Từ lâu trà sen Hồ Tây đã trở thành một thức quà nổi tiếng của người Hà Nội. Trà sen đặc sắc bởi các công đoạn được chế biến một cách cầu kì và tỉ mỉ. Mọi công đoạn ướp trà sen đều được người dân làm thủ công hoàn toàn. Nổi tiếng với công việc làm trà sen truyền thống là gia đình bà Nguyễn Thị Dần. Gia đình bà đã có 4 đời làm công việc này. |
Ngoài ra gia đình bà Lưu Thị Hiền cũng là một trong những hộ gắn bó, dành trọn tâm huyết với nghề truyền thống. |
Sen được người dân Quảng An dùng ướp trà phải là sen Bách Diệp trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo.Vào khoảng tháng 6, tháng 7, khi mùa sen nở rộ người dân chèo thuyền hái sen từ sáng sớm, khi còn hơi sương để đảm bảo độ tươi và giữ được hương vị của sen. |
Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làm nghề, cánh hoa, nhụy hoa và gạo sen được tách rời. Công đoạn tách gạo sen đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế. |
Ướp trà sen phải thao tác đủ 7 lần ướp. Trong đó, cứ một lượt gạo lại một lượt chè, ướp trà xong lại mang đi sấy, để làm ra 1kg trà sen khô cần tới 1.200 - 1.500 bông sen tươi, trải qua 21 ngày ướp, sấy. Chính bởi độ cầu kì, phức tạp trong cách chế biến mà trà sen khô Tây Hồ có giá từ 8-10 triệu đồng/kg. |
Trà sen được người dân sấy bằng phương pháp truyền thống, sử dụng than hoa. Người sấy phải chịu được sức nóng của lò, cảm nhận chính xác độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì nâng giấc trong từng mẻ sấy, có vậy mới tạo độ thơm đặc trưng cho mỗi mẻ trà. |
Ngoài làm trà sen truyền thống, người dân Quảng An còn làm trà sen ướp xổi, theo đó chè được bỏ vào bên trong bông sen. |
Lá sen được dùng để buộc chặt bên ngoài bông sen. Bông sen sau khi ngậm chè sẽ được cắm nước qua một đêm để cho hương sen thấm đều vào chè. Cách ướp này đơn giản, không tốn nhiều công. |