“Người truyền lửa” của đồng bào dân tộc Dao Ba Vì

Đăng Chung| 19/10/2018 15:19

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lý Văn Phủ - người dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) còn được biết đến là một trưởng thôn năng nổ, đầy trách nhiệm, đi đầu trong thực hiện nếp sống mới, tham gia hiến đất làm đường, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

 “Giữ lửa” truyền thống

Dáng người đậm khỏe khoắn, giọng nói điềm đạm, hài hước mà tinh tế, cộng với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, dễ mang lại niềm cảm mến, giúp ông Lý Văn Phủ có thể “làm bạn” với bất kỳ ai.

36 năm trước, chàng trai Lý Văn Phủ bằng tài năng và sức trẻ, đã được nhân dân, chính quyền địa phương tín nhiệm bầu vào Ban quản lý HTX Yên Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) với cương vị là Đội trưởng điều hành công việc. Suốt 2 nhiệm kỳ (1982 - 1983) dù ở cương vị, công việc nào anh cũng luôn hoàn thành suất sắc  nhiệm vụ, được tổ chức tin tưởng, nhân dân yêu mến. 

“ Người truyền lửa” của đồng bào dân tộc Dao Ba Vì
Ông Lý Văn Phủ chia sẻ niềm vui trên con đường mới khang trang sạch sẽ của thôn Yên Sơn. Ảnh: Đăng Chung. 
Mở đầu câu chuyện, ông Phủ bảo, gia đình mình là người Dao, sinh sống nhiều thế hệ tại địa phương. Từ thuở bé, ông đã tiếp xúc và được các lão niên truyền cho những kiến thức cơ bản về văn hóa của dân tộc mình thông qua những nghi lễ, trang phục, chữ viết, điệu hát… 

“Các cụ dạy, nếu những nghi lễ, chữ viết hay trang phục truyền thống của dân tộc bị mai một sẽ làm mất đi giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của người Dao. Bởi vậy, việc giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, phải dạy lại cho các con, các cháu những nghi lễ cần thiết của dân tộc mình để lưu giữ và làm theo…” - Ông Phủ kể.

Theo ông Phủ, trước đây ở nhiều vùng đồng bào dân tộc Dao và cụ thể là ở xã Ba Vì, việc học chữ Nho gần như là bắt buộc đối với nam giới. Vì theo phong tục của người Dao, khi nam giới tới tuổi sẽ được cấp sắc, ghi nhận sự trưởng thành, đồng nghĩa với việc người đó phải biết đọc thông, viết thạo chữ Nho. Chính bởi sự tâm huyết và tình yêu với chữ Nho nên ông Phủ được người dân trong vùng ví như “người truyền lửa” trong cộng đồng. Hơn 40 năm, ông Phủ thường ghi lịch, viết bài cúng, bài thuốc và viết câu đối bằng chữ Nho, phục vụ cho các hoạt động, nghi lễ của dân tộc mình. Đặc biệt, ông Phủ còn thường xuyên dạy con trai, cháu viết chữ Nho…

Cùng với đó, ông Phủ cũng chủ động tuyên truyền, vận động con em và nhân dân trong thôn tích cực học tập văn hóa, duy trì bản sắc dân tộc như học chữ Nho, thêu ren theo cách truyền thống của người Dao, khi có lễ hội đều mặc trang phục của dân tộc mình. “Với tinh thần xây dựng đời sống văn hóa, chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm, giảm thời gian, bỏ các hủ tục không cần thiết… khi hành lễ” - Ông Phủ cho hay.

Từ khi giữ cương vị trưởng thôn, ông Phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến để xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tình trạng bạo hành gia đình, trọng nam - khinh nữ, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ kỳ thị giàu, nghèo, đoàn kết cùng các dòng họ khác trong thôn… Ông còn tham gia vận động người dân thực hiện lối sống tiết kiệm, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân mà vẫn giữ được những nét đặc trưng của dân tộc mình.

Làm giàu trên quê hương

Không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng là một trưởng thôn mẫn cán, người có uy tín tiêu biểu của dân tộc Dao, ông Lý Văn Phủ còn được biết đến là người làm kinh tế giỏi, tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường; tham gia hiến đất, ngày công xây dựng nông thôn mới... 

Với địa hình vùng núi, đất đai cằn cỗi, nguồn nước không chủ động, mùa mưa lũ quét, mùa đông khô cạn, đi lại khó khăn nên người dân quanh năm làm lụng vất vả nhưng nhiều khi vẫn thiếu ăn, ông Phủ ngày đêm trăn trở tìm lối đi riêng để phát triển kinh tế gia đình và tạo điều kiện giúp bà con trong thôn có việc làm, tăng thu nhập. 

Nhận thấy Yên Sơn có tiềm năng về đất đai, lại có truyền thống làm và trồng cây thuốc Nam, nên ý nghĩ phát triển kinh tế thành khu vườn thuốc Nam kết hợp với kinh tế đồi rừng đã giúp ông Phủ cùng nhiều bà con vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Nói về quá trình phát triển kinh tế, ông Phủ kể, ngoài các khu vườn thuốc Nam được trồng gần nhà, ông còn trồng xen các loại cây thuốc Nam với cây nguyên liệu như bạch đàn, keo, luồng… để tận dụng nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng cây trồng cung ứng cho thị trường.

Từ năm 2008, với nguồn vốn tích lũy được trong khai thác cây nguyên liệu và cây thuốc Nam, ông Phủ bắt đầu chuyển sang hướng cung cấp thuốc Nam cho thị trường, tham gia các hội chợ, phát triển các mô hình kinh tế về sản phẩm cây thuốc Nam gia truyền mang lại hiệu quả cao. 

“Những năm gần đây, mỗi năm gia đình tôi thu được 350 đến 400 triệu đồng từ việc trồng và làm thuốc Nam từ đó nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương; Trở thành gia đình điển hình trong thi đua lao động, sản xuất giỏi của xã…” – Ông Phủ cho biết. Với những đóng góp của mình, ông Phủ đã nhiều lần được cấp ủy chính quyền địa phương giới thiệu tham dự hội nghị về người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp thành phố lẫn Trung ương.

Ông Phủ tâm sự, hiến đất làm đường giao thông nông thôn là một việc làm rất có ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới. Trong gia đình, ngoài ông từng làm trưởng thôn, vợ và các con của ông đều tham gia công tác xã hội. Cả gia đình cùng chung suy nghĩ làm những gì tốt nhất có thể vì tương lai phát triển chung của thôn xóm, mong muốn cho quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.

Nhận thấy một số đoạn đường ngõ trong thôn rất hẹp, khuất tầm nhìn nên người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, gia đình ông Phủ đã hiến hơn 400m2  đất thổ cư để mở rộng đường mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Gia đình ông còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi để đội thi công sớm hoàn thành con đường.

Ông chia sẻ: “Tôi đã vận động nhân dân đóng góp và xây dựng được tuyến đường giao thông tại thôn và các ngõ xóm. Đất đúng là quý thật, nhà tôi cũng không giàu có gì, nhưng cứ nghĩ đến việc đóng góp của mình là để cho dân làng thuận lợi giao thông, tránh tai nạn, bất an nên chúng tôi cũng chẳng tiếc. Đường làng rộng rãi, thông thoáng, sạch sẽ hơn, vậy là vui rồi...”.

Giao thông thuận lợi đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, từng bước giúp người dân thôn Yên Sơn vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo, chung sức cùng xã Ba Vì phấn đấu cán đích nông thôn mới. Riêng thôn Yên Sơn đã tạo thành phong trào hiến đất làm đường, phát triển nghề thuốc Nam gia truyền, góp phần đưa diện mạo nông thôn đổi mới. “Ông Lý Văn Phủ là một tấm gương sáng trong công tác dân tộc và là cán bộ mẫu mực cho thế hệ trẻ học tập, làm theo…”, bà Lý Thị Lân - Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì cho hay.

Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết,  gần 100% người dân của xã là người dân tộc Dao. Ông Lý Văn Phủ được xem là tấm gương sáng trong cộng đồng người Dao ở địa phương về uy tín và phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Việc làm tự nguyện của ông Phủ cũng đã tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, biết hi sinh lợi ích riêng để hướng tới sự phát triển chung của địa phương. 

Với những đóng góp trong công tác xã hội, nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, ông Lý Văn Phủ đã liên tục được UBND xã Ba Vì, UBND huyện Ba Vì, lãnh đạo TP. Hà Nội tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Người tốt - Việc tốt”. Năm 2017, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Bộ Y tế thu hồi toàn quốc 2 loại kem đánh răng phổ biến trên thị trường
    Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem đánh răng do Công ty TNHH Phát Anh Minh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
  • Công khai địa chỉ, đường dây nóng tại các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường
    Ngày 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công (UBND thành phố Hà Nội) ban hành Thông báo số 195/TB-TTPVHCC công khai các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường, các chi nhánh thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công và thông tin đường dây nóng hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
“Người truyền lửa” của đồng bào dân tộc Dao Ba Vì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO