Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời đại mới
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, chiều ngày 17/3 tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiền nay”.
Tham dự chương trình có đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên chi hội…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng để hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại hơn.
Đứng trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid - 19, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp báo chí luôn nỗ lực khắc phục những khó khăn, thay đổi phương thức hoạt động để phù hợp với hoàn cảnh hơn hết là đáp ứng tốt nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên khắp cả nước.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho biết trong 3 năm từ 2020 đến2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 lớp học dành cho hơn 10.000 lượt học viên trên khắp cả nước. Đây là những con số hết sức ấn tượng và là động lực quan trọng tạo đà cho trung tâm tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Các khóa bồi dưỡng của Trung tâm trong thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu nhất định: Bắt kịp sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất bài chuyên đề cho báo mạng, sản xuất Podcast, làm báo bằng Facebook, ngăn chặn tin tức giả...; Chú trọng tới việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về khoa học, truyền thông thế giới, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại mới.
“Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả mà Trung tâm đã đạt được công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin”, ông Nguyễn Đức Lợi đánh giá.
Để công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tại cuộc tọa đàm nhiều đại biểu cũng đã đưa ra những đề xuất như: Cần đa dạng các khóa đào tạo cho người làm báo với nhiều chủ đề khác nhau; đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển…
Ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho rằng các trường đại học và các tổ chức đào tạo cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp sinh viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời đại mới.
Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Hội Nhà báo Việt Nam nên chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng; có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện đại; phổ biến cách thức, kỹ năng quản trị tòa soạn trong thời đại mới./.