Nên xây dựng thêm các kịch bản khác nhau khi mở lại đường bay quốc tế

KTĐT| 21/09/2020 08:00

Việc Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế với tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi hãng được dư luận nói chung và các chuyên gia kinh tế, giao thông nói riêng đánh giá là rất đúng đắn.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là cách làm vừa để thí điểm, làm quen với việc “mở cửa bầu trời”, vừa giúp cho công tác kiểm dịch được đảm bảo.

“Hàng không là ngành có tác động rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia cũng như đảm bảo sự giao thương, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới với nhau, cho nên từng bước mở cửa hàng không quốc tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch với phát triển kinh tế, xã hội. An toàn của khách và phi hành đoàn cần được ưu tiên hàng đầu” - PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Chuyên gia giao thông này cho rằng, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần phải xây dựng thêm những kịch bản khác nhau về diễn biến dịch, đối tượng khách ưu tiên để thực hiện trong quá trình mở lại đường bay quốc tế.
“Quá trình triển khai sẽ dễ phát sinh những tình huống bất ngờ nên chuẩn bị trước kịch bản để đối phó với những tình huống phát sinh khác nhau là cần thiết để trách sự bối rối trong cách xử lý” - PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cho hay.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các nước để từng bước mở các đường bay quốc tế. Điều này sẽ giúp Việt Nam vừa kiểm soát dịch bệnh vừa từng bước khôi phục hoạt động kinh tế.
“Vì Covid-19, nên Việt Nam phải tạm dừng đường bay quốc tế nhưng sẽ chẳng thể đóng cửa bầu trời mãi được vì ngành hàng không có liên quan mật thiết tới nhiều thành phần kinh tế khác như du lịch, ngân hàng... Kế hoạch mở lại đường bay quốc tế theo từng bước như hiện nay là phù hợp” - TS Lê Đăng Doanh nhận định. Đồng thời ông cho rằng, trong các đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam sắp tới, cần có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ chuyên gia. Hiện nay, nhiều dự án lớn đang triển khai vẫn đang gặp khó khăn vì các chuyên gia nước ngoài chưa thể có mặt. Việc nối lại đường bay quốc tế sẽ giúp giải quyết bài toán này.
Tuy nhiên, do đặc thù của giới chuyên gia liên tục phải tham gia các hội thảo, hội nghị hoặc tham gia vào nhiều nhiệm vụ gấp gáp của các dự án nên chính sách cách ly đối với những đối tượng này cũng cần có sự linh hoạt.
“Các địa phương có thể bố trí khách sạn làm nơi ở riêng cho đội ngũ chuyên gia. Trường hợp không có thời gian cách ly, cần cho phép họ có giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 và xét nghiệm khi xuống sân bay” - TS Lê Đăng Doanh cho hay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế khẳng định, việc mở lại đường bay quốc tế là một xu hướng bắt buộc, là yêu cầu của quá trình phát triển. "Việc mở cửa bầu trời là điều bình thường, vừa vui mừng cũng vừa cảnh giác, bởi không thể cực đoan cấm hoàn toàn hay mở cửa ồ ạt" - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, trong thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương đã tỏ ra rất thận trọng trong qua trình lên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã có sự lựa chọn chỉ mở đường bay thương mại với những đối tác có tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm.
Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đánh giá rất cao, bởi sự lựa chọn này vừa đảm bảo yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế. “Việc cần quan tâm lúc này là phải chuẩn hóa các quy trình, bao gồm xét nghiệm, vận chuyển, cách li cũng như những biện pháp phòng, tránh dịch bệnh khác gắn với quá trình di chuyển của các hành khách quốc tế. Từ đó nhằm đảm bảo công tác phòng dịch một cách tốt nhất” - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nên xây dựng thêm các kịch bản khác nhau khi mở lại đường bay quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO