Đảng ta khẳng định: Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Trong thực hiện dân chủ tại cơ sở thể hiện trong nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các quy chế tại cơ quan đơn vị. Trong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng với việc xây dựng cơ quan, đơn vị theo phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”. Mỗi đơn vị có một cách làm khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là người đứng đầu mong muốn phát huy tối đa sức sáng tạo của cán bộ công chức viên chức và người lao động.
Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra
Bộ LĐTB&XH phát biểu tại diễn đàn
Tôi đã nhiều lần dự tổng kết, dự Hội nghị Cán bộ công chức viên chức của Thanh tra Bộ (đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), được nghe nói nhiều về một diễn đàn “Nếu tôi là” rất có hiệu quả tại đơn vị. Nhưng đúng các cụ đã dạy rằng, trăm nghe không bằng một thấy, tôi được mời và đã dự diễn đàn này từ đầu đến cuối tại đơn vị mới thấy hết cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa sâu xa và giá trị đích thực của nó. Bắt đầu từ năm 2016, xuất phát từ ý tưởng của đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Bí thư Đảng ủy – Chánh Thanh tra Bộ muốn tạo sân chơi cho Đoàn thanh niên mà ở đó các cán bộ, công chức nói chung và đặc biệt là cán bộ trẻ được tham gia đóng góp ý kiến, được tự do phát biểu, tự do sáng tạo, nêu quan điểm của mình một cách thoải mái nhất. Và quan trọng hơn nữa qua diễn đàn còn giúp cho các đoàn viên thanh niên, công chức trẻ được rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng phát biểu, phản biện, tranh luận nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn để vận dụng xử lý trong công việc đạt hiệu quả cao.
Cách thức tổ chức: Bí thư Đảng ủy Thanh tra Bộ giao cho Đoàn thanh niên chủ trì, lựa chọn chủ đề, tình huống, xây dựng kế hoạch, trình lãnh đạo phê duyệt. Tổ chức diễn đàn với số lượng khách mời phù hợp theo từng chủ đề (100% cán bộ công chức của cơ quan tham dự). Các đoàn viên, công chức thanh niên được đặt mình vào một vị trí có chức danh theo chủ đề và giải quyết, xử lý các những tình huống gắn với thực tiễn công việc của Thanh tra Bộ. Mỗi diễn đàn có 8 đến 10 tình huống, các tình huống gắn liền với hoạt động tại Thanh tra Bộ. Khi một tình huống đưa ra sẽ có 10 đến 15 ý kiến trình bày của các đoàn viên đưa ra để giải quyết tình huống đó. Mặc dù Đoàn thanh niên chuẩn bị về Kết thúc mỗi tình huống, các đoàn viên còn được lắng nghe ý kiến từ các lãnh đạo phòng, cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị để đúc kết, so sánh với quan điểm, cách giải quyết của mình về tình huống đó.
Tổ chức diễn đàn “nếu tôi là” tại Thanh tra Bộ LĐTB &XH được tổ chức từ quý IV năm 2016, đến nay, Thanh tra Bộ đã tổ chức 10 buổi diễn đàn với các chủ đề như:
Lần thứ nhất: “Nếu tôi là Trưởng đoàn thanh tra”;
Lần thứ hai: “Nếu tôi là Phó trưởng phòng”;
Lần thứ ba: “Nếu tôi là Trưởng phòng”;
Lần thứ tư: “Nếu tôi là Phó Chánh Thanh tra Bộ”;
Lần thứ năm: “Nếu tôi là Chánh Thanh tra Bộ”;
Lần thứ sáu: “Nếu tôi là Bí thư đoàn thanh niên Thanh tra Bộ”
Lần thứ bảy: “Nếu tôi là Chủ tịch công đoàn Thanh tra Bộ”;
Lần thứ tám: “Nếu tôi là Chánh Thanh tra Bộ” (Chủ đề như lần 5);
Lần thứ chín: “Nếu tôi là Trưởng đoàn thanh tra” (Chủ đề như lần 1);
Lần thứ mười: “Nếu tôi là Bí thư Đảng ủy Thanh tra”
Qua các buổi diễn đàn được các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Lãnh đạo đơn vị và các đồng chí đảng ủy viên trong đơn vị đánh giá rất cao về công tác tổ chức, chủ đề các tình huống và các ý kiến giải quyết tình huống của các đoàn viên. Diễn đàn đã thể hiện phương châm hành động của Thanh tra Bộ: "Kỷ cương – Thân ái – Đoàn kết – Chất lượng ".
Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Bí thư Đảng ủy - Chánh Thanh tra Bộ (người khởi xướng ra diễn đàn này) mới thấy hết tác dụng và ý nghĩa của nó, đặc biệt là tác dụng ngược lại cho lãnh đạo đơn vị, cho các đồng chí đã từng làm trưởng đoàn thanh tra… thấy rằng, qua ý kiến của đoàn viên, mình cũng phải thay đổi, chẳng hạn khi diễn đàn “Nếu tôi là” phó Chánh Thanh tra, có một tình huống: Văn bản cấp phòng trình lên, Phó Chánh Thanh tra bảo sửa, nhưng không viết vào văn bản, thì người trình phải xử lý thế nào? Tình huống này cũng đặt ra cho lãnh đạo, khi chỉnh sửa nội dung nào? Yêu cầu thay đổi cái gì, thì phải nêu rõ, thì cán bộ cấp dưới mới biết mà sửa, và bổ sung cho đúng. Rồi lãnh đạo cũng đừng yêu cầu quá cao với cấp dưới… Có nội dung cán bộ cấp dưới mặc dù ít kinh nghiệm thực tế, nhưng họ đọc nhiều, họ lại có cách giải quyết rất hay mà lãnh đạo phải học tập để hoàn thiện mình hơn. Ngay đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra cũng thấy rằng, thông qua diễn đàn “Nếu tôi là Chánh Thanh tra” cũng thấy rằng bản thân mình phải học hỏi từ cả cán bộ cấp dưới, đôi khi bản thân mình yêu cầu quá cao đối với cán bộ cấp dưới.
Thông qua diễn đàn, nhiều cán bộ đã thỏa sức đề xuất cái mới, được trao đổi tranh luận, được thể hiện năng lực đặc biệt là kỹ năng tổng hợp, phân tích, kỹ năng thuyết trình của đoàn viên. Qua 6 năm, thông qua các hoạt động và thông qua diễn đàn này, cấp ủy, lãnh đạo và toàn đơn vị thấy rõ năng lực của từng cán bộ, cho nên việc bổ nhiệm cấp phòng, hay việc đề xuất bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị rất dễ lựa chọn, rất công khai, minh bạch và quần chúng thấy tâm phục, khẩu phục khi lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ tại chỗ: Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diệp, từ Trưởng phòng đã được bổ nhiệm Phó Chánh Thanh tra Bộ; đồng chí Nguyễn Thu Thủy và đồng chí Lê Bảo Phương được bổ nhiệm trưởng phòng; 04 đồng chí được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng (đồng chí Đỗ Thị Mai, đồng chí Lê Thị Thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Huyền và đồng chí Trần Thị Liên). Đặc biệt thông qua diễn đàn “Nếu tôi là trưởng đoàn thanh tra”, một số đồng chí chỉ là thanh tra viên, nhưng có nhiều phương pháp giải quyết tình huống rất hay, vừa thông minh, sáng tạo nên lãnh đạo Thanh tra Bộ mạnh dạn trao trách nhiệm làm Trưởng đoàn, một đoàn thanh tra và kết quả thấy rằng rất tốt và hiệu quả.
Khi trao đổi trực tiếp với đồng chí Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra – Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Bộ - Kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ, thấy rằng diễn này rất hiệu quả, mọi cán bộ công chức viên chức, dù ít tuổi hay nhiều tuổi đều đặt mình vào vai cụ thể để tranh luận, để phản biện. Ngay tại diễn đàn “Nếu tôi là Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Bộ” đồng chí Thu cũng thấy bất ngờ trước cách giải quyết tình huống rất thông minh, sáng tạo của cán bộ, mà bản thân đồng chí Thu cũng thấy phải suy nghĩ và học tập.
Đúng là nơi đâu, cán bộ công chức được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, thực hiện tốt dân chủ, bình đẳng, nơi ấy mọi người được sống trong môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, khi đó mọi người hứng thú, say mê, tự giác làm việc, lúc đó các sáng kiến mới nảy sinh, mọi việc hoàn thành trước kế hoạch, khi đó lá cờ đầu đến với đơn vị là đương nhiên. Đúng như lời Bác dạy “Có dân chủ, mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”; “Muốn chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ”. Và Người đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”.