Người mẹ của những thiên thần không may mắn

Thanh Luận| 16/05/2017 15:15

Chưa có bảng hiệu mang tên trường lớp nhưng trong không gian căn nhà cấp 4 tại đường Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, Tp. Pleiku đầy ắp tiếng cười nói bi bô. Tiếng hát, tiếng nói ấy đang từng ngày vang ra từ lớp học dành cho hơn 50 trẻ em khuyết tật hay còn được gọi thân yêu là lớp học dành cho những thiên thần không may mắn của mẹ Hồng…

Tiếng hát trẻ khiếm thị đánh thức trái tim yêu thương

Lớn lên ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, ngay từ nhỏ Phạm Thị Hồng đã ấp ủ ước nguyện sẽ trở thành một giáo viên vừa chăm sóc, vừa dạy học cho trẻ thơ. Khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non vào năm 1980, chị Hồng bắt đầu đi dạy ở các lớp học mầm non tại nhiều nhà thờ ở Tp. Hồ Chí Minh.

Vào một ngày đầu tháng 5 năm 1984, khi cô giáo Hồng đến nhà thiếu nhi Tp. Hồ Chí Minh để xem chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Tại đây, chị được tận mắt chứng kiến các tiết mục của những đứa trẻ khiếm thị. Những thiên thần dù không nhìn thấy ánh sáng mặt trời đang cùng nhau cất lên giọng hát thật trong trẻo, hồn nhiên đã lay động trái tim cô giáo Phạm Thị Hồng. “Tôi thương các cháu quá. Lúc nhìn từng cử chỉ của các em trên sân khấu, nghe từng giọng hát chất chứa niềm tin, ngập tràn yêu thương từ những đứa trẻ không may mắn, trong tôi chỉ có một ước nguyện lớn nhất: Ước gì mình có điều kiện để chăm sóc, dạy dỗ trẻ em khuyết tật - những thiên thần không may mắn.” - Cô giáo Hồng nhớ lại.

Người mẹ của những thiên thần không may mắn
Học sinh tập nhảy bao bố

Ngay sau buổi xem văn nghệ ấy, cô giáo Phạm Thị Hồng đặt quyết tâm thực hiện ước vọng của mình bằng cách tìm đến những nơi nào đang nuôi dạy trẻ em khuyết tật tại Tp. Hồ Chí Minh và tình nguyện tham gia chăm sóc, dạy bảo cho các em. “Công việc của tôi bước đầu gặp nhiều vất vả, mệt mỏi, thất vọng muốn bật khóc khi thường xuyên bị một trẻ mắc bệnh down, bại não… chửi bới, la hét thậm chí nhào vào cào cấu. Nhưng rồi sau phút giây hụt hẫng đó, tôi như sống lại khi nghe được tiếng cười ngây ngô, tiếng hát của các em.” – Cô Hồng kể.

Những tháng ngày sau, để tiếp thu kiến thức và trang bị điều kiện chăm lo cho các em nhỏ tốt hơn, từ năm 1989 đến 1995, ngoài thời gian tình nguyện tại các lớp mầm non dành cho trẻ em khuyết tật, chị đăng ký tham dự lớp đào tạo chương trình giáo dục trẻ em đặc biệt ở Tp. Hồ Chí Minh do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Đến năm 1999, mặc dù người thân trong gia đình, bạn bè ra sức ngăn cản, cô giáo Hồng vẫn  quyết định lên Tây Nguyên để tiếp tục thực hiện ước vọng được chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa trẻ không may mắn ở vùng đất còn gặp nhiều khó khăn này.

Ước nguyện thấm đẫm tính nhân văn

Đầu tháng 5 năm 1999, từ Tp. Hồ Chí Minh, cô tìm đến nhà thờ Đức An, Tp. Pleiku (Gia Lai) để gặp linh mục Nguyễn Văn Đông - lúc đó là Chánh giáo xứ Đức An - Pleiku trình bày ước vọng của mình.

Hiểu được mong muốn cháy bỏng của cô giáo Hồng, linh mục Nguyễn Văn Đông nhiệt thành ủng hộ, cho phép chị dùng dãy phòng ngay trong khuôn viên nhà thờ Đức An để mở lớp chăm sóc trẻ bị khuyết tật. Ngay sau đó, Hồng tìm đến những gia đình không may mắn, có con em khi vừa sinh ra bị dị tật bẩm sinh và bày tỏ nguyện vọng được tận tay chăm sóc, san sẻ những khốn khó của gia đình.

Người mẹ của những thiên thần không may mắn
Một phòng học dành cho học sinh khuyết tật của cô Hồng ở đường Trần Nhật Duật

Căn nhà đầu tiên tại Pleiku chị Hồng tìm đến là nhà của bé Bình, một bé gái bị bệnh down trong điều kiện gia cảnh khó khăn. Khi nghe Hồng trình bày, gia đình bé Bình nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn gửi bé cho Hồng. Cùng với bé Bình, Hồng còn nhận chăm sóc, dạy dỗ cho bé Quỳnh – cũng là một cháu gái bị bệnh bại não ngay từ lúc mới sinh ra…

Vậy là căn phòng cô giáo Hồng đã có 2 bé gái dị tật cất lên tiếng nói đầu dù ngọng nghịu, không rõ nghĩa nhưng ấm áp tình người. Chỉ vài tháng sau, những gia đình có con em bị dị tật bẩm sinh tại nhiều phường xã trong địa bàn Tp. Pleiku hay từ những huyện xa xôi như Kbang, Kông Chro… tìm đến lớp cô Hồng để gửi con. Đối với những gia đình có hoàn cảnh éo le, kinh tế nghèo khó, cô Hồng tình nguyện chăm sóc, dạy học cho trẻ khuyết tật mà không màng đến chi phí hay lợi ích riêng mình.

Đón nhóm PV chúng tôi ngay tại cửa lớp, cậu bé Lê Quân mới 7 tuổi bị bệnh tự kỷ cứ nghĩ đã đến lúc được bố mẹ cùng là giáo viên ở Tp. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) xuống đón về theo lịch thứ 6 hàng tuần. Cậu bé cứ ôm chặt lấy tôi và còn khệ nệ mang khăn quàng cổ, cặp sách như đang chuẩn bị theo bố về nhà.

Nhìn cậu học trò nhỏ cứ quấn lấy tôi, theo cô Hồng nói như reo thầm: “Cậu bé bệnh tự kỷ ấy bắt đầu nhớ bố mẹ và cứ ngỡ em là bố mẹ từ Kon Tum xuống đón cháu về nhà.”…  

Do lớp học dạy trẻ khuyết tật của cô Phạm Thị Hồng ngày càng đông trong khi điều kiện khuôn viên nhà thờ Đức An không thể mở rộng thêm được nữa, chị quyết định chuyển lớp học sang đường Trần Nhật Duật, phường Ia Kring, Tp. Pleiku để có không gian thoáng đãng hơn, có điều kiện chăm sóc, dạy học cho hơn 52 trẻ em bị khuyết tật, trong đó có 27 em nội trú tại lớp.

Ngày mỗi ngày, cô giáo Hồng bền bỉ dạy dỗ, chăm sóc những thiên thần của mình như thế. Với cô, không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi những thiên thần ấy có thể bị khuyết tật… nhưng luôn biết sà vào lòng cô giáo và cất tiếng gọi thân thương “mẹ Hồng ơi!”

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Người mẹ của những thiên thần không may mắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO