Người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian

Khánh Thư| 16/05/2022 06:25

Khoảng sân nhỏ của nhà văn chỉ làng Mọc nhiều năm qua đã trở thành điểm hẹn của CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân. Từ những cụ bà đã ở tuổi thất thập đến các chị tuổi trung niên hay các cháu nhỏ... tất cả đều coi câu lạc bộ như sân chơi đầy ý nghĩa. Người đặt viên gặt đầu tiên cho sự phát triển của CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân đó chính là nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung.

Người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung - người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, ngay từ nhỏ những điệu hát xẩm, hát chèo, hát văn từ người cha là nghệ nhân nổi tiếng - Phan Đức Hậu đã truyền cho cô bé Dung niềm đam mê với âm nhạc cổ truyền. Được cha truyền dạy kỹ càng về nghệ thuật hát, về nội dung của làn điệu hát xẩm, cô bé Kim Dung đã trở thành diễn viên nhí của xã và đem về nhiều thành tích cho quê hương. Bà cũng may mắn được tham dự lớp học hát xẩm của nghệ nhân Hà Thị Cầu giảng dạy cho Đoàn chèo Hà Nam (cũ) và sau này còn được sự chỉ bảo của nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch - một trong những gương mặt gạo cội của làng âm nhạc dân gian Việt Nam.

Năm 1995, khi theo chồng và các con lên Hà Nội sinh sống tại làng Nhân Chính (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), niềm đam mê từ thuở nhỏ ấy của nghệ nhân ưu tú Kim Dung tiếp tục được nối dài. Với mong ước sẽ lan tỏa sức sống của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, nghệ nhân ưu tú Kim Dung dành nhiều thời gian và tâm huyết để truyền dạy những lời ca, điệu hát cổ truyền cho người dân ở làng Mọc Quan Nhân, nơi bà coi là quê hương thứ hai của mình. Niềm say mê, mong mỏi của bà cũng đã trở thành hiện thực khi CLB Dân ca làng MọcQuan Nhân chính thức được thành lập (ngày 19/5/2009). Từ hơn chục thành viên thuở ban đầu đều là những diễn viên không chuyên, phần lớn là những người đã lên ông, lên bà, đến nay số hội viên của CLB đã ngót nghét 50 người, trong đó có cả các cháu thiếu niên nhi đồng. Hằng tuần, vào những buổi sinh hoạt định kỳ, nghệ nhân ưu tú Kim Dung lại say sưa truyền dạy cho các hội viên trong CLB kỹ năng biểu diễn hát xẩm, các làn điệu dân ca, quan họ, hát chèo, hát văn… và cả các điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, bà còn dạy cho học viên diễn xuất các vai trong nhiều vở chèo cổ, hát xẩm như: Thị Màu lên chùa, Tuần ti Đào Huế, xẩm chợ… 
Nghệ nhân ưu tú Kim Dung chia sẻ: “CLB được sinh ra trên đất làng Mọc là để phục vụ cho dân làng. Vậy nên cứ mỗi dịp lễ hội, ngày Tết, ngày kỵ thánh, ngày mừng thọ các cụ cao niên, các hội nghị của phường, của quận, CLB đều mang những lời ca tiếng hát đầy chất nhân văn để phục vụ đời sống tinh thần cho những người dân nơi đây. Đặc biệt, các cháu thiếu nhi trong CLB còn tham gia biểu diễn trong các buổi sinh hoạt dưới cờ với những làn điệu dân gian đã được tôi truyền dạy tại CLB như: biểu diễn hát xẩm “Hỏi thăm cô Tú” tại trường Tiểu học Nhân Chính, biểu diễn hát văn “Xuân về trên đất Thăng Long” tại trường Tiểu học Thanh Xuân Trung”… 
Qua thời gian, “tiếng thơm” của CLB không dừng ở làng Mọc mà đã vươn xa hơn tới các phường, xã bạn, tới nhiều địa phương trên cả nước. Rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn hóa văn nghệ như: Huy chương Vàng trong Hội thi hát văn và hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất tại Vĩnh Phúc năm 2010; Giải Nhất trong Liên hoan hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2012; Giải Nhất trong cuộc thi hát xẩm quận Thanh Xuân và giải A1 Thành phố Hà Nội, các cháu thiếu niên múa sênh tiền đạt giải Nhì cấp quận, Giải A1 thành phố; Giải A1 trong liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hà Nội tổ chức năm 2016; Giải Ba trong Liên hoan hát xẩm khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Ninh Bình năm 2019… đã minh chứng cho những thành công của CLB. 
Một điều vô cùng ý nghĩa, đó là CLB còn thu hút được nhiều em thiếu niên nhi đồng tham gia sinh hoạt. Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ khi thành lập CLB, nghệ nhân ưu tú Kim Dung đã mở ngót nghét 10 lớp học miễn phí cho hơn 300 em nhỏ của quận Thanh Xuân. Đặc biệt, từ năm 2018 bà còn được lãnh đạo quận Thanh Xuân mời đứng lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống cho các cháu độ tuổi từ 6 - 14 đang học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Nhờ sự tận tâm trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống, các em đã tự tin biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ như: Tham gia biểu diễn trong lễ hội hoa anh đào, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại tượng đài Lý Thái Tổ, tham gia chương trình giao lưu văn hóa hai nước Việt Nam và Trung Quốc…
Người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Kim Dung và các em nhỏ lớp bồi dưỡng hạt nhân nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân biểu diễn làn điệu chèo cổ
Chia sẻ về những cô cậu học trò nhỏ tuổi ở lớp học của mình, nghệ nhân ưu tú Kim Dung không khỏi xúc động. Bà nhắc đến những cái tên: Phương Linh, Quỳnh Trang, Thùy Chi, Linh Chi, Diệu Anh, Minh Yến… với niềm tự hào khôn xiết. “Trong bối cảnh mà âm nhạc cổ truyền ấy đang có nguy cơ bị mai một, lớp trẻ không mặn mà với âm nhạc dân tộc thì việc thu hút và gieo được niềm say mê âm nhạc cổ truyền cho các em nhỏ với tôi vừa là thách thức vừa là một động lực. Những thành quả mà các cháu đã “gặt hái” được qua những kỳ cuộc, hội thi chính là một sự động viên to lớn đối với tôi. Nó là động lực để tôi tiếp tục lan tỏa niềm đam mê đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn các môn nghệ thuật truyền thống” - nghệ nhân ưu tú Kim Dung bộc bạch.  
Không chỉ gặt hái được những mùa quả ngọt khi đảm đương vai trò “nhạc trưởng” CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân, nghệ nhân ưu tú Kim Dung còn rất năng động và tận tâm trên cương vị Chủ nhiệm CLB Văn nghệ của người khuyết tật quận Thanh Xuân; tham gia tích cực các hoạt động trong CLB nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân, CLB Xa La -Hà Đông… 
Đặc biệt, nghệ nhân ưu tú Kim Dung còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Với tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, nhiều năm qua bà đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo như: vận động hội viên CLB mua chăn ấm, áo len, mũ len, xe lăn, quà... tặng cho người khuyết tật, học sinh dân tộc vùng cao Yên Bái và Điện Biên với hiện vật và tiền trị giá gần 30 triệu đồng (năm 2018); cùng Ban Chủ nhiệm CLB và một số hội viên vận động mua chăn ấm, quần áo rét... góp sức với Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân tặng các cháu của trường Mầm non Tô Mậu, Lục Yên, Yên Bái với số tiền gần 20 triệu đồng (năm 2020)…
Với những việc làm vô cùng ý nghĩa, năm 2015, bà Phan Thị Kim Dung đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở loại hình hát xẩm. Cũng năm đó, bà còn giành được Huy chương Vàng với tiết mục hát Xẩm Nhị tình lời cổ trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca khu vực Bắc Trung Bộ do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Năm 2021, bà đã được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về việc “Xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và đang được đề nghị phong tặng Nghệ nhân Nhân dân.
Nghệ nhân ưu tú Kim Dung cho biết, để có được những thành quả đáng tự hào này là nhờ sự góp sức, động viên rất lớn từ gia đình, hội viên CLB, cũng như sự quan tâm của các ban, ngành đoàn thể, và nhiều người dân địa phương. Đó là điểm tựa và cũng là động lực để bà thêm say, thêm yêu nghệ thuật truyền thống, và càng nỗ lực hơn nữa để gieo mầm tình yêu nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay. 
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Người góp phần lan tỏa âm nhạc dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO