Đặc biệt, theo bác sĩ Tuấn, dự báo trong 10 năm tới, tỷ lệ cận thị trên toàn cầu là 33% (2,5 tỷ người). Đến năm 2050, khoảng 5 tỷ người cận thị, chiếm 50% dân số ở thời điểm đó.
Tại Việt Nam, khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ, cần được chỉnh kính. Trong đó, 10-15% trẻ em ở độ tuổi 6-15 tuổi sinh sống tại nông thôn. Ở thành thị, con số này lên đến 20-40%.
“Cận thị thường xảy ra ở đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên nhưng không được quan tâm đúng mực. Nhiều người thờ ơ cho rằng đây là tình trạng quá bình thường, không có gì nguy hiểm, trong khi từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận thị tiến triển nhanh”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Người có độ cận thị cao (trên 6 diop) không chỉ gặp phải những bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, vì tầm nhìn suy giảm, mà nguy hiểm hơn những biến chứng về đáy mắt luôn rình rập khiến người cận thị cao có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.
Khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm.
Võng mạc bị kéo mỏng sẽ gây ra hàng loạt biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Đây đều là những bệnh lý về mắt, có thể gây mù, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
BS Tuấn cũng lưu ý cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhưng khi không được chăm sóc và bảo vệ kịp thời, nó sẽ khiến “bộ đôi” quan trọng nhất của mắt là thủy tinh thể và võng mạc gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.