Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử

Gia Phú| 29/03/2019 17:43

Báo chí có vai trò như thế nào trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử; giải pháp nào cho báo chí nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sức lan tỏa về chuẩn mực văn hóa trong đời sống xã hội - đó chính là nội dung đã được nhiều đại biểu tập trung bàn thảo trong hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” vừa diễn ra sáng ngày 16/3 tại Bảo tàng Hà Nội. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức tại Hội báo toàn quốc 2019.

Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo.


Góp phần định hướng, hình thành chuẩn mực văn hóa  

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, văn hóa ứng xử được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống. Xuất phát từ thực tiễn và tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc xây dựng con người Việt Nam trong tình hình mới, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, những năm qua, Chính phủ và nhiều bộ ngành, địa phương đã tích cực xây dựng, ban hành các bộ quy tắc về văn hóa ứng xử phù hợp với tính chất, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng lĩnh vực, phù hợp với đặc thù của ngành mình. Qua thời gian thực hiện các quy tắc ứng xử bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, văn hóa ứng xử dần được hình thành và từng bước được người dân phát huy, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận. Bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, tình trạng vô cảm vẫn còn tồn tại…
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, để khắc phục những tình trạng nêu trên cần có những giải pháp kịp thời trong đó rất cần sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí trong việc truyền thông văn hóa ứng xử. “Thực tế chứng minh rằng truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, báo chí có chức năng nhiệm vụ quyền hạn quan trọng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội phản ánh và hướng dẫn dư luận, phát hiện nêu gương người tốt việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến… Công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong việc định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới; từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời phản ánh những tấm gương người tốt việc tốt, xây dựng hình ảnh xã hội tích cực đồng thời kịp thời phê phán những hạn chế, tiêu cực phản văn hóa từ đó tạo ra hiệu ứng phê phán cái xấu” – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Cùng nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, báo chí có vai trò mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy báo chí luôn phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng. “Những năm gần đây tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, trong xã hội, nhiều khi đến mức báo động đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thiết thực. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực trong việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những điển hình, những cách làm hay; phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử…” – nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

Còn đó những băn khoăn

Bên cạnh những đánh giá tích cực, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, nhiều nhà báo thiếu quan tâm đến văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa ứng xử, thiếu gương mẫu trong cách ứng xử văn hóa, thậm chí vi phạm các nguyên tắc, quy định về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của cá nhân, tổ chức và cộng đồng… Trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có những cách tiếp cận tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng. 

Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng cấn phải xác định rõ chuẩn mực văn hóa ứng xử để soi chiếu và báo chí cần phải thể hiện chuẩn văn hóa của riêng mình. Ảnh: ĐT
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra một số ví dụ cho thấy đề tài Phật giáo đã bị khai thác trở thành đề tài giật gân, câu view. Theo Hòa thượng, nhiều nhà báo chưa am hiểu về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng như quy định pháp luật về lĩnh vực tôn giáo nên đã có những bài viết thông tin lệch lạc, ảnh hưởng thiếu tích cực đến hoạt động tôn giáo.

Từ góc nhìn của người làm báo, Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Quân đội nhân dân cũng đã dẫn ra nhiều minh chứng để chứng minh cho sự lệch chuẩn của truyền thông báo chí. Đó là sự tung hô thái quá khiến giới trẻ dễ “lóa mắt” trước tác phẩm tầm thường; “tiêm nhiễm” vào tâm hồn giới trẻ những thông tin hào nhoáng về nhiều nhân vật giải trí; cổ súy giới trẻ “ăn mừng chiến thắng” thiếu chừng mực; vi phạm tín ngưỡng khi gán ghép từ ngữ linh tinh vào một số người trẻ; câu view bằng tiêu đề phản cảm… “Nhưng mặt trái của thời đại “internet hóa” cũng dễ làm cho ranh giới thật - giả, tốt - xấu, thiện - ác, đúng - sai, phải - trái, cao thượng - thấp hèn, văn minh - lạc hậu… trở nên mong manh hơn, bởi truyền thông có lúc đã đi quá chừng mực cho phép, nếu không muốn nói là làm lệch chuẩn, biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng” – nhà báo Nguyễn Văn Hải trăn trở.

Cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nhân rộng lan tỏa các hành vi ứng xử văn hóa cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị đặc biệt là vai trò của truyền thông của các cơ quan báo chí. Từ góc nhìn của người làm nghề, nhà báo Trần Thị Thanh Thùy, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội cho rằng để các chuẩn mức văn hóa ứng xử “ăn sâu, bám rễ ” trong đời sống công tác tuyên truyền về chuẩn mực ứng xử trong xã hội, phải thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan thực thi pháp luật, tăng các chế tài xử phạt và tiến tới loại bỏ những hành vi lệch chuẩn ra khỏi đời sống xã hội. 

Nhà báo Lê Thư, báo Người đại biểu nhân dân cho rằng có nhiều cách để báo chí định hướng ứng xử văn hóa trong cộng đồng, tạo dựng môi trường thông tin lành mạnh. Báo chí phải có trách nhiệm tuyên truyền, tác động vào suy nghĩ, nhận thức của công chúng, từ đó tác động vào hành vi, để mỗi người có cách ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Thêm nữa, báo chí có thể phát huy vai trò của mình bằng các hành động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa ứng xử giữa con người. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội, trong đó, báo chí cũng là một phần của văn hóa. Mỗi một sản phẩm báo chí là một sản phẩm của văn hóa; mỗi nhà báo là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận tư tưởng. Một dân tộc có nền kinh tế phát triển cũng đáng được ca tụng, nhưng sẽ vinh dự, tự hào hơn nếu dân tộc đó được ca ngợi là một dân tộc có văn hóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Báo chí cần tạo sự chuyển biến hành vi trong xã hội để ứng xử văn hóa hơn, xây dựng nếp sống văn hóa nhận thức của cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa. Báo chí định hướng dư luận xã hội, thay đổi hành vi cộng đồng bằng cách nêu nhiều gương tốt, phê phán cái xấu. Phải làm sao để báo chí thấm sâu vào quần chúng, làm sao để văn hóa thấm sâu vào tâm lý của quốc dân.

Để làm được điều đó, báo chí không chỉ đưa tin phản ánh, mà phải phân tích hành vi đó xét trên góc độ văn hóa, từ đó đưa ra khuyến nghị. Điều này không chỉ cần nhà báo mà còn cần những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cùng với nhà báo viết lên những tác phẩm báo chí sao cho đi vào lòng người. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích, động viên các bài viết, chuyên mục có đóng góp để làm thay đổi hành vi văn hóa sao cho đúng chuẩn mực. Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cần phải tăng lượng tin bài, hình thành thêm các chuyên mục nêu các gương tốt, phê phán các hành vi xấu, từ đó tạo ra sự chuyển biến hành vi của mọi người dân trong xã hội. 
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO