Ngôn ngữ của đường cây

Hanoimoicuoituan| 05/06/2022 09:04

Khoảnh khắc cuối xuân đầu hạ dâng tặng cuộc sống hình ảnh thật đẹp. Rõ nhất là những phố cây trên con đường ra ngoại thành đong đầy chất thơ, chất nhạc. Vẻ đẹp ấy xui khiến những bàn chân lên đường. Đi để chớp lấy những khoảnh khắc tuyệt vời đang gieo vào lòng người sự tươi mởn của sắc hoa và diệp lục, ghim vào hồn người thanh âm trong trẻo của phố cây, đường cây và tiếng thì thào của tán lá.

Ngôn ngữ của đường cây
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Dường như mùa nào Hà Nội cũng đẹp vì có những đường cây, phố cây. Mùa nào cây cối cũng nói với con người nhiều điều về sự hiến dâng, vẻ đẹp bằng ngôn ngữ của tự nhiên. Những ngày tháng cuối xuân, cây cối lạ lắm. Lạ một cách đặc biệt, khiến những con đường đẹp như mơ. Góc thì như một bức tranh siêu thực mà người họa sĩ nhấn nhá sắc màu một cách thuần thục, nhưng cũng có chỗ như bức tranh tả thực mà từng chi tiết đều được chăm sóc rất tỉ mỉ. Sự phô diễn hình thể cây kỳ diệu, vượt xa khỏi sự tưởng tượng của con người.

Đi ngang qua đường Thanh Niên, những cây phượng vĩ mùa thu đã bắt đầu rụng lá già, phô ra thân và những cái cành thô mộc. Cành cây vắt bên này, chúc bên nọ rồi bất ngờ tạo một đường gấp khúc tưởng như chẳng theo quy luật nào, nhưng lại tạo ấn tượng mạnh cho những con mắt tinh tường và yêu thiên nhiên. Mùa xuân, cây mưng lá non nõn nà để mùa hạ khoe sắc đỏ cam rực rỡ.

Ở Hà Nội, đầu xuân là thời điểm những tán bàng đổi màu đỏ để rụng xuống, đến cuối xuân thì nảy chồi non tơ. Ngước lên cây khi tán bàng đổi màu đỏ, tôi thấy bức tranh đẹp đến diệu kỳ. Như thể ở đó là một bức tranh đã chộp được cảnh ai đó tãi ở trên sân trời một sân than hồng.

Có những người lạ lắm. Dù đi đâu xa nhưng cứ đầu mùa hạ lại trở về Hà Nội để ngắm phố, chụp ảnh hoa trên những con đường. Như thể họ đã hò hẹn với những hàng cây và mỗi năm phải gặp một lần cho thỏa. Và khi đi xa, trên những cung đường lữ thứ, họ luôn nhớ về Hà Nội đầy nhân nghĩa, hào hoa.

Hôm nay, ngước lên những tán cây, tôi đọc được ngôn ngữ của cây, nghe được tiếng thì thầm của lá. Đã có nhiều nghệ sĩ lang thang chụp lấy những khoảnh khắc ấy, vì thế mà cuộc sống này ngập tràn những bức ảnh, bức tranh tuyệt đẹp. Tôi cũng đã chứng kiến một họa sĩ nổi tiếng tập trung hàng giờ để vẽ tranh về sự biến đổi của sắc màu lá cây, với các góc độ khác nhau. Nhưng có lần, chính ông tỏ ra bất lực trước thiên nhiên. Ông nhủ rằng, dù con người có tài hoa, có tưởng tượng giỏi đến đâu cũng không vẽ hay, vẽ đẹp bằng bức tranh thiên nhiên. Thiên nhiên hài hòa hơn chúng ta tưởng. Thiên nhiên tự do và hào phóng hơn bất cứ ai.

Và thiên nhiên Hà thành, với hiện vật là dáng cây trên những con đường, đoạn phố đã chẳng những làm duyên cho phố, tạo nên nhan sắc của thành phố hòa bình, mà còn biểu hiện một thứ ngôn ngữ kỳ diệu. Con người chúng ta cũng sẽ cố gắng đọc thứ ngôn ngữ ấy, bằng những rung cảm sâu sắc của tâm hồn.

(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ngôn ngữ của đường cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO