Một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương

08/11/2017 17:12

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết "Một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương" nhân dịp Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017. Báo NHN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ngày 15/11/1998, Việt Nam đã gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đây là sự kiện có ý nghĩa mở ra một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trên mọi phương diện, đặt nền móng cho sự hội nhập năng động và tích cực.

Trong 30 năm Đổi mới vừa qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt gần 7%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 310 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn giải ngân thực tế là 165 tỷ USD, trong đó gần 80% là đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Trong số 26 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, có các cường quốc hàng đầu ở Châu Á – Thái Bình Dương, các nước ASEAN. 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các hiệp định đã ký kết, thực thi và đang đàm phán là minh chứng cho chủ trương chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực và trên toàn thế giới.


Chúng tôi xác định những cải cách, đổi mới, phát huy nội lực trong nước là quan trọng nhất cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ kiến tạo phát triển của Việt Nam rất coi trọng việc xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt, hỗ trợ tiếp cận thị trường minh bạch, duy trì chuẩn mực lao động tiên tiến, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo không ngừng. Nguyên tắc xuyên suốt là các chính sách phải bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn sinh động, xu thế của công nghệ và toàn cầu hóa, thích nghi tốt với những mô hình kinh doanh mới, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt được những lợi thế so sánh hiệu quả trên thị trường khu vực và thế giới. Thực tế, Việt Nam đã tăng 14 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh (DB), xếp hạng 68/190 quốc gia, theo đánh giá tháng 10/2017 của WB và tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), xếp thứ 55/137 quốc gia, theo đánh giá tháng 9/2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).


Trong mọi hoạch định chiến lược phát triển của đất nước, Việt Nam luôn khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ kiến tạo các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh như thể chế - chính sách, cơ sở hạ tầng, phát triển lành mạnh hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản… Chúng tôi tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu 01 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa kinh tế tư nhân Việt Nam, cùng với các thành phần kinh tế khác phát triển lên một tầm cao mới, có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập trên bình diện khu vực và thế giới.


Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động tìm kiếm giải pháp của mình để ứng phó với những yếu tố gây cản trở quá trình hội nhập quốc tế như vấn nạn trốn thuế, chuyển giá, công nghệ lạc hậu, chủ nghĩa bảo hộ, khủng bố,…; đồng thời tích cực triển khai các thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và định hình các thể chế đa phương, nhất là các cơ chế hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


Có một xu hướng sẽ được nhận thấy ở Việt Nam trong thập niên tới là sự dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng đặt trọng tâm vào GDP sang tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, tăng trưởng bao trùm và bền vững. Đặc biệt, Việt Nam xem việc theo đuổi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và cam kết COP-21 Paris về hạn chế phát thải, bảo vệ môi trường vừa là thước đo, vừa là động lực phát triển trong những thập niên tới.


Với không khí cải cách đang lan tỏa khắp vành đai Thái Bình Dương và với quy mô và vai trò của mình, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ góp phần định hình nên những thành tựu phát triển mới trong thế kỷ 21. Theo đó, một tầm nhìn mới cho khuôn khổ APEC trong tương lai cần được xây dựng ngay từ hôm nay. Các khuôn khổ hợp tác kinh tế cần được xem xét, có thể dần được mở rộng sang các lĩnh vực phi kinh tế như văn hóa, môi trường, khoa học công nghệ và giáo dục, trong đó lấy phát triển con người làm trung tâm, là động lực mang tính quyết định các khuôn khổ và cấu trúc hợp tác mới. Nói cách khác, APEC cần góp phần thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế mới với một mô thức quản trị mới, một chương trình nghị sự mới và một kiến trúc hợp tác mới.


Trong khuôn khổ APEC, sự trỗi dậy của một số nền kinh tế APEC không nên là sự đe dọa mà nên là những cơ hội cho xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp, là tấm gương sáng, bài học kinh nghiệm hay cho các quốc gia và nền kinh tế khác trên con đường dẫn tới thành công.


Trong bối cảnh ngày càng có nhiều sáng kiến, diễn đàn, và khuôn khổ hợp tác kinh tế mới, APEC cần tạo dựng cho mình một bản sắc riêng, một cơ chế nhằm tìm kiếm sự thống nhất cao trong các thành viên APEC. Điều này xuất phát từ giải quyết chưa thành công một số bất đồng, những thách thức về môi trường hay năng lượng,…. Đứng trước thực tế hiện nay, mọi thành viên APEC cần cùng nhau hợp tác để có những phương thức tiếp cận sáng tạo nhằm thiết lập sự thống nhất trong đa dạng mang tính xây dựng, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế.


Một Châu Á - Thái Bình Dương đoàn kết, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững phải là mục tiêu, trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của mọi nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển ở vành đai Thái Bình Dương.


Những ngày này, Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh và chào đón các nhà lãnh đạo APEC tham dự Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại, đồng thời cũng là dịp để các nền kinh tế thành viên hiểu rõ hơn về con người, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.


Chúng tôi hy vọng, nhân dịp này, bằng sự thông tuệ và tầm nhìn của mình, các nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu để cùng nhau "tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung"./.

Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Chính phủ
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hai kiệt tác của Jimmy Liao tái ngộ độc giả Việt trong diện mạo mới
    Nhà xuất bản Kim Đồng vừa chính thức giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam bản nâng cấp 2025 của hai tác phẩm kinh điển từ tác giả nổi tiếng toàn cầu Jimmy Liao: “Hòn đá xanh” và “Âm thanh của sắc màu”. Sau một thập kỷ kể từ lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, hai tác phẩm đã chiếm trọn cảm tình của độc giả nay trở lại với diện mạo mới mẻ, hiện đại và đầy cảm xúc.
  • Thủ đô Hà Nội: “5 rõ” để hình thành khu phát triển thương mại và văn hóa đúng nghĩa
    “Dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo có các quy định cụ thể, chặt chẽ đã cho thấy Thủ đô nêu cao tinh thần, bảo đảm phương châm 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, qua đây trong tương lai gần Hà Nội sẽ có các khu phát triển thương mại và văn hóa xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
  • Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
  • “Mùa xuân thống nhất": Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chủ đề “Mùa xuân thống nhất" là những lời ca, tiếng hát, những vẫn thơ, phóng sự... về những ngày tháng chặng đường đã qua, chúng ta càng thêm tự hào về những hy sinh, cống hiến của bao thế hệ cha anh. Những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy đã đặt nền móng cho một Việt Nam kiên cường, một TP. Hồ Chí Minh năng động, đổi mới và hội nhập, vững bước trên con đường phát triển.
  • 55 đội tranh tài Giải bóng đá nhi đồng U11 toàn quốc 2025
    Giải bóng đá nhi đồng U11 toàn quốc 2025 cúp Nestlé MILO sẽ diễn ra từ ngày 2/6 đến ngày 6/8 với sự đăng ký tham gia vượt trội lên tới 55 đội bóng đến từ 43 tỉnh, thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Một Việt Nam năng động, hội nhập và phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO