Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Ánh: ''Làm sao để giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài''

HNMCT| 27/12/2021 07:54

Hơn 35 năm gắn bó với sân khấu chèo, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Ánh ghi dấu ấn qua hàng chục vai diễn trong các vở chèo từ dân gian đến hiện đại. Không chỉ trau chuốt cho giọng hát, cách diễn, với chị, thành công trong sự nghiệp còn là truyền được tình yêu nghề cho lớp trẻ và làm sao giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Ánh: ''Làm sao để giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài''

- Thưa NSƯT Ngọc Ánh, thấm thoắt đã 36 năm kể từ ngày bén duyên với chèo, chị nghĩ gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?

- Ngay từ buổi đầu tiên vào nghề, tôi vô cùng may mắn được các thầy, cô là những bậc tiền bối: Cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Dịu Hương, NSND Diễm Lộc, NSƯT Mai Khanh, NSND Khắc Tư, NSƯT Phương Toàn, nghệ sĩ Hương Thách và các nghệ sĩ trong Đoàn Chèo Hà Tây cũ tận tâm chỉ dạy. Chính nhờ đó mà con đường hoạt động nghệ thuật của tôi, dù là nghệ sĩ biểu diễn hay trong vai trò trưởng đoàn đều có những thành công nhất định. Tôi tự nhận thấy mình là người tâm huyết, yêu nghề, đam mê nghệ thuật chèo truyền thống. Hầu hết vai chính trong các kịch mục biểu diễn của Đoàn 3 là do tôi đảm nhận. Tôi luôn cháy hết mình, tìm tòi, sáng tạo, luôn đau đáu làm sao để lột tả được tính cách nhân vật một cách sâu sắc.

- Đoàn Chèo Hà Tây và Nhà hát Chèo Hà Nội "về một nhà" vào năm 2008 là một “bước ngoặt” với chị cũng như các anh chị em trong đoàn. “Bước ngoặt” đó có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

- Vào nghề từ năm 1986, mấy chục năm gắn bó ở Đoàn Chèo Hà Tây nên khi hợp cùng Nhà hát Chèo Hà Nội, tôi và anh chị em có không ít lo lắng. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, có được Đoàn 3 vững chãi, tâm huyết làm nghề như ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn NSND Thúy Mùi, người mà tôi vẫn thân thương gọi là chị cả. Là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội khi đó, chị đã đứng mũi chịu sào, đón nhận nồng hậu, quý mến, không phân biệt và “truyền lửa” đến anh chị em nghệ sĩ. Cảm nhận được điều đó, chúng tôi đã đoàn kết cùng nhau xây dựng thương hiệu nhà hát. Duy trì những gì chị để lại, thế hệ kế cận như chúng tôi tự thấy cần có trách nhiệm để hun đúc trong anh em nghệ sĩ những gì cần, nhất là khi sân khấu gặp nhiều khó khăn, khán giả đến với nghệ thuật truyền thống thưa vắng dần. Tôi vẫn nói với thế hệ sau rằng, là nghệ sĩ thì phải thực sự tâm huyết, yêu nghề, say nghề thì khán giả mới đến với mình.

- Về với Hà Nội nhiều năm rồi nhưng Đoàn 3 vẫn giữ được phong cách riêng, đậm chất chèo xứ Đoài. Là Trưởng đoàn 3 từ năm 2008 đến nay, chị làm thế nào để đưa Đoàn 3 hòa nhập mà vẫn giữ được phong cách riêng?

- Tôi luôn tâm niệm mình hòa nhập với phong cách Nhà hát Chèo Hà Nội nhưng vẫn phải giữ chất xứ Đoài. Chúng tôi có thể bắt nhịp luôn để dựng ngay những vở về đề tài Hà Nội, đề tài lịch sử, đề tài hiện đại, nhưng cốt cách truyền thống của các cụ phải giữ, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đặc trưng của chất xứ Đoài là lối diễn rất mộc mạc, đúng chất chiếu chèo sân đình các cụ truyền lại, diễn chân thành, cơ bản từ hát đến vũ đạo, không pha tạp. Còn chất của chèo Hà Nội là chất Hà thành, mới hơn một chút, mang hơi thở đương đại hơn.

Để giữ được chất riêng trong cái chung, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay thực ra là rất khó khăn, nhưng chúng tôi bảo nhau phải cố gắng. Muốn anh em giữ được lửa nghề thì phải tạo điều kiện cho họ “ấm cái bụng” trước đã, nhất là trong cơ chế thị trường khắc nghiệt như hiện nay, cơ hội cho nghệ sĩ truyền thống không có nhiều. Tôi luôn tạo điều kiện tối đa cho anh em phát huy khả năng ở bên ngoài, nhưng lúc nào nhà hát cần, đoàn cần thì phải tập trung hết sức. Anh em trong đoàn rất năng động, nhà hát cũng làm các chương trình sự kiện để tăng thu nhập, từ đó nuôi dưỡng tình yêu thuần khiết với chèo.

- Được biết đoàn của chị vừa hoàn thành vở diễn “Người mẹ Hà thành” được Hội đồng Nghệ thuật Thành phố đánh giá cao. Chị có thể chia sẻ thêm về vở diễn?

- “Người mẹ Hà thành” là một vở diễn rất hay mà nhà hát giao cho Đoàn 3 thực hiện. Vở diễn nói về người mẹ kháng chiến do NSƯT Lê Tuấn đạo diễn, tôi làm trợ lý đạo diễn và tham gia vai người mẹ. Lê Tuấn là đạo diễn trẻ, xuất thân từ Đoàn Chèo Hà Tây, sau năm 2008 anh được phân công là trưởng phòng nghệ thuật và đi học đạo diễn. Vở đầu tay của Lê Tuấn là “Tình sử Thăng Long” đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020, vở đó tôi cũng tham gia với vai trò trợ lý. Sự ăn ý trong dàn dựng của ê kíp đã giúp chúng tôi tự tin làm vở “Người mẹ Hà thành”, và vở diễn đã nhận được nhiều lời khen trong đêm tổng duyệt vừa qua.

Song song với việc dựng vở, đoàn cũng tích cực tham gia dàn dựng chương trình để phát online, phục vụ các sự kiện chính trị lớn của Thủ đô từ nay đến cuối năm. Chúng tôi luôn động viên anh chị em nghệ sĩ vượt lên những khó khăn do dịch bệnh, cho họ môi trường để làm nghề và mang thông điệp tích cực đến với người xem.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

NSƯT Ngọc Ánh hiện là Trưởng đoàn 3, Nhà hát Chèo Hà Nội. Chị được biết đến qua nhiều vai diễn xuất sắc: Vai Đỗ phi trong vở “Nàng thứ phi họ Đặng” (Huy chương Vàng cá nhân Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2016), vai chủ lầu xanh trong vở “Quan lớn về làng” (Huy chương Vàng năm 2011), vai “Nữ tướng Bát Nàn” trong vở “Vương nữ Mê Linh” (Huy chương Vàng năm 2013)... Tài năng và tình yêu với chèo của NSƯT Ngọc Ánh đã được khẳng định qua nhiều kỳ hội diễn với giải Nhì Tài năng trẻ toàn quốc, 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cá nhân cùng nhiều bằng khen. Năm 2017, chị là một trong 10 gương mặt Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Ánh: ''Làm sao để giữ được cốt cách riêng của chiếu chèo xứ Đoài''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO