Thưởng Tết đã trở thành nét văn hóa, tình cảm hài hòa gắn bó trong quan hệ lao động ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Dù mới tái phục hồi sản xuất, nhiều DN còn rất chật vật nhưng đa số đều cố gắng xoay xở để có tiền thưởng Tết 2022 và chăm lo cho người lao động (NLĐ).
Nhiều DN gặp khó khăn nhưng đều cố gắng chăm lo cho người lao động để có tiền thưởng Tết 2022. Ảnh: Thanh Hải |
|
Ngóng chờ thông báo mức thưởng
Khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ảnh hưởng nặng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, DN và NLĐ; những người công nhân rất mong có tiền thưởng Tết trang trải cuộc sống, có tiền về quê đón cái Tết ấm cúng bên gia đình. Chị Nguyễn Thị Thủy - công nhân Công ty Italia Production (thuộc Cụm công nghiệp Bích Hòa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) cho hay: “Năm nay, mặc dù công ty chưa thông báo thưởng Tết 2022 nhưng tôi hy vọng được mức thưởng Tết bằng năm ngoái là 9 triệu đồng”. Chị Thủy cũng cho biết, mức lương mỗi tháng được từ 8 - 10 triệu đồng; gộp thu nhập của 2 vợ chồng làm cùng công ty được khoảng16 triệu đồng. Nếu thưởng Tết như năm trước, anh chị sẽ để dành được một khoản tiền kha khá để lo cho hai con học hành.Cũng có không ít NLĐ dù rất mong ngóng tiền thưởng Tết nhưng đã xác định năm nay không có thưởng bởi hoạt động của công ty đang rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Dung - công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có 2 tháng phải ngừng việc, cuộc sống gia đình túng bấn vô cùng. Công ty mới trở lại sản xuất được 2 tháng, công nhân ai cũng phấn khởi vì được đi làm. Đều đặn hằng tháng, chị Dung nhận được 7 triệu đồng lương nhưng chỉ tiêu 2 triệu đồng, còn lại tiết kiệm để lo toan dịp Tết. “Hiện tại tôi vẫn chưa thấy công ty thông báo thưởng Tết, tôi chỉ mong được đi làm đều đặn, tháng nhận đủ lương” - chị Dung nói.Về phía các công ty mới phục hồi sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn đơn hàng, nguồn nguyên liệu và phải chi phí nhiều khoản cho phòng chống dịch, chăm lo sức khỏe cho công nhân... nhưng chủ DN đang cố gắng cắt giảm các khoản không thật sự cần thiết để có tiền chăm lo Tết cho NLĐ. Thậm chí, có chủ DN chấp nhận đi vay tiền để trả lương, thưởng Tết cho NLĐ. Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH May xuất khẩu DHA Nguyễn Văn Đô cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu năm 2021 của công ty giảm sút khoảng 20%, lợi nhuận gần như bằng 0. Xác định năm nay chỉ duy trì sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân là trên hết nên đến thời điểm này, công ty đang gấp rút hoàn tất các đơn hàng từ đối tác Mỹ... “Mặc dù rất khó khăn, song với mục tiêu giữ chân NLĐ, chúng tôi vẫn quyết định thưởng Tết cho cán bộ, công nhân bằng 1 tháng lương như năm trước; cụ thể là 10 triệu đồng/cán bộ và 8 triệu đồng/công nhân” – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH May xuất khẩu DHA Nguyễn Văn Đô cho hay.Khó mấy cũng phải lo Tết cho công nhânNăm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng có một số ngành hoạt động tốt hoặc giảm ít so với năm ngoái, như tài chính – ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin; hoặc một số ít các DN xuất khẩu được hàng hóa... sẽ có mức thưởng Tết cao. Còn những DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, đường sắt sẽ có mức giảm thấp. 2021 là năm đặc biệt của đặc biệt, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Vũ Minh Tiến cho rằng rất cần sự chia sẻ, cảm thông của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ về thưởng Tết. “NSDLĐ và tổ chức công đoàn - đại diện cho NLĐ rất cần có sự trao đổi, thương lượng, thống nhất mức thưởng Tết cho phù hợp nhất với khả năng của hai bên. Thưởng Tết có thể bằng tiền và hiện vật; nhưng điều quan trọng nhất là NSDLĐ chia sẻ thông tin để nhận được sự đồng thuận cao nhất của NLĐ, thông qua tổ chức Công đoàn” – ông Minh Tiến nhấn mạnh.Thưởng Tết là truyền thống văn hóa và NLĐ rất mong đợi mỗi năm khi cái Tết đang đến gần. Vì thế, những DN làm ăn được hoặc các công ty vẫn còn nguồn lực để cho lo Tết cho NLĐ rất đáng được ghi nhận. Những DN này cũng được đánh giá cao, tuyển dụng lao động rất dễ và được NLĐ gắn bó; là tấm gương để các đơn vị khác nhìn vào trong việc giữ chân NLĐ. Vì thế, các chuyên gia lao động cho rằng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, DN cũng nên tính toán có thưởng Tết bởi đây cũng là mong mỏi của NLĐ cả năm qua đã gắn bó với mình. “Bây giờ DN phải tính toán thiệt hơn giữa việc động viên, khuyến khích sự gắn bó của NLĐ với công ty để giữ chân, với việc chi phí một khoản lương tháng thứ 13 cho NLĐ có thể không bằng năm ngoái. Theo tôi, những DN làm ăn tốt hơn, cố gắng có mức thưởng Tết cho NLĐ bằng năm trước. Các DN nên cố gắng hết sức để có thưởng động viên về mặt vật chất và tinh thần cho NLĐ” – ông Vũ Minh Tiến nói.Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tác động đến mọi mặt của đời sống, tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021, các DN đi vào hoạt động bình thường trong tình hình mới. Cộng với việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự đoán trên 3%, các chuyên gia lao động cho rằng mức tiền thưởng Tết cho NLĐ sẽ khá hơn năm ngoái. Trao đổi về giải pháp đối với DN không có nguồn thưởng Tết, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, rất cần có gói hỗ trợ của Nhà nước cho họ được vay tiền ngân hàng lãi suất 0% để thưởng Tết cho NLĐ. Đối với các địa phương nên có chính sách đặc thù hỗ trợ những NLĐ bị thất nghiệp để đảm bảo được đón cái Tết tiết kiệm và ấm cúng.
Hà Nội chi khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao độngLiên đoàn Lao động TP Hà Nội dự kiến triển khai chương trình “Tết sum vầy” năm 2022 vào ngày 22/1/2022 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô với sự tham gia của 1.000 đoàn viên, NLĐ. Đồng thời, dự kiến triển khai chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết” vào ngày 28/1/2022; trao biển hỗ trợ 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” năm 2022; thăm hỏi và trao 10.000 suất quà, trị giá 1 triệu đồng/suất cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Và, hỗ trợ 300.000 đồng/NLĐ có đóng BHXH tại DN, đơn vị sự ngiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí các cấp công đoàn Thủ đô chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần khoảng 200 tỷ đồng. |
Pháp luật không quy định cụ thể về việc thưởng Tết, thưởng cuối năm; bởi vậy vấn đề này sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ. Hai năm nay dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức độ ảnh hưởng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực là khác nhau, tuy nhiên đa phần các DN và NLĐ đều gặp khó khăn, thu nhập giảm sút. Trong bối cảnh này có thể sẽ xảy ra những thắc mắc, thậm chí mâu thuẫn trong việc giải quyết chế độ quyền lợi, lương thưởng cuối năm. Tuy nhiên nó cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, những cuộc tiếp xúc có thiện chí của hai bên để cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch, trên tinh thần hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển.Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp |