện, có sức lan tỏa, tác động rất lớn với thế hệ trẻ”.

Học sinh Nguyễn Đức Anh (Trường Trung học cơ sở Đại Yên) bộc bạch: “Được xem nhiều hình ảnh về Bác, nghe ông Cao kể những câu chuyện đằng sau bức ảnh, chúng em thấy rất cuốn hút và càng thấm thía hơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nước nhà. Không gian lưu niệm Bác Hồ do ông Cao tạo dựng đã giúp chúng em thấy rõ hơn trách nhiệm của mình phải luôn phấn đấu thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”.

Không chỉ được cộng đồng khen ngợi, tâm huyết, nỗ lực của ông Trần Văn Cao cũng đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận bằng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố Hà Nội năm 2020. Ông cũng được mời tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 12-5 vừa qua nhằm biểu dương các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên Đặng Tiến Hoàng khẳng định: Không gian lưu niệm về Bác của ông Trần Văn Cao là minh chứng sống động cho chân lý Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đồng thời là công trình ý nghĩa tại địa phương góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Người “xây” Nhà lưu niệm Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO