Nghệ thuật truyền thống dưỡng nuôi tâm hồn, khí phách Hồ Chí Minh

NSND Lê Huy Quang| 04/09/2021 12:22

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất - hóa thân vào cõi vĩnh hằng đã tròn 52 năm (1969 - 2021). Nhưng mỗi độ thu về, nhất là trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi người dân Việt Nam lại tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu…

Nghệ thuật truyền thống dưỡng nuôi tâm hồn, khí phách Hồ Chí Minh
Bác Hồ với các nghệ sĩ tuồng truyền thống. (Ảnh tư liệu)  

Trong kho tàng tư liệu phong phú về sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người (từ lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, chính trị, kinh tế, xã hội…) ở trong nước cũng như trên thế giới, thì có lẽ, hình ảnh đậm nét, sâu sắc và ấn tượng nhất chính là hình ảnh Bác Hồ dùng bàn tay che kín nòng khẩu súng đại bác trên một chiến hạm của thực dân Pháp. Hình ảnh ấy chính là biểu tượng của khí phách Hồ Chí Minh - cũng chính là biểu tượng khí phách Việt Nam… 

Là một nghệ sĩ đã trên nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu tuồng truyền thống dân tộc, chúng tôi xin được bày tỏ một vài suy nghĩ của riêng mình, trước một vấn đề mà nhiều người quan tâm. Đó là chất bi, hùng của tuồng truyền thống (qua hai nôi tuồng Nghệ An, Bình Định, và nhất là qua các vở tuồng của Đào Tấn), đã hun đúc nên cảm xúc, tâm hồn Hồ Chí Minh như thế nào để góp phần tạo nên khí phách Hồ Chí Minh - mà tình bạn vong niên giữa cụ Đào Tấn - đại quan của triều Nguyễn, một nghệ sĩ lớn của kịch hát dân tộc và cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác - chính là sợi chỉ đỏ để tạo nên những cảm xúc của tâm hồn ấy…

Như chúng ta đã biết, năm 1894, sau khi Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân, tại trường thi Nghệ An, Đào Tấn đã khuyến khích và giúp đỡ ông đưa gia đình vào Huế để tiếp tục học hành thi cử. Lúc đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa tròn 4 tuổi. Theo những bài viết, mẩu chuyện của các nhà văn, nghiên cứu về thời thơ ấu của Bác, thì ngày đó, nghệ thuật hát ca trù, ví, giặm, phường vải và nhất là tuồng cổ xứ Nghệ đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Cũng bởi, ngay từ năm 1889  Đào Tấn đã làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) và tại tư dinh của mình, ông đã thành lập rạp hát Như Thị Quan - một cuộc cách mạng trong thế giới quan, nhân sinh quan của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Vì thế, trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ lúc ra đời đến năm lên bốn, lên năm tuổi có lẽ đã thấm đẫm chất dân ca Nghệ Tĩnh (qua lời ru của thân mẫu, bà Hoàng Thị Loan và vùng đất địa linh nhân kiệt Nam Đàn nổi tiếng); và nhất là tuồng cổ, bởi ông Nguyễn Sinh Sắc là bạn “vong niên” (ông thua Đào Tấn 18 tuổi), không thể không đưa cậu bé Cung thường xuyên đi xem hát ở rạp Như Thị Quan… Nói như thế để thấy rằng, chất bi, hùng của tuồng - với những nhân vật nổi tiếng như: Tiết Cương, Lan Anh, Hoàng Phi Hổ, Phương Cơ, Tạ Ngọc Lân, Đổng Mẫu, Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân… chắc chắn đã để lại những ấn tượng không thể nào phai mờ trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung để sau này tạo nên những tư chất đặc biệt, của một con người Việt Nam đặc biệt - thiên tài Hồ Chí Minh…

Từ năm 1894, Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế, đúng vào năm Đào Tấn rời An Tĩnh về kinh đô để giữ chức Thượng thư triều Nguyễn. Suốt trong thời gian đó, tuổi thơ của cậu bé Cung lại gắn bó với cha mình (ông Nguyễn Sinh Sắc đã được Đào Tấn thu xếp dạy học để có tiền sinh sống). Năm 1901, thân mẫu Hoàng Thị Loan mất, 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh là Nguyễn Sinh Khiêm về lại quê nhà ở Kim Liên, Nam Đàn. Lúc đó, Đào Tấn lại đã ra làm Tổng đốc An Tĩnh lần thứ hai (1889 - 1902). Thế là cậu bé Cung lại tiếp tục được về Vinh để xem tuồng Đào Tấn và được nghe cha mình cùng Đào Tấn và các bậc nho sĩ xứ Nghệ đàm đạo về nghệ thuật ca hát, về nghĩa khí làm người, về đức độ và cách đối nhân xử thế, trong thời buổi đất nước đã bắt đầu nhiễu nhương, ly loạn. 

Suốt thời gian làm Tổng đốc trên đất Hồng Lam, Đào Tấn gần như đã tận dụng tất cả nhân viên và lính tráng phục dịch trong dinh Tổng đốc, đồng thời tập hợp về đây những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và An Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn. Từ Duyệt Thị Đường ở Đại nội Huế đến Như Thị Quan ở thành Vinh, đã báo hiệu một sự thay đổi có tính chất cách mạng của tuồng hát Đào Tấn. Tại Như Thị Quan, với sự xuất hiện của hàng loạt vở diễn khác hẳn về chất so với những tác phẩm trước đó, như: Khuê các anh hùng, Sơn hậu cổ thành, Trầm hương các, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn… 

Cuộc “làm mới tuồng hát” mà Đào Tấn hằng ấp ủ đã diễn ra rất mạnh mẽ, ông đã mạnh dạn trao hy vọng, niềm tin cứu nước, cứu dân vào những người hiện đang bị đặt ngoài vòng pháp luật ở trên núi cao hoặc đang phải tha hương. Triệu Khánh Sanh và Tiết Cương - những người anh hùng mà Đào Tấn từng nói rằng, đó là hình ảnh của các chí sĩ vùng đất  An Tĩnh như: Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng - đã hiện diện trên sân khấu này. Phải chăng, chất bi hùng của đất tuồng Bình Định và xứ Nghệ - qua tài năng, dũng khí của Đào Tấn - chính là những ngọn lửa để nhen nhóm lên trong tâm hồn non nớt, thơ ngây của cậu bé Cung những cảm xúc đầu tiên về quê hương đất nước, về đồng bào và những con người đầy tình cảm, nghĩa khí để 9 năm sau (năm 1911), Nguyễn Sinh Cung đã trở thành chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tròn 21 tuổi, rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước… Ngoài ra, theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử hiện có, vào khoảng thời gian trên một năm (từ tháng 5/1909 đến tháng 7/1910), Nguyễn Tất Thành đã sống và học tập tại Bình Định. Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã cùng cha đến thăm gia đình cụ Đào Tấn tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. 

Với những phân tích đó, chúng tôi cho rằng, từ cảm xúc, tâm hồn Hồ Chí Minh, đến khí phách Hồ Chí Minh đã được nuôi dưỡng trong dòng chảy của nghệ thuật dân ca xứ Nghệ, kết hợp cùng nghệ thuật tuồng của đất Bình Định. Trong đó, nghệ thuật tuồng được thiên tài Đào Tấn sáng tạo nên ngay trên mảnh đất An Tĩnh địa linh nhân kiệt, nơi ông đã gắn bó suốt 10 năm trong cuộc đời của một ông quan - nghệ sĩ - một tài năng lớn, một nhân cách lớn của nền kịch hát dân tộc Việt Nam! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật truyền thống dưỡng nuôi tâm hồn, khí phách Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO