Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ Vĩ Bắc nên trong chiều tối và đêm qua (01/10) ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa rào và dông nhiều nơi, một số nơi có mưa to như: Tuy Hòa (Phú Yên) 40mm, La Gi (Bình Thuận) 97mm, Buôn Hồ (Đắk Lắk) 52mm, Liên Khương (Lâm Đồng) 62mm, Trị An (Đồng Nai) 51mm, Mỹ Tho (Tiền Giang) 87mm,…
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, trong khoảng 2-3 ngày tới, ở các tỉnh ven biển Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông nhiều nơi; khu vực ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên (các tỉnh Đắk Lắc, Đắk Nông, Lâm Đồng) và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Chiều tối 30/9, nhiều nơi ở Sài Gòn xuất hiện mưa như thác đổ khiến đường phố biến thành sông. Ảnh. VNN
Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Thời gian mưa lớn xảy ra về chiều tối và đêm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Mưa giông trên vùng biển phía Nam
Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ Vĩ Bắc, khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn giông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Tại Khu vực Hà Nội, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và ảnh radar thời tiết cho thấy một vùng mây đối lưu từ phía Nam và Đông Nam đang có xu hướng dịch chuyển về phía trung tâm thành phố Hà Nội.
Trong khoảng thời gian 20 – 30 phút tới, vùng mây đối lưu này này sẽ gây mưa rào và dông cho khu vực các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Long Biên, sau đó sẽ mở rộng và lan sang các quận nội thành khác của TP Hà Nội. Trong cơn dông có khả năng xuất hiện gió giật mạnh.